Hệ thống pháp luật

Xử lý khi công ty giữ lương sau khi chấm dứt hợp đồng lao động?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL37589

Câu hỏi:

Chào luật sư! Luật sư cho em hỏi: Em có làm cho một công ty. Lúc phỏng vấn đã thỏa thuận, chỉ 1 tháng thử việc nhưng sau khi em làm thì sau 1 tháng rưỡi họ mới đồng ý em đã qua thời gian thử việc bằng email chứ không có ký hợp đồng. Nhưng sau đó, họ bác bỏ lời hứa của họ và giảm lương của em xuống. Sau đó em xin nghỉ, thông báo cho giám đốc kinh doanh và phòng nhân sự hơn nửa tháng rồi, nhưng họ vẫn kéo dài ý định không cho em nghỉ và đã giữ lương của em lại. Xin chị cho em hỏi, trong trường hợp của em nếu không ký hợp đồng lao động thì khi xin nghỉ em phải báo trước bao nhiêu ngày? Và nếu họ không cho em nghỉ và giữ lương của em, thì em phải đến cơ quan nào để họ giúp đỡ em? Cảm ơn luật sư!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật lao động 2012

– Bộ luật tố tụng dân sự 2015

– Nghị định 05/2015/NĐ-CP

– Nghị định 88/2015/NĐ-CP

Thử việc theo Điều 27, Điều 29 Bộ luật lao động 2012 và Điều 7 Nghị định 05/2015/NĐ-CP  xác định thời gian thử việc và kết thúc thời gian thử việc như sau:

Thời gian thử việc: do các bên thỏa thuận nhưng phải đảm bảo điều kiện sau:

– Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

– Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

– Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Kết thúc thời gian thử việc:

– Trong thời hạn 03 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 27 của Bộ luật lao động 2012, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động.

Trong trường hợp của bạn, sau khi kết thúc thời hạn thử việc, công ty không có bất cứ công việc nào về việc thử việc có đạt yêu cầu hay không. Tuy nhiên công ty vẫn để cho bạn tiếp tục làm việc và không ký kết hợp đồng. Do đó, cho dù không ký kết hợp đồng lao động thì vẫn được xác định có tồn tại một quan hệ lao động và tất cả quyền và nghĩa vụ người lao động tuân thủ quy định Bộ luật lao động 2012. Đối với việc bạn chấm dứt hợp đồng lao động thì dựa trên loại hợp đồng mà xác định các điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Cụ thể theo Điều 37 Bộ luật lao động 2012 xác định quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Bộ luật lao động 2012, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều 37 Bộ luật lao động 2012;

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 37 Bộ luật lao động 2012;

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 37 Bộ luật lao động 2012 thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật lao động 2012.

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật lao động 2012.

 Do bạn không ký kết hợp đồng lao động nên việc xác định loại hợp đồng lao động dựa trên tính chất của công việc và công việc cùng loại.

Nếu bạn tuân thủ các điều kiện chấm dứt hợp đồng nêu trên thì bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Ngược lại, nếu bạn không đảm bảo điều kiện thì việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của bạn là trái pháp luật. Nếu bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì bạn phải chịu trách nhiệm theo Điều 43 Bộ luật lao động 2012:

1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật lao động 2012.

 Tuy nhiên, dù trái pháp luật hay không thì bạn vẫn được trả đầy đủ tiền lương khi chấm dứt mà công ty không có quyền giữ lương của bạn. Với những hành vi nêu trên, bạn có quyền tố cáo đến phòng lao động thương binh và xã hội để xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi:

Không giao kết hợp đồng theo Điều 8 Nghị định 88/2015/NĐ-CP:

1.Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Sửa đổi quá một lần thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động hoặc khi sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động làm thay đổi loại hợp đồng lao động đã giao kết; không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền bồi thường cho người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

 b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

 c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

 d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên. 

Nếu người lao động có hành vi khấu trừ lương của bạn bằng cách giảm mức lương thì theo khoản 3 Điều 13 Nghị định 88/2015/NĐ-CP:

3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:

 a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

 b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

 c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

 d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

 đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Chốt sổ BHXH khi tự nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động trái luật?

Đối với hành vi giữ lương thì bạn có quyền yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải. Nếu hòa giải không thành bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án theo Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

1. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM