Hệ thống pháp luật

Bài tập tình huống về tội trộm cắp và cướp giật tài sản

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41425

Câu hỏi:

Em có một tình huống đang cần được tư vấn để có thể làm tốt, anh/chị có thể gợi ý giúp em. Ngày 2/10/2011, Nguyễn Văn H trộm cắp tài sản của người không quen biết (tài sản trị giá 49 triệu đồng – thuộc khoản 1 Điều 138 BLHS) nhưng không bị phát hiện. Ngày 5/10/2012, H lại phạm tội cướp giật tài sản (thuộc khoản 4 Điều 136 BLHS) bị phát hiện và Công an bắt giữ H. Câu hỏi: 1. Các tội phạm mà H đã thực hiện thuộc loại tội phạm nào theo cách phân loại tội phạm tại khoản 3 Điều 8 BLHS. 2. Giả định H thực hiện cả hai tội nêu trên khi mới 17 tuổi thì hình phạt của H có thể phải chịu là bao nhiêu năm tù?  3. Giả định H bị xét xử 2 tội phạm nêu trên. Tội trộm cắp tài sản bị Tòa án tuyên phạt 3 năm cải tạo không giam giữ; tội cướp giật tài sản bị Tòa án tuyên phạt 15 năm tù thì hình phạt mà H còn phải chấp hành cho cả 2 tội này là bao nhiêu? Biết rằng H đã bị tạm giam 4 tháng về tội cướp giật tài sản.  4. Giả định H phạm tội cướp giật tài sản bị truy tố theo khoản 1 Điều 136 BLHS và tội trộm cắp như tình huống nêu trên thì H có khả năng được hưởng án treo không? Hãy giải thích rõ vì sao? Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam. Với thắc mắc của bạn, Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau: 1. Cơ sở pháp lý:Xem thêm: Giải quyết kháng cáo quá hạn? Thi hành bản án không bị kháng cáo? – Bộ luật hình sự năm 1999; – Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP.       2.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP.      

2. Luật sư tư vấn:

Câu 1. Khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định như sau:

"Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình."

Như vậy, căn cứ vào Khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1999 và hành vi của H, H đã thực hiện hai tội phạm.

Tội phạm thứ nhất, H thực hiện tội phạm được quy định tại Khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999: Theo Khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999, hành vi thực hiện theo quy định tại khoản này có mức cao nhất của khung hình phạt là ba năm tù. Như vậy, tội phạm thứ nhất mà H thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng.

Tội phạm thứ hai H thực hiện tội phạm được quy định tại Khoản 4 Điều 136 Bộ luật hình sự năm 1999. Theo khoản 4 điều 136 Bộ luật hình sự năm 1999, hành vi thực hiện theo quy định tại khoản này có mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân. Như vậy, tội phạm thứ hai mà H thực hiện là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Câu 2. Việc áp dụng quy định đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định tại Chương X những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo quy định của Điều 74 Bộ luật hình sự năm 1999, tù có thời hạn:

1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư  mức phạt tù mà điều luật quy định;

2.  Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai  mức phạt tù mà điều luật quy định.”

Áp dụng vào trường hợp H thực hiện tội phạm khi mới 17 tuổi.

Đối với tội phạm thứ nhất, căn cứ vào Điều 74 Bộ luật hình sự năm 1999 và Khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999, mức cao nhất của khung hình phạt tù mà H có thể phải chịu là 2 năm 4 tháng.

Đối với tội phạm thứ hai, căn cứ vào Điều 74 Bộ luật hình sự năm 1999 và khoản 4 Điều 136 Bộ luật hình sự năm 1999 thì mức cao nhất của khung hình phạt là 18 năm tù.

Căn cứ vào Điều 75 Bộ luật hình sự năm 1999, quy định về tổng hợp hình phạt:

"Đối với người phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội được thực hiện sau  khi đủ 18 tuổi, thì việc tổng hợp hình phạt áp dụng như sau:

1. Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó  chưa đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 74 của Bộ luật này;

2. Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung áp dụng như đối với người đã thành niên phạm tội."

Như vậy, ta nhận thấy, H thực hiện cả hai tội phạm khi mới 17 tuổi, vậy, mức cao nhất của khung hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 74 Bộ luật hình sự năm 1999 tức là không được vượt quá 18 năm tù.

Câu 3. Điều 50 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định:

"Khi xét xử cùng một lần một người phạm nhiều tội, Toà án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:

1.  Đối với hình phạt chính :

a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá ba năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, ba mươi năm đối với hình phạt tù có thời hạn;

b) Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ ba ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành một ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều  này;

…"

H bị tuyên hai loại hình phạt, bao gồm: cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Theo quy định của Điều 50, 3 năm cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 1 năm phạt tù. Vậy, tổng mức hình phạt tù mà H phải chịu là 16 năm tù giam.

Điều 33 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng một ngày tù, theo đầu bài, H đã phải thực hiện 4 tháng tạm giam, như vậy, 4 tháng tạm giam được trừ vào thời hạnh chấp hành hình phạt tù.

Tội trộm cắp tài sản? Xử lý người chưa thành niên trộm cắp tài sản?

Tóm lại, tổng hợp mức hình phạt tù mà H phải chịu là 15 năm 8 tháng.

Câu 4. Nếu như H phạm tội cướp giật tài sản bị truy tố theo Khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự năm 1999 thì khung hình phạt tù là từ một năm đến năm năm.

Tội trộm cắp tài sản như tình huống sẽ có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc có khung hình phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Như vậy, H hoàn toàn có thể nhận mức hình phạt thấp hơn 3 năm tù giam. 

Căn cứ vào Điều 2 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP:

“1. Chỉ xem xét cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bị xử phạt tù không quá 3 năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng theo phân loại tội phạm quy định tại khoản 3 Điều 8 của Bộ luật hình sự;

b) Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật.

Trường hợp người phạm tội có án tích nhưng đã được xóa án tích, được đương nhiên xóa án tích thì coi là chưa bị kết án; đã bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nhưng đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật thì được coi là chưa bị xử lý hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật, nhưng không phải là có nhân thân tốt. Việc cho hưởng án treo đối với những trường hợp này phải hết sức chặt chẽ. Chỉ có thể xem xét cho hưởng án treo khi thuộc một trong các trường hợp sau:

b1) Người bị kết án từ trên 3 năm tù đến 15 năm tù về tội do cố ý (kể cả trường hợp tổng hợp hình phạt của nhiều tội hoặc nhiều bản án) mà thời gian được xóa án tích tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 2 năm;

b2) Người bị kết án đến 3 năm tù về tội do cố ý mà thời gian được xóa án tích tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 1 năm;

b3) Người bị kết án về các hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ mà thời gian được xóa án tích tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 1 năm;

b4) Người bị kết án về các tội do vô ý mà đã được xóa án tích;

b5) Người đã bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc từ hai lần trở lên mà thời gian được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 2 năm;

b6) Người đã bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc một lần và có nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 2 năm;

b7) Người đã bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc mà thời gian được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 18 tháng;

b8) Người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật từ hai lần trở lên mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 18 tháng;

b9) Người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật về hành vi có cùng tính chất với hành vi phạm tội lần này mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 1 năm;

b10) Người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 6 tháng;

b11) Người đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính;

c) Có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng;

d) Không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự và có từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên trong đó có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự; nếu có một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì phải có từ ba tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự.

Những tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự là những tình tiết được hướng dẫn tại điểm c mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04-8-2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần chung của Bộ luật hình sự năm 1999”;

đ) Có khả năng tự cải tạo và nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm"

Điều kiện về mức phạt tù có thể thỏa mãn. Nếu thỏa mãn các điều kiện còn lại thì H có thể được hưởng án treo. 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM