Hệ thống pháp luật

bắt giữ

"bắt giữ" được hiểu như sau:

Biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự.Ở Việt Nam, trong thời kỳ phong kiến đã có một số quy định về thẩm quyền bắt người, giam giữ tiến bộ. Các quy định này đã hạn chế sự tùy tiện, lộng hành của hệ thống nha dịch và cường hào ác bá. Bộ Quốc triều hình luật (luật Hồng Đức) đã có nhiều quy định tiến bộ về việc bắt, giữ, giam. Tại Bộ luật này ngoại trừ chương Danh lệ, chương Tạp luật, chương Hộ hôn, chương Điền sản còn trong hầu hết các chương đều có quy định về việc bắt, giữ, giam. Đặc biệt tại chương Đoán ngục có tới 18 điều, chương Bộ vong có 9 điều quy định liên quan đến việc bắt và giam giữ.Bộ luật Gia Long, trong các quyền 18,19 có nhiều quy định về việc bắt và giam giữ như Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 28...Sau khi giành được chính quyền năm 1945, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản tố tụng hình sự quy định về thủ tục bắt người như Luật số 103/SL/005 ngày 20.5.1957; sắc luật 002/SL ngày 18.6.1957; sắc luật số 02-SL ngày 15.3.1976. Để cụ thể hóa các quy định của Luật số 103-SL/005 ngày 10.7.1957, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 301-TTg trong đó có chương II quy định về việc tạm giữ, tạm giam, tạm tha.Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 đã quy định khá cụ thể các trường hợp bắt: bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người trong trường hợp khẩn cấp; bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã. Bộ luật cũng quy định các vấn đề về thẩm quyền, đối tượng và thủ tục áp dụng bắt trong các trường hợp cụ thể. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì:Bắt giữ được áp dụng đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện, người thực hiện tội phạm đang bị đuổi bắt hoặc người đang bị truy nã để ngăn chặn tội phạm, đảm bảo cho hoạt động phát hiện, xử lý tội phạm hoặc bảo đảm thi hành án. Bất kỳ người nào cũng có quyền bắt giữ các đối tượng nêu trên và dẫn giải đến cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Trong khi bắt giữ có quyền tước vũ khí của người bị bắt (Điều 82).Sau khi nhận người bị bắt, cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 24 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt. Đối với người bị truy nã thì sau khi lấy lời khai, cơ quan điều tra phải thông báo ngay cho cơ quan đã ra lệnh truy nã và giao ngay người đó cho trại tạm giam nơi gần nhất để giam giữ tạm thời trước khi cơ quan ra lệnh truy nã đến nhận (Điều 83).Biện pháp bảo đảm trật tự phiên tòa do chủ tọa phiên tòa quyết định. Trong trường hợp này, lệnh bắt giữ của chủ tọa phiên tòa do cảnh sát nhân dân bảo vệ phiên tòa thực hiện.