Hệ thống pháp luật

bãi bỏ điều ước quốc tế

"bãi bỏ điều ước quốc tế" được hiểu như sau:

Tuyên bố không còn hiệu lực hoặc không còn giá trị pháp lý của một điều ước quốc tế.Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 không sử dụng thuật ngữ bãi bỏ mà sử dụng thuật ngữ "Chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế" nhằm chỉ rõ hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện để từ bỏ hiệu lực của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (Xt. Rút khỏi điều ước quốc tế). Điều 85 của Luật này quy định:Việc chấm dứt hiệu lực toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.Điều ước quốc tế bị chấm dứt hiệu lực trong những trường hợp sau đây: theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo thỏa thuận của toàn bộ thành viên điều ước quốc tế đó; có điều ước quốc tế được ký kết sau quy định về cùng một nội dung với điều ước quốc tế đó; do hậu quả của việc vi phạm điều ước quốc tế đó; do đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế đó không còn tồn tại hoặc bị hủy bỏ; do sự thay đổi cơ bản hoàn cảnh khi ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế làm ảnh hưởng đến việc thực hiện điều ước quốc tế đó; do cắt quan hệ ngoại giao hoặc quan hệ lãnh sự, do xung đột với một quy phạm bắt buộc mới được hình thành của pháp luật quốc tế.Điều 93 của Luật quy định thẩm quyền, nội dung quyết định chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế, theo đó:Quốc hội quyết định chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế mà Quốc hội quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập; Chủ tịch nước quyết định chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế mà Chủ tịch nước quyết định ký, phê chuẩn hoặc gia nhập; Chính phủ quyết định chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế mà Chính phủ quyết định phê duyệt, gia nhập, ký điều ước quốc tế không phải phê chuẩn. Quyết định chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế được thể hiện bằng văn bản với những nội dung sau đây: tên điều ước quốc tế bị chấm dứt hiệu lực, thời gian, địa điểm ký và thời hạn có hiệu lực của điều ước quốc tế; trách nhiệm của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan.Luật này cũng quy định về trình tự, thủ tục trình, quyết định chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế; hồ sơ trình việc chấm dứt hiệu lực và thông báo về việc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, bãi bỏ điều ước quốc tế được quy định tại khoản 16 Điều 2 Luật điều ước quốc tế năm 2016 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 09 tháng 04 năm 2016: “Chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện để từ bỏ hiệu lực của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”.