bất hồi tố
"bất hồi tố" được hiểu như sau:
Quy định của pháp luật về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật về thời gian. Văn bản quy phạm pháp luật chỉ có hiệu lực điều chỉnh đối với những quan hệ xã hội phát sinh từ khi văn bản đó có hiệu lực, nó không có hiệu lực ngược lại thời gian (hồi tố). Trong trường hợp thật cần thiết, người làm luật có thể quy định hiệu lực hồi tố của một số quy phạm pháp luật trên cơ sở nguyên tắc nhân đạo của pháp luật.Pháp luật hình sự nước ta quy định hiệu lực bất hồi tố đối với các điều luật quy định không có lợi cho người phạm tội như quy định về một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích... Các quy định này không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã được thực hiện trước khi quy phạm đó có hiệu lực thi hành (khoản 2 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999).Ngược lại, thể hiện nguyên tắc nhân đạo, pháp luật hình sự nước ta quy định hiệu lực hồi tố đối với các điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích... Các quy định này được áp dụng cả đối với hành vi phạm tội đã được thực hiện trước khi quy phạm đó có hiệu lực thi hành (khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999).Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, hiệu lực bất hồi tố đối với các điều luật quy định không có lợi cho người phạm tội được quy định tại khoản 2 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015. Hiệu lực hồi tố đối với các điều luật có lợi cho người phạm tội được quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.