bộ luật dân sự nam kỳ
"bộ luật dân sự nam kỳ" được hiểu như sau:
Bộ dân luật giản yếu được ban hành ngày 26.3.1884 áp dụng cho xứ Nam Kỳ.Đây là bộ luật dân sự đầu tiên ở nước ta được xây dựng theo tinh thần của nền pháp chế phương Tây mà vai trò ảnh hưởng trực tiếp là các tư tưởng pháp lý được thể hiện trong Bộ dân luật của Pháp ban hành năm 1804.Bộ luật này được xây dựng trong bối cảnh Nam Kỳ Việt Nam lúc đó đã trở thành thuộc địa của Pháp và quyền lập pháp trên toàn cõi Nam Kỳ đều thuộc về người Pháp. Để thuận tiện cho việc áp dụng tinh thần Bộ dân luật Pháp tại Việt Nam, người ta đã nghĩ đến việc soạn thảo một bộ dân luật riêng áp dụng tại Nam Kỳ nhưng phải được xây dựng theo bố cục và tinh thần của Bộ dân luật Pháp. Trước khi Bộ luật dân sự Nam Kỳ được chính thức ban hành, ngày 3.10.1883, Chính phủ Pháp đã ban hành hai sắc lệnh nhằm áp dụng tại Nam Kỳ, trong đó sắc lệnh thứ nhất quy định về vấn đề quốc tịch và trú quán (giống như thiên sơ bộ và thiên I, thiên III trong Quyền 1 Bộ dân luật Pháp); còn sắc lệnh thứ hai quy định về vấn đề hộ tịch (giống như thiên II trong Quyền 1 Bộ dân luật Pháp). Các vấn đề còn lại trong Bộ dân luật Pháp (từ Thiên thứ IV đến Thiên thứ XI) được ban hành sau đó không lâu, trong Bộ dân luật giản yếu ngày 26.3.1884 để áp dụng tại xứ Nam Kỳ. Chính vì trong Bộ dân luật này chỉ quy định từ Thiên thứ IV đến Thiên thứ XI nên được gọi là “Bộ dân luật giản yếu”.Về nội dung, Bộ dân luật giản yếu áp dụng tại Nam Kỳ bao gồm các thiên như sau: Thiên IV nói về sự thất tung (mất tích); Thiên V nói về giá thú; Thiên VI quy định về việc ly hôn; Thiên VII quy định về chế độ phụ hệ và con chính thức; Thiên VIII quy định về vấn đề con nuôi; Thiên IX quy định về vấn đề thân quyền; Thiên X quy định về vấn đề vị thành niên, giám hộ, thoát quyền; Thiên XI quy định về vấn đề thành niên.So với Bộ dân luật Bắc Kỳ và Bộ dân luật Trung Kỳ thì Bộ dân luật giản yếu áp dụng tại xứ Nam Kỳ chỉ quy định những vấn đề về nhân pháp (tức nói về người), chứ không quy định các vấn đề khác vốn được xem là một trong những nội dung cốt yếu của dân luật như vấn đề tài sản; vấn đề nghĩa vụ dân sự và khế ước. Thậm chí, ngay cả chế độ tài sản của vợ chồng hay vấn đề thừa kế, vốn rất gần gũi với các quy định về “người” cũng không được quy định trong Bộ luật này.