Hệ thống pháp luật

biên bản hoà giải

"biên bản hoà giải" được hiểu như sau:

Loại tài liệu do người có thẩm quyền ghi chép về quá trình và kết quả của hoạt động hòa giải.Biên bản hòa giải được lập theo các yêu cầu do luật định.Biên bản hòa giải được coi là nguồn chứng cứ trong luật tố tụng và trong hoạt động hòa giải ở cơ sở theo Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998.Khi tiến hành hoạt động tố tụng, tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải để giúp các đương sự thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ án, trừ trường hợp không hòa giải được hoặc pháp luật quy định không được hòa giải. Biên bản hòa giải trong tố tụng phải được lập theo mẫu quy định thống nhất và có chữ ký của chính những người được pháp luật quy định. Trong biên bản phải ghi rõ địa điểm, ngày, giờ, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của vụ việc được hòa giải, những người tiến hành, tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động tố tụng, những khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ. Việc lập biên bản phải chính xác, đầy đủ, rõ ràng và thỏa mãn các yêu cầu của pháp luật không chỉ có tác dụng trực tiếp đối với tiến trình giải quyết vụ án mà còn phục vụ tốt việc kiểm tra, xem xét chất lượng hoạt động tố tụng. Có hai loại biên bản hòa giải:1. Trong tố tụng dân sự, nếu các đương sự khi được tòa án triệu tập để hòa giải mà các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề giải quyết vụ án thì thẩm phán sẽ lập biên bản hòa giải thành (Xt. Biên bản hòa giải vụ án dân sự).2. Biên bản hòa giải ở cơ sở do các hòa giải viên thực hiện theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013. Trong trường hợp các bên có yêu cầu hoặc được các bên đồng ý, việc hòa giải được tổ viên hòa giải lập biên bản. Biên bản hòa giải không làm phát sinh hậu quả pháp lý nào mà chì có ý nghĩa ghi nhận một sự kiện: các bên đạt được thỏa thuận giải quyết vụ việc tranh chấp và tự nguyện chấp hành. Biên bản hòa giải là chứng cứ quan trọng nếu vụ việc đó được khởi kiện tại tòa án.