biển kín và nửa kín
"biển kín và nửa kín" được hiểu như sau:
Là một vịnh, một vũng hoặc một vùng biển do nhiều quốc gia bao bọc xung quanh và thông với một biển khác hay với đại dương qua một cửa hẹp, hoặc là hoàn toàn hay chủ yếu do các lãnh hải và các vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia tạo thành.Biển kín và nửa kín nếu nằm trọn trong lãnh thổ của một quốc gia (Ví dụ: Biển Aral của Uzbekistan, Biển Trắng thuộc Liên bang Nga...) thì biển đó cấu thành bộ phận của lãnh thổ quốc gia đó. Nhưng nếu bờ biển kín và nửa kín này lại thuộc hai hoặc nhiều quốc gia khác nhau và nếu giữa các quốc gia này không có một điều ước quốc tế đặc biệt về quản lý và sử dụng biển đó, thì có thể phát sinh nhiều tranh chấp pháp lý quốc tế giữa các quốc gia có cùng bờ biển. Lịch sử luật biển quốc tế cho thấy không ít giải pháp pháp lý quốc tế trong lĩnh vực này. Ví dụ, biển Caspi, trước đây thuộc Nga và Iran, năm 1813 giữa hai nước này đã ký Hiệp định Hulistan, sau đó vào 1828 kí Hiệp định Turemanche cho phép Nga vĩnh viễn có quyền đặc biệt duy trì hạm đội của mình tại đó và chịu quyền tài phán của Nga, cho đến khi biển này vẫn thuộc hai nước. Đến năm 1935 Liên Xô và Iran đã ký lại Hiệp định Matxcơva, theo đó hai nước có thương quyền hàng hải bình đẳng trong biển Caspi với những hạn chế nhất định cho tàu chiến. Sau khi Liên Xô tan rã, biển Caspi lại thuộc Nga, Tuôcmênixtan, Kazăcxtan. Azerbaijan. Biển Đen (Hắc Hải) là một trường hợp khá đặc biệt. Do biển này có ý nghĩa kinh tế, chính trị, quân sự quan trọng đối với nhiều nước nên từ lâu nó đã trở thành đối tượng tranh chấp giữa các quốc gia ven bờ. Trước khi ký hiệp định Kuchuk - Kinargin 1774, biển Đen hoàn toàn thuộc lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, Rumani và Bungari. Ngày nay, biển Đen thuộc Nga, Ucraina, Rumani, Bungari, Thổ Nhĩ Kỳ và Gruzia. Theo Hiệp định Pari 1856, Biển Đen được tuyên bố là biển mở và tự do hàng hải cho mọi thương thuyền. Chì có Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được duy trì một số tàu chiến loại nhỏ ở đây. Theo Hiệp định Berlin 1878 biển Đen được mở cho giao lưu hàng hải thương thuyền của tất cả các nước với điều kiện Thổ Nhĩ Kỳ có quyền cấm hoặc cho phép tàu chiến nước khác qua lại vô hại qua cửa hẹp Bospho và Dardanel Bé. Trong giai đoạn hiện nay, chế độ pháp lý của Biển Đen được khẳng định trong công ước Montreal 1936, theo đó Biển Đen được mở cho giao lưu hàng hải thương thuyền của tất cả các nước với điều kiện hạn chế qua tại vô hại của tàu chiến các nước không có chung Biển Đen.Đối với biển Bantich, theo "điều mật" của Thỏa thuận năm 1800 giữa Đan Mạch, Na Uy và Nga thì biển Baltic bị tuyên bố là “biển đóng vĩnh viễn", tuy vậy, trong thời bình tất cả các nước có quyền hàng hải thương thuyền. Đến năm 1857 các nước đã kí với nhau thỏa ước về biển Baltic (Thỏa ước Pari), theo đó Đan Mạch buộc phải không được gây cản trở hoặc bắt giữ tàu thuyền các nước dưới bất cứ lý do nào khi các tàu thuyền đó qua lại cửa Gede và Belta, biển Baltic được mở tự do cho mọi tàu thuyền các nước.Vấn đề biển kín và nửa kín đã được thảo luận tại các hội nghị quốc tế của Liên hợp quốc về luật biển. Tại hội nghị lần thứ 3 của Liên hợp quốc về luật biển (1973 - 1982), vấn đề biển kín và nửa kín đã được thảo luận sôi nổi xoay quanh hai nhóm vấn đề: đó là định nghĩa và sự hợp tác giữa các quốc gia ven biển kín và nửa kín. Thông qua nhiều cuộc thương lượng, Hội nghị đã đạt được thỏa hiệp về định nghĩa biển kín và nửa kín tại Điều 122 Công ước năm 1982 về luật biển như sau: “đó là một vịnh, một vũng hoặc một vùng biển do nhiều quốc gia bao bọc xung quanh và thông với một biển khác hoặc với đại dương qua một cửa hẹp, hoặc là hoàn toàn hay chủ yếu do các lãnh hải và các vùng đặc quyền về kinh tế của nhiều quốc gia tạo thành". Như vậy, định nghĩa này của Công ước năm 1982 về luật biển vừa dựa trên tiêu chuẩn địa lý, vừa kết hợp với tiêu chuẩn pháp lý về lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế để định nghĩa các loại biển đó. Rõ ràng, định nghĩa này rất rộng, người ta có thể đưa vào đó nhiều biển khác nhau, như biển Baltic, Địa Trung Hải, Biển Đen... và cả Biển Đông của các nước Đông Nam Á chúng ta.Về sự hợp tác giữa các quốc gia ven biển kín và nửa kín, hội nghị đã đạt được thỏa hiệp như sau:”a. Các quốc gia ven bờ biển kín và nửa kín cần hợp tác với nhau trong việc sử dụng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ của họ theo Công ước năm 1982 về luật biển. Vì mục đích đó, các quốc gia này cố gắng phối hợp trực tiếp hoặc qua trung gian của một tổ chức khu vực thích hợp để quản lý, bảo tổn, thăm dò và khai thác các tài nguyên sinh vật biển.b. Sử dụng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ của họ liên quan đến việc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.c. Thực hiện chính sách nghiên cứu khoa học của họ, và nếu có thể thì thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học chung trong khu vực được xem xét.d. Mời các quốc gia khác hoặc các tổ chức quốc tế hữu quan hợp tác với họ trong việc thực hiện điều khoản này nếu có thể làm được như vậy”.Ở Việt Nam, thuật ngữ “Biển kín và nửa kín” được thể hiện trong các sách, báo khoa học pháp lý dưới các tên gọi rất khác nhau như có thể được gọi là “Biển nội địa" hay “Biển đóng và nửa đóng”, đặc biệt, trong bản dịch “Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982” của tập thể tác giả Lê Minh Nghĩa, Vũ Phi Hoàng, Viễn Đông và Trần Công Trục đã thống nhất gọi là “biển kín hay nửa kín".