Hệ thống pháp luật

bầu cử

"bầu cử" được hiểu như sau:

Phương thức lựa chọn người làm đại biểu, thay mặt thực hiện quyền lực nhà nước trong các xã hội dân chủ theo nguyên tắc tất cả quyền nhà nước thuộc về nhân dân.Do bầu cử là một công việc hệ trọng của một quốc gia cho nên ở tất cả các nước việc bầu cử đều được pháp luật, mà trước hết là hiến pháp thiết định thành một nguyên tắc hiến định và được pháp luật bầu cử quy định thành chế độ bầu cử.Chế độ bầu cử của các nước thường được thực hiện qua hai hình thức: bầu cử trực tiếp và bầu cử gián tiếp. Xét một cách khách quan, bầu cử trực tiếp được đánh giá là tiến bộ hơn hình thức bầu cử gián tiếp. Trong hình thức bầu cử trực tiếp, chế độ phổ thông đầu phiếu được xem là tiến bộ nhất, vì việc bầu cử được thực hiện theo các nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Trong lịch sử chế độ bầu cử dân chủ của nước ta, từ cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức ngày 6.01.1946 đã thực hiện theo chế độ bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín. Chế độ bầu cử đó liên tục được thực hiện.Bầu cử gián tiếp là hình thức bầu cử khi cử tri không trực tiếp bầu ra người đại biểu của mình mà chỉ bầu ra các đại biểu, thường được gọi là đại cử tri và chính các đại cử tri mới bầu ra người cần được bầu- hoặc cử tri trực tiếp bầu ra đại biểu cấp cơ sở và các đại biểu cấp cơ sở của địa phương cùng với các đại biểu ở cấp cơ sở khác bầu ra đại biểu cấp trên trực tiếp để các đại biểu cấp trên trực tiếp này lại cùng nhau bầu ra cấp cao hơn, lần lượt cho đến cấp trung ương (Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thực hiện chế độ bầu cử này).Trong các cuộc bầu cử thường xảy ra trường hợp bầu cử lại, bầu cử thêm và bầu cử bổ sung. Khi việc bầu cử có sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật bầu cử thì phải tổ chức để bầu cử lại. Bầu cử thêm thường xảy ra khi số người trúng cử chưa đủ số đại biểu phân bổ cho đơn vị bầu cử đó. Bầu cử bổ sung xuất hiện khi xảy ra trường hợp số đại biểu được bầu cho một đơn vị bầu cử, do những lý do khác nhau, bị khuyết do chết, mất khả năng làm nhiệm vụ đại biểu hoặc những lý do khác. Để bảo đảm đủ số đại biểu thay mặt cho đơn vị bầu cử, phải tổ chức cuộc bầu cử mới, bổ sung để bầu ra số đại biểu bị thiếu, bổ sung cho đủ số đại biểu được phân bổ.