Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4065/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 2019

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG PHÙNG ĐỨC TIẾN TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT 01 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP VỀ TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH NÔNG SẢN THỰC PHẨM AN TOÀN VÌ SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2017-2022

Ngày 29/5/2019, tại Hà Nội, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã chủ trì Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Chương trình phối hợp về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2022 (Chương trình 525). Đồng chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội Nông dân Việt Nam, bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Y tế, Bộ Công thương, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Hải Dương, Thừa Thiên Huế; Tp. Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở Báo cáo kết quả 01 năm triển khai Chương trình 526 và nhiệm vụ trọng tâm triển khai năm thứ 2 do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản trình bày; ý kiến tham luận, phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kết luận như sau:

1. Đánh giá cao kết quả 01 năm triển khai của Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các hoạt động phối hợp triển khai của các cơ quan tham mưu ở trung ương và địa phương. Trong thời gian 01 năm, các cơ quan đã triển khai một khối lượng công việc rất lớn, nhiều hoạt động, có kết quả đầu ra rõ ràng, cách thức triển khai bài bản, khoa học từ công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai, xây dựng tài liệu tập huấn, tuyên truyền; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, vận động, xây dựng mô hình, ký cam kết; kiểm tra giám sát việc triển khai. Kết quả triển khai bước đầu đã đem lại kết quả, đó là: nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; lan tỏa và chia sẻ những mô hình, cách làm hay về sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn giữa các địa phương, đồng thời lên án mạnh mẽ các trường hợp sản xuất, kinh doanh không tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm. Kết quả này không chỉ đem lại lợi ích cho người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng mà cả các tổ chức chính trị xã hội và cơ quan quản lý.

2. Bên cạnh duy trì các kết quả đạt được của năm thứ nhất, để đạt được các chỉ tiêu đề ra, thực hiện đầy đủ các nội dung theo Chương trình 526 và Kế hoạch triển khai chương trình ban hành theo Quyết định số 367/QĐ-TTg ngày 2/4/2018 (Kế hoạch 367), đề nghị trong năm thứ 2, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cơ quan tham mưu của Bộ lưu ý triển khai một số nội dung như sau:

a) Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, vận động, hướng dẫn, ký cam kết, kiểm tra, giám sát, xóa bỏ một bộ phận vẫn còn tư duy sản xuất “rau 2 luống, lợn 2 chuồng” theo nội dung chương trình 526 và kế hoạch 367.

- Tiếp tục phổ biến, nhân rộng mô hình sản xuất an toàn, gương điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, đặc biệt là các mô hình mang thương hiệu của Hội.

- Hỗ trợ người nông dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm an toàn, giúp người nông dân, người sản xuất có đầu ra ổn định.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai của các cấp hội tại địa phương, giám sát cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, phát hiện, phản ánh về các trường hợp sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm không an toàn đến cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Kết quả triển khai cần lưu ý có số liệu đầy đủ để so sánh, đánh giá, đặc biệt là các chỉ số “ký cam kết”, “xóa bỏ tư duy sản xuất rau 2 luống, lợn 2 chuồng” ...

b) Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản.

- Tiếp thu ý kiến góp ý, đề xuất của các đại biểu tham dự hội nghị để hoàn thiện báo cáo sơ kết gửi báo cáo Chính phủ và các bên liên quan.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam rà soát, thống kê các địa phương trên cả nước đã có kế hoạch, chương trình triển khai tại địa phương. Địa phương nào chưa có kế hoạch, chương trình hoặc chưa triển khai cần tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT có văn bản đôn đốc triển khai.

- Tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT có văn bản gửi Bộ Tài Chính về cấp kinh phí cho Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai chương trình 526 trên cơ sở kế hoạch và dự toán kinh phí của 2 Hội.

c) Tổng cục Thủy sản, Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản. Trung Tâm Khuyến nông Quốc gia.

- Rà soát, cập nhật bộ tài liệu tập huấn, tuyên truyền đã được xây dựng năm 2018 và gửi về Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản tổng hợp chuyển Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai tập huấn.

- Cử cán bộ làm giảng viên trình bày tại các lớp tập huấn tiểu giảng viên (TOT) do Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để b/c);
- Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
- Tổng cục TS, các Cục chuyên ngành, Trung tâm KNQG thuộc Bộ (để t/hiện);
- Thanh tra Bộ, VP Bộ; TT Tin học & TK;
- Lưu: VT, TH, QLCL.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Lê Văn Thành