Lập di chúc đối với tài sản đã chuyển quyền sử dụng

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13

Mã số: DS375

Câu hỏi:

Ông tôi lập di chúc để lại tài sản cho 3 người cháu quyền sử dụng đất. Nhưng trước đó, ông tôi đã chuyển quyền sử dụng đất cho người em của tôi đứng tên tạm thời trong sổ đỏ, do đó di chúc này được lập sau thời điểm này. Gần đây em tôi không biết lo cho gia đình thường xuyên bỏ nhà đi, nên chị em tôi muốn đòi lại phần di sản lẽ ra được hưởng trong di chúc của ông tôi để lại. Như vậy có được không. Xin cám ơn.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Ðiều 631 Bộ luật dân sự có quy định về quyền thừa kế của cá nhân như sau: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Theo quy định này, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản nhưng tài sản đó phải thuộc quyền sở hữu/sử dụng của người đó. Ðiều 634 Bộ luật dân sự về di sản cũng quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, ông nội bạn chỉ có quyền lập di chúc đối với tài sản thuộc quyền sở hữu/sử dụng của ông. Khi ông chết, người thừa kế có quyền chia di sản của ông để lại, gồm tài sản riêng của ông và phần tài sản của ông trong khối tài sản chung của người khác.
Từ quy định nêu trên, để xác định quyền của chị em bạn đối với thửa đất mà ông lập di chúc, bạn cần xác định ông có phải là chủ sử dụng thửa đất nêu trong di chúc hay không: Theo thông tin bạn cung cấp, trước khi lập di chúc, ông đã chuyển quyền sử dụng đất cho em của bạn đứng tên trên sổ đỏ. Như vậy, quyền sử dụng đất đã được đăng ký sang tên chủ sử dụng đất mới là em gái bạn. Điều 171 Bộ luật dân sự quy định về căn cứ chấm dứt quyền sở hữu bao gồm:
- Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác;
- Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình;
- Tài sản bị tiêu hủy;
- Tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu;
- Tài sản bị trưng mua;
- Tài sản bị tịch thu;
- Vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên mà người khác đã được xác lập quyền sở hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định; tài sản mà người khác đã được xác lập quyền sở hữu theo quy định tại khoản 1 Ðiều 247 của Bộ luật này;
- Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
Theo quy định nêu trên, khi ông bạn (với tư cách là người sử dụng đất) chuyển quyền sử dụng đất sang em bạn và em bạn đã hoàn thành thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất tại cơ quan có thẩm quyền thì quyền sử dụng của ông đối với thửa đất đã chấm dứt. Ông bạn không còn các quyền của người sử dụng đất(quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất - Khoản 1 Điều 167 Luật đất đai), do đó, ông bạn không có quyền lập di chúc để lại quyền sử dụng đất đó cho chị em bạn.
Vậy, ông bạn không có quyền lập di chúc để lại quyền sử dụng đất đó cho chị em bạn nên chị em bạn không có quyền đòi lại quyền sử dụng đất của em gái bạn.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM