biện pháp kỷ luật lao động
"biện pháp kỷ luật lao động" được hiểu như sau:
Hình thức xử lý được pháp luật lao động quy định đối với các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động làm công.Theo Bộ luật lao động năm 1994, được sửa đổi, bổ sung năm 2002, người vi phạm kỷ luật lao động, tùy theo mức độ phạm lỗi, bị xử lý theo một trong những biện pháp kỷ luật sau: 1) Khiển trách; 2) Kéo dài thời hạn nâng lương không quá sáu tháng hoặc chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa là sáu tháng hoặc cách chức; 3) Sa thải.Hình thức xử lý kỷ luật sa thải chỉ được áp dụng trong những trường hợp sau: a) Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp; b) Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương, chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm; c) Người lao động tự ý bỏ việc năm ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng. Không được áp dụng nhiều hình thức kỷ luật đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, các biện pháp kỷ luật lao động được quy định tại Điều 125 Bộ luật lao động năm 2012 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 18 tháng 06 năm 2012; hình thức xử lý kỷ luật sa thải được quy định tại Điều 126 Bộ luật lao động năm 2012 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 18 tháng 06 năm 2012.