Hệ thống pháp luật

biên bản hoà giải vụ án dân sự

"biên bản hoà giải vụ án dân sự" được hiểu như sau:

Văn bản ghi lại diễn biến của quá trình hòa giải vụ án dân sự.Biên bản hòa giải được tòa án lập theo quy định tại khoản 1 Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005. Trong biên bản hòa giải ghi ngày, tháng, năm tiến hành phiên hòa giải; địa điểm tiến hành phiên hòa giải; thành phần tham gia phiên hòa giải; ý kiến của các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự, những nội dung đã được các đương sự thỏa thuận, không thỏa thuận. Biên bản hòa giải phải có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của các đương sự có mặt trong phiên hòa giải, chữ ký của thư ký tòa án ghi biên bản và của thẩm phán chủ trì phiên hòa giải.Biên bản hòa giải vụ án dân sự gồm biên bản hòa giải không thành và biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải không thành là văn bản ghi lại diễn biến của quá trình hòa giải vụ án dân sự không đạt kết quả. Biên bản hòa giải không thành có giá trị xác định việc tòa án đã tiến hành hòa giải vụ án dân sự nhưng không đạt kết quả và là một trong những căn cứ để tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử. Biên bản hòa giải thành là văn bản ghi lại diễn biến của quá trình hòa giải vụ án dân sự đạt kết quả. Biên bản hòa giải thành do tòa án lập khi các đương sự thỏa thuận được với nhau về các vấn đề phải giải quyết vụ án và là một trong những căn cứ để tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, biên bản hòa giải vụ án dân sự được quy định tại khoản 2 Điều 211 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2015.