Hệ thống pháp luật

Bản chất quyền của người lập di chúc

Ngày gửi: 03/09/2018 lúc 10:33:36

Mã số: HTPL15131

Câu hỏi:

Pháp luật Việt Nam tôn trọng quyền tự định đoạt của cá nhân với tư cách là chủ sở hữu đối với tài sản của họ.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Pháp luật Việt Nam tôn trọng quyền tự định đoạt của cá nhân với tư cách là chủ sở hữu đối với tài sản của họ. Vì vậy, trước khi chết họ có quyền định đoạt tài sản của mình cho ai theo ý chí của họ được thể hiện trong di chúc đã lập. Điều 646 BLDS năm 2005 quy định:

“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

Di chúc còn được gọi là chúc thư do cá nhân còn sống tự nguyện lập ra với mục đích dịch chuyển tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người còn sống khác, sau khi người lập di chúc chết. Người lập di chúc dựa vào ý chí tình cảm của mình (mang tính chủ quan), định đoạt cho người khác được hưởng di sản sau khi qua đời. Do đó, quyền định đoạt của cá nhân trong khi lập di chúc là sự biểu hiện của tự do ý chí, pháp luật tôn trọng quyền lập di chúc là tôn trọng quyền tự do ý chí của cá nhân. Do tính chất chủ quan của ý chí và mục đích chuyển dịch tài sản đã phản ánh tính độc lập và tự định đoạt của người lập di chúc. Ý chí của cá nhân khi lập di chúc thể hiện hành vi pháp lí đơn phương của người lập di chúc, hoàn toàn độc lập, tự định đoạt tài sản của mình mà không có sự phụ thuộc nào vào bất kì ý kiến của chủ thể nào. Di chúc là loại giao dịch dân sự một bên.

Tuy nhiên, dù tự do ý chí là cái cá biệt, cái đơn nhất của cá nhân nhưng cái cá biệt không thể tồn tại ngoài mối liên hệ dẫn đến cái chung. Trong các mối liên hệ xã hội, cái riêng luôn được tôn trọng nhưng đồng thời cũng bị cái chung hạn chế. Pháp luật bất kì quốc gia nào có chủ quyền được ban hành đều nhằm đến mục đích điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nhất định và theo những nguyên tắc đảm bảo sự bình ổn về mặt xã hội đồng thời với việc bảo vệ các quyền và nghĩa vụ của chủ thể trong quan hệ pháp luật nhất định. Cũng theo phương thức và nguyên tắc chung đó, pháp luật về thừa kế Việt Nam cho phép cá nhân người lập di chúc có quyền tự do, tự định đoạt trong việc lập di chúc, tuy nhiên, cũng như các quyền tự do định đoạt ý chí của con người sống trong xã hội nhất định thì không thể có tự do nào tách rời các quan hệ xã hội. Xét về bản chất thì tự do cũng là một loại quan hệ xã hội. Bản chất của tự do phải đặt trong các mối quan hệ xã hội thì mới có thể xác định được mức độ của nó.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 024.6294.9155

Trên cơ sở lý luận về mối liên hệ biện chứng giữa cái chung và cái riêng, giữa tự do và ý chí của một cá nhân với lợi ích chung của toàn xã hội, pháp luật thừa kế của nhà nước ta một mặt tôn trọng quyền tự định đoạt của người lập di chúc, mặt khác luôn đặt quyền tự định đoạt đó trong một khuôn khổ nhất định, nhằm tạo ra một khung hành lang pháp lý để xác định rõ người lập di chúc có những quyền gì, những quyền đó bị hạn chế trong những trường hợp nào.

Có thể nói, việc pháp luật vừa ghi nhận vừa hạn chế quyền của người lập di chúc là hai mặt của một vấn đề, hai phạm trù đối lập nhưng cùng thống nhất với nhau trong phép biện chứng, điều này là hoàn toàn cần thiết khi xây dựng các chế định dân sự nói chung và chế định về quyền của người lập di chúc nói riêng.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM