bộ luật hàng hải năm 1990
"bộ luật hàng hải năm 1990" được hiểu như sau:
Đạo luật quy định và điều chỉnh các quan hệ pháp lý liên quan đến lĩnh vực hàng hải được Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 30.6.1990 và được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước công bố ngày 12.7.1990; gồm 18 chương, 244 điều.Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng và hoàn cảnh địa lý đặc biệt thuận lợi cho hoạt động hàng hải với 3620 km bờ biển và vị trí tiệm cận một tuyến hàng hải quốc tế quan trọng. Trong lịch sử phát triển của đất nước, hoạt động hàng hải luôn đóng một vai trò đáng kể. Không kể thời kỳ trước 1954, khi các hoạt động hàng hải chưa phát triển nhiều và chủ yếu do các công ty tư bản nước ngoài kiểm soát, từ sau năm 1954, đặc biệt từ sau năm 1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng và năm 1976 đất nước thống nhất, hoạt động hàng hải của Việt Nam phát triển mạnh và nhanh chóng. Trong lúc đó, hệ thống pháp luật về hoạt động hàng hải phát triển chậm. Từ sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng (1954), mãi đến những năm 1960 -1964 Hội đồng Chính phủ mới ban hành một số nghị định, đáng chú ý là Nghị định 203-CP về giao thông đường biển, Nghị định 196-CP và một số văn bản khác về bốc xếp, giao nhận hàng hóa, đăng kiểm tàu biển, đại lý tàu biển. Để đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước, bộ chủ quản và các tổng cục cũng có ban hành một số văn bản có tính pháp quy tạm thời. Tất cả các văn bản đó hợp thành một hệ thống vừa không đầy đủ, vừa chồng chéo. Cho đến năm 1990, Quốc hội thông qua Bộ luật hàng hải, nước ta cũng chưa tham gia một điều ước quốc tế nào về hoạt động hàng hải. Việc khẩn trương, sớm trình Quốc hội thông qua Bộ luật hàng hải trở thành đòi hỏi bức xúc.Lần đầu tiên, việc xây dựng Bộ luật hàng hải được ghi vào Nghị quyết xây dựng luật, pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước ngày 28.6.1981. Sau 4 năm chuẩn bị, tháng 8.1985, Bộ Giao thông vận tải thực hiện nhiệm vụ được Hội đồng bộ trưởng giao, đã có quyết định thành lập Tiểu ban nghiên cứu và biên soạn Bộ luật hàng hải.Tháng 7.1989, Dự thảo được chính thức trình Hội đồng bộ trưởng xem xét, cho ý kiến, thông qua, tháng 10 cùng năm trình Hội đồng nhà nước và tháng 12 năm đó trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.Trong suốt quá trình xây dựng dự án, một số vấn đề luôn được đặt ra và được nhiều ý kiến tham gia là Bộ luật hàng hải cần quy định những vấn đề gì và phạm vi, mức độ quy định của Bộ luật đối với từng vấn đề sao cho thỏa đáng, không lấn sân, chồng chéo các văn bản pháp luật chuyên ngành khác, trong khi đó lại phải tính đến tình hình là hoạt động hàng hải có quan hệ, liên quan đến nhiều lĩnh vực như quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, hành chính, quản lý nhà nước, bảo vệ môi trường, an ninh lãnh thổ... Đồng thời, phương diện quốc tế, tính chuyên ngành sâu của hoạt động hàng hải... đều phải được tính đến đầy đủ nhưng không quy định thay các ngành luật chuyên ngành khác.Nhìn chung, nội dung Bộ luật hàng hải năm 1990 phù hợp với tập quán và xu thế phát triển chung của luật hàng hải quốc tế, đồng thời, kế thừa có chọn lọc các văn bản của Nhà nước ta đã ban hành về lĩnh vực hàng hải.Chương I - Những quy định chung, gồm 7 điều, quy định những vấn đề có tính nguyên tắc quán xuyến toàn bộ nội dung của Bộ luật.Chương II - Tàu biển, gồm 30 điều, từ Điều 8 đến Điều 37 quy định về sở hữu tàu.Chương III - Thuyên bộ, gồm 19 điều, từ Điều 38 đến Điều 56 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của thuyền viên, đặc biệt là của thuyền trưởng đối với toàn bộ hoạt động của tàu.Chương IV - cảng biển và cảng vụ, gồm 4 điều, từ Điều 57 đến Điều 60 quy định phạm vi cảng biển, quản lý cảng và tính độc lập của các cơ quan có chức năng quản lý tại các cảng.Chương V - Hợp đồng vận chuyển hàng hóa, gồm 55 điều, từ Điều 61 đến Điều 115, quy định việc ký kết và trách nhiệm của các bên liên quan đến thực hiện hợp đồng.Chương VI - Hợp đồng vận chuyển hành khách và hành lý, gồm 15 điều, từ Điều 116 đến Điều 130 quy định quyền và nghĩa vụ của hành khách, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vận chuyển.Chương VII - Hợp đồng cho thuê tàu, gồm 12 điều, từ Điều 131 đến Điều 142 quy định các quyền và nghĩa vụ của chủ tàu và người thuê tàu.Chương VIII - Đại II tàu biển và mỗi giới hàng hải, gồm 10 điều, từ Điều 143 đến Điều 152.Chương IX - Hoa tiêu hàng hải, gồm 6 điều, từ Điều 153 đến Điều 158, quy định chế độ hoa tiêu ở các cảng biển đối với các tàu.Chương X - Lai dắt trên biển, gồm 5 điều, từ Điều 159 đến Điều 163.Chương XI - Cứu hộ trên biển, gồm 11 điều, từ Điều 164 đến Điều 174.Chương XII - Trục vớt tài sản chìm đắm, gồm 6 điều, từ Điều 175 đến Điều 181.Chương XIII - Tai nạn đâm va, gồm 5 điều, từ Điều 182 đến Điều 186.Chương XIV - Tổn thất chung, gồm 7 điều, từ Điều 187 đến Điều 193, quy định những yếu tố và chi phí được coi là tổn thất chung.Chương XV - Trách nhiệm dân sự của chủ tàu, gồm 6 điều, từ Điều 194 đến Điều 199.Chương XVI - Hợp đồng bảo hiểm hàng hải, là chương lớn nhất, gồm 41 điều, từ Điều 200 đến Điều 240.Chương XVII - Giải quyết tranh chấp hàng hải, gồm 2 điều, từ Điều 241 đến Điều 242.Chương XVIII - Điều khoản cuối cùng, gồm 2 điều, từ Điều 243 đến Điều 244 quy định về hiệu lực thời gian của Bộ luật.Sau gần 15 năm được đưa vào điều chỉnh, phát huy vai trò tích cực, nhưng Bộ luật cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, tồn tại và tại kỳ họp lần thứ bảy, Quốc hội khóa XI đã ban hành Bộ luật hàng hải năm 2005 thay thế Bộ luật hàng hải năm 1990.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, Bộ luật hàng hải năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2015 thay thế Bộ luật hàng hải năm 2005.