Hệ thống pháp luật

bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

"bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản" được hiểu như sau:

(Hành vi) bắt giữ con tin, đe dọa chủ tài sản phải giao nộp tài sản nếu không tính mạng, sức khỏe của con tin sẽ bị xâm hại.Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm không chỉ quyền sở hữu mà còn xâm phạm quyền nhân thân của người khác. Hành vi này được quy định là tội phạm với tội danh riêng - tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân kể từ khi Bộ luật hình sự đầu tiên (Bộ luật hình sự năm 1985) có hiệu lực. Tuy nhiên, trong Bộ luật hình sự này, hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản vẫn chưa được quy định thành tội danh riêng. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999, Bộ luật hình sự năm 2015 là tội phạm thuộc Chương “Các tội xâm phạm sở hữu". Trước khi được quy định thành tội danh riêng, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được coi là một dạng đặc biệt của hành vi cướp tài sản.Theo Bộ luật hình sự năm 1999 và Bộ luật hình sự năm 2015, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản đòi hỏi những dấu hiệu sau: chủ thể có hành vi bắt giữ con tin, hành vi này có thể được thực hiện bằng những biện pháp khác nhau (dùng vũ lực, dụ dỗ, lừa dối...); chủ thể có hành vi đe dọa chủ tài sản là sẽ dùng vũ lực đối với con tin (giết chết hoặc gây thương tích) nếu yêu cầu phải giao nộp tài sản không được thỏa mãn, hành vi này có thể được thực hiện trực tiếp hoặc qua thư, điện thoại...Với dấu hiệu như vậy, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản trước hết xâm phạm tự do thân thể, đe dọa tính mạng, sức khỏe của con tin và qua đó xâm phạm tự do ý chí của người bị đe dọa.Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản coi là hoàn thành kể từ khi chủ thể đã thực hiện hành vi bắt giữ con tin và hành vi đe dọa chủ tài sản, không kể đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa cũng như không kể đã dùng vũ lực đối với con tin hay chưa. Nếu hành vi phạm tội đã gây thương tích cho con tin thì hậu quả đó được coi là tình tiết định khung hình phạt tăng nặng (tùy mức độ thương tích mà thuộc khung tăng nặng cụ thể). Nếu hành vi phạm tội đã gây ra hậu quả chết người và lỗi của chủ thể đối với hậu quả đó là vô ý thì hậu quả này được coi là tình tiết định khung hình phạt tăng nặng. Nếu chủ thể có lỗi cố ý đối với hậu quả chết người thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự cả về tội giết người.Hình phạt được quy định cho tội này có mức cao nhất là tù chung thân.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 169 Bộ luật hình sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.