Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 478/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 02 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN NGÀNH THỂ DỤC THỂ THAO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2035”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thể dục, Thể thao ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao ngày 14 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Căn cứ Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2076/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

Theo đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao tại Tờ trình số 274/TTr-SVHTT ngày 22 tháng 01 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Phát triển ngành Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035” (sau đây gọi tắt là Đề án).

Điều 2.

1. Giao Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan thường trực, chủ trì triển khai Đề án và kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Võ Văn Hoan tại Thông báo số 12/TB-VP ngày 12 tháng 01 năm 2021 của Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, khẩn trương tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch phân công trách nhiệm cho các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Đề án.

2. Giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, thành phố Thủ Đức và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách và địa bàn quản lý có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện Đề án, đồng thời căn cứ mục tiêu, giải pháp của Đề án để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị, gắn với việc thực hiện chương trình công tác hàng năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện của các cấp, các ngành, định kỳ hàng năm đánh giá kết quả thực hiện gửi Sở Văn hóa và Thể thao tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, thành phố Thủ Đức và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Hoan

 

MỤC LỤC

KÍ HIỆU CÁC TỪ VIẾT TẮT

ĐỊNH NGHĨA, KHÁI NIỆM

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết xây dựng đề án:

2. Mục tiêu của đề án:

3. Yêu cầu chung của đề án:

4. Những căn cứ pháp lý để xây dựng đề án:

5. Nội dung của đề án:

6. Phương pháp nghiên cứu:

7. Phạm vi của đề án:

8. Kết cấu chính của đề án:

PHẦN THỨ NHẤT: ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ, KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP TDTT TP.HỒ CHÍ MINH

I. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ, KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI CỦA TP.HCM

1. Vị trí địa lý, đơn vị hành chính, diện tích, dân số

2. Vị trí của TP.HCM đối với khu vực, cả nước và thế giới:

II. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH TDTT CỦA TP. HỒ CHÍ MINH TRONG 10 NĂM QUA

1. Giai đoạn 2010 - 2015

2. Giai đoạn 2015 - 2020

PHẦN THỨ HAI: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN TDTT TP. HỒ CHÍ MINH

I. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN TDTT CHO MỌI NGƯỜI

1. Thực trạng phát triển TDTT quần chúng

2. Phát triển Giáo dục thể chất và Thể thao trong nhà trường

3. Thực trạng hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang

4. Đánh giá chung về thực trạng phát triển TDTT cho mọi người của TP.HCM:

II. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO VÀ THỂ THAO CHUYÊN NGHIỆP

1. Thực trạng phát triển lực lượng VĐV thành tích cao:

2. Thực trạng về thành tích thể thao của VĐV:

3. Thực trạng hệ thống, quy trình đào tạo VĐV

4. Thực trạng công tác kiểm tra tuyển chọn - giám định trình độ VĐV:

5. Thực trạng thể thao chuyên nghiệp tại TP.HCM:

6. Đánh giá chung về thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp:

III. CÁC CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ NHÂN SỰ TDTT:

1. Công tác phối hợp:

2. Công tác rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy

3. Công tác quản lý biên chế và đề án vị trí việc làm:

4. Thực trạng hệ thống tổ chức quản lý và đội ngũ cán bộ ngành TDTT

4.1 .Thực trạng tổ chức cán bộ, hệ thống tổ chức quản lý TDTT

4.2. Thực trạng đội ngũ cán bộ TDTT

4.3. Thực trạng trình độ chuyên môn, nguồn nhân lực TTTTC

4.4. Thực trạng cơ chế chính sách về TTTTC

4.5. Đánh giá chung về thống tổ chức quản lý và đội ngũ cán bộ TDTT

IV. THỰC TRẠNG CƠ SỞ VẬT CHẤT CHO NGÀNH TDTT TP. HỒ CHÍ MINH...

1. Tình hình sử dụng quỹ đất dành cho TDTT

2. Các công trình TDTT trọng điểm hiện nay

3. Thực trạng cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu

4. Thực trạng cơ sở vật chất TDTT của Quận - huyện

5. Thực trạng cơ sở vật chất phường - xã, thị trấn

6. Thực trạng cơ sở vật chất trong trường học

V. THỰC TRẠNG XÃ HỘI HÓA TDTT TP. HỒ CHÍ MINH

1. Nhận thức về xã hội hóa TDTT trong ngành và các cấp ủy Đảng

2. Thực trạng xã hội hóa trong phong trào TDTT quần chúng:

3. Xã hội hóa trong các hoạt động thi đấu Thể thao

4. Xã hội hoá trong thể thao thành tích cao

5. Xã hội hoá trong xây dựng cơ sở vật chất

6. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT

7. Đánh giá công tác xã hội hóa TDTT ở TP. HCM:

VI. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ (KHCN) TDTT TP. HCM

1. Thực trạng NCKH TDTT

2. Đánh giá thực trạng NCKH TDTT

VII. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG VÀ HỢP QUỐC TẾ VỀ TDTT

1. Thực trạng công tác thông tin truyền thông

2. Đánh giá thực trạng công tác thông tin và truyền thông

3. Thực trạng công tác quan hệ quốc tế về TDTT

VIII. ĐÁNH GIÁ NGUỒN KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CHO NGÀNH TDTT TP.HCM

PHẦN THỨ BA: PHÁT TRIỂN NGÀNH TDTT TP. HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2035

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VÀ PHÁT TRIỂN TDTT

1. Những quan điểm chỉ đạo cơ bản

2. Quan điểm phát triển TDTT

3. Nhiệm vụ phát triển giai đoạn đến 2025; 2025-2030, định hướng 2030 - 2035:

4. Chính sách của Nhà nước về phát triển thể dục, thể thao

II. DỰ BÁO NHU CẦU VÀ XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN TDTT TP.HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2035

1. Dự báo nhu cầu và xu hướng phát triển

1.1. Dự báo các yếu tố dân số, lao động, việc làm và đô thị hóa

1.2. Dự báo tác động về tài nguyên thiên nhiên, môi trường đến lĩnh vực TDTT

2. Phân tích SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ, thách thức)

III. ĐỀ ÁN, CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN NGÀNH TDTT:

1. Chiến lược phát triển ngành văn hóa

2. Thể thao là cơ sở để phát triển du lịch, đẩy mạnh hoạt động văn hóa

3. Dự báo sự phát triển TDTT của các ban, ngành đoàn thể

4. Dự báo những tác động kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội đối với các lĩnh vực TDTT

IV. XÂY DỰNG ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGÀNH TDTT ĐẾN NĂM 2035

1. Mục tiêu phát triển chung

2. Mục tiêu phát triển theo từng giai đoạn

3. Mục tiêu phát triển TDTT cho từng lĩnh vực

3.1. Phát triển Thể dục, Thể thao cho mọi người (SPORT FOR ALL)

3.2. Phát triển Thể thao thành tích cao (ELITE SPORT) và Thể thao chuyên nghiệp (PROFESSIONAL SPORT)

3.3. Mục tiêu phát triển nguồn tài chính TDTT

3.4. Mục tiêu phát triển các điều kiện đảm bảo

3.5. Hoàn thiện về hệ thống tổ chức quản lý và đào tạo cán bộ TDTT

3.6. Mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa TDTT

3.7. Mục tiêu phát triển về khoa học và công nghệ

3.8. Mục tiêu phát triển thông tin và truyền thông TDTT

3.9. Mục tiêu phát triển hợp tác quốc tế về TDTT

3.10. Mục tiêu phát triển TDTT đảm bảo về bảo vệ tài nguyên và môi trường...

V. CÁC PHƯƠNG ÁN, CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN CỤ THỂ CHO TỪNG LĨNH VỰC TDTT TP.HCM.

1. Các chỉ tiêu phát triển Thể dục, Thể thao cho mọi người (SPORT FOR ALL)

1.2. Các chỉ tiêu phát triển GDTC và thể thao trường học (Xem cụ thể ở phụ lục 1)

1.3. Phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang

2. Các phương án, chỉ tiêu phát triển thể thao thành tích cao

3. Phương án, chỉ tiêu phát triển nguồn tài chính TDTT

4. Các phương án phát triển và phân bố cơ sở vật chất, kỹ thuật TDTT

(Giai đoạn đến năm 2035)

5. Các phương án xây dựng hệ thống tổ chức quản lý và đào tạo cán bộ TDTT đến năm 2035

6. Phương án phát triển xã hội hóa TDTT:

(Xem cụ thể ở phụ lục 1)

7. Định hướng nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động TDTT.

8. Các phương án phát triển lĩnh vực thông tin và truyền thông TDTT

9. Định hướng hoạt động quan hệ quốc tế về TDTT

10. Chỉ tiêu về phát triển TDTT đảm bảo về bảo vệ tài nguyên và môi trường...

PHẦN THỨ: CÁC GIẢI PHÁP, CHÍNH SÁCH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN NGÀNH TDTT TP. HCM

I. CÁC GIẢI PHÁP VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NGÀNH TDTT TP. HỒ CHÍ MINH:

1. Giải pháp về công tác tổ chức, xây dựng hệ thống chính trị

2. Giải pháp phát triển TDTT cho mọi người

2.1. Các giải pháp và chính sách phát triển TDTT quần chúng:

2.2. Các giải pháp và chính sách phát triển giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường:

2.3. Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động trong lực lượng vũ trang

3. Các giải pháp và chính sách phát triển thể thao thành tích cao

3.1 Hoàn thiện và phát huy vai trò chủ đạo của nhà nước để phát triển TTTTC ở TP.HCM

3.2 Xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ tiêu khả thi để tham gia đại hội thể thao ĐNA, Châu Á và Olympic

3.3 Đổi mới công tác quản lý và huấn luyện các đội dự tuyển và đội tuyển TP.HCM

3.4 Xây dựng hệ thống đào tạo nhân tài thể thao

3.5 Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ HLV và trọng tài

3.6 Tăng cường giáo dục văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội cho VĐV

3.7 Tăng cường công tác chính trị tư tưởng và phẩm chất đạo đức cho các VĐV

3.8 Phòng chống tiêu cực và Dooping trong thể thao

4. Các giải pháp và chính sách huy động nguồn tài chính TDTT

5. Các giải pháp và chính sách phát triển hệ thống tổ chức quản lý và đào tạo cán bộ TDTT

5.1. Các giải pháp và chính sách hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý TDTT ở TP.HCM

5.2. Các giải pháp và chính sách phát triển nguồn nhân lực TDTT ở TP.HCM...

6. Các giải pháp và chính sách phát triển và phân bố cơ sở vật chất, kỹ thuật TDTT (Giai đoạn đến năm 2035)

7. Các giải pháp và chính sách phát triển xã hội hóa TDTT

8. Các giải pháp và chính sách định hướng nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động TDTT

9. Các giải pháp và chính sách phát triển lĩnh vực thông tin và truyền thông TDTT.

10. Các giải pháp và chính sách định hướng hoạt động quan hệ quốc tế

11. Các nhóm giải pháp chung thực hiện Đề án

12. Các nhóm giải pháp cụ thể

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

KẾT LUẬN KIẾN NGHỊ

PHẦN PHỤ LỤC

KÝ HIỆU CÁC TỪ VIẾT TẮT

TDTT

Thể dục thể thao

TP.HCM

Thành phố Hồ Chí Minh

TP

Thành phố

CB-CCVC

Cán bộ công chức, viên chức

Sở VH-TT

Sở Văn hóa và Thể thao

Sở GD-ĐT

Sở Giáo dục và Đào tạo

UBND

Ủy ban nhân dân

NTLTDTTTX

Người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên

GĐTT

Gia đình thể thao

LLVT

Lực lượng vũ trang

GDTC

Giáo dục thể chất

VĐV

Vận động viên

TCRLTT

Tiêu chuẩn rèn luyện thân thể

THCS

Trung học cơ sở

THPT

Trung học phổ thông

ĐH - CĐ, THCN

Đại học, cao đẳng - trung học chuyên nghiệp

TD

Thể dục

TTTH

Thể thao trường học

DT

Diện tích

HS/SV

Học sinh/ Sinh viên

GV

Giáo viên

CS

Chiến sỹ

TTTTC

Thể thao thành tích cao

HCV

Huy chương vàng

HCB

Huy chương bạc

HCĐ

Huy chương đồng

CLB

Câu lạc bộ

HLV

Huấn luyện viên

TDDC

Thể dục dụng cụ

VHGĐ

Văn hóa gia đình

HLTT

Huấn luyện thể thao

TNCSHCM

Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh

XHH

Xã hội hóa

HKPĐ

Hội khỏe Phù Đổng

KHCN

Khoa học công nghệ

ĐHTDTT TP.HCM

Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh

CTV

Công tác viên

TSCĐ

Tài sản cố định

TCVN

Tiêu chuẩn Việt Nam

PTNKTT

Phổ thông năng khiếu thể thao

SVĐ

Sân vận động

QHQT

Quan hệ quốc tế

HGĐ

Hộ gia đình

 

ĐỊNH NGHĨA, KHÁI NIỆM

(Căn cứ Luật TDTT và Quyết định số 5139/QĐ-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên

Là người tham gia rèn luyện thân thể hàng ngày bằng các phương pháp và phương tiện của thể dục thể thao, mỗi tuần ít nhất 3 lần, mỗi lần 30 phút và trong một năm tập luyện liên tục 6 tháng trở lên

Gia đình tập luyện TDTT

Là những hộ gia đình có ít nhất 50% số người trong gia đình luyện tập TDTT thường xuyên

Giáo dục thể chất

Là môn học chính khóa thuộc chương trình giáo dục nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản cho người học thông qua các bài tập và trò chơi vận động, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện

Câu lạc bộ TDTT cơ sở

Là một tổ chức xã hội tự nguyện được thành lập tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ để tổ chức, hướng dẫn tập luyện thể dục thể thao cho người tập

Thể thao chuyên nghiệp

Là hoạt động thể thao trong đó huấn luyện viên, vận động viên lấy huấn luyện, biểu diễn, thi đấu thể thao là nghề của mình

CLB Thể thao chuyên nghiệp

Là doanh nghiệp do tổ chức, cá nhân thành lập để thực hiện đào tạo, huấn luyện vận động viên và tổ chức thi đấu thể thao chuyên nghiệp; kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực thể thao

Giải thể thao

Là các cuộc thi đấu do các liên đoàn thể thao quốc gia, quốc tế, ngành thể dục thể thao trung ương và địa phương tổ chức nhằm đánh giá, tuyển chọn vận động viên và phát triển phong trào thể dục thể thao

Diện tích đất đai dành cho TDTT

Là diện tích đất đã nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt (tỉnh, thành phố)

Chi cho hoạt động sự nghiệp TDTT

Là những khoản kinh phí từ ngân sách trung ương, địa phương, các khoản thu từ hoạt động thể dục thể thể thao và nguồn kinh phí tài trợ, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ cho các hoạt động TDTT

Huấn luyện viên

Là người trực tiếp giảng dạy, đào tạo và huấn luyện vận động viên các môn thể thao từ năng khiếu trở lên, là người được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, được chứng nhận về chuyên ngành thể dục, thể thao từ bậc đại học trở lên hoặc có chứng chỉ chuyên môn do Liên đoàn thể thao quốc gia, Liên đoàn thể thao quốc tế tương ứng cấp.

Vận động viên

Là những người tập luyện thường xuyên có hệ thống về một hoặc nhiều môn thể thao để tham gia thi đấu thể thao và được cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao có thẩm quyền công nhận

Trọng tài

Là những người điều khiển và xác định kết quả thi đấu thể thao theo luật thi đấu của từng môn thể thao và được cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao công nhận.

Cộng tác viên TDTT

Là người có trình độ chuyên môn thể dục, thể thao, thực hiện nhiệm vụ vận động, tổ chức, hướng dẫn mọi người tập luyện thể dục, biểu diễn, thi đấu thể thao và tham gia hoạt động phát triển phong trào thể dục, thể thao ở cơ sở.

Huy chương vàng

Dành để trao cho giải thưởng hạng nhất

Huy chương bạc

Dành để trao cho giải thưởng hạng nhì

Huy chương đồng

Dành để trao cho giải thưởng hạng ba

Sân vận động

Là sân thể thao cơ bản có đường chạy vòng khép kín bao quanh sân bóng đá và một số sân xen kẽ (thường bố trí ở hai đầu sân bóng đá) phục vụ các môn thể thao khác: Nhảy xa, Nhảy cao, Ném đẩy...; có khán đài và các công trình phục vụ cần thiết cho khán giả và vận động viên như: Phòng thay quần áo, Phòng trọng tài, Phòng huấn luyện viên, Phòng vận động viên...

Nhà thi đấu thể thao

Là công trình TDTT trong nhà (thường là công trình có khán đài) phục vụ cho tập luyện và thi đấu TDTT

Bể bơi

Là công trình TDTT chuyên dùng cho việc tập luyện và thi đấu một số môn thể thao dưới nước như: Bơi, lặn, bóng nước, nhảy cầu, bơi nghệ thuật...

Trường bắn thể thao

Là công trình TDTT chuyên dùng cho việc tập luyện và thi đấu môn thể thao bắn súng, bắn cung, bắn đĩa bay...Trường bắn phải đảm bảo có hệ thống tuyến bắn, tuyến bia và các công trình phụ trợ khác

Hộ kinh doanh hoạt động thể thao

Là do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc nhóm người hoặc một bộ phận gia đình làm chủ, đăng ký kinh doanh hoạt động thể thao tại một điểm, sử dụng không quá 10 lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh thể thao

Đơn vị sự nghiệp thể thao công lập

Là đơn vị do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập, có dự toán độc lập, có con dấu riêng, tổ chức bộ máy kế toán theo quy định của pháp luật

 

PHẦN MỞ ĐẦU

Những năm qua, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và Thể dục thể thao (TDTT) của Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã thực sự góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị kinh tế - xã hội góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật và bồi dưỡng sức khỏe cho nhân dân lao động, là phương tiện tốt ngăn chặn sự gia tăng của các tệ nạn xã hội, là công cụ để giao lưu, hòa nhập có hiệu quả phù hợp với chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập với thế giới.

Trong giai đoạn phát triển TDTT TP.HCM thời kỳ 2015-2020, Ngành TDTT TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng hòa chung với nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đầu tư phát triển các ngành sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, phát triển nguồn lực và khoa học công nghệ của TP.HCM. Ở giai đoạn phát triển mới, ngành TDTT TP.HCM có nhiều điều kiện và nhân tố thuận lợi để phát triển. Lợi thế có tính quyết định lâu dài đó là truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, sự thông minh sáng tạo của Nhân dân trong lao động và truyền thống văn hóa tốt đẹp, phong trào TDTT quần chúng phong phú, đa dạng và sâu rộng, mạnh mẽ, liên tục; Thể thao thành tích cao không ngừng tiến bộ gặt hái nhiều huy chương về cho TP.HCM. Sự tăng trưởng bền vững, nhanh chóng về kinh tế, sự thay đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa gắn kết với các hoạt động dịch vụ là động lực để phát triển sự nghiệp TDTT cho TP.HCM hiện nay và trong tương lai...

Tiếp tục kế thừa Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 01 tháng 12 năm 2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020 với quan điểm “Đầu tư cho thể dục, thể thao là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước. Tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thể dục, thể thao và đào tạo vận động viên Thể thao thành tích cao; đồng thời phát huy các nguồn lực của xã hội để phát triển thể dục, thể thao. Đổi mới quản lý nhà nước về thể dục, thể thao, phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức xã hội trong quản lý, điều hành các hoạt động thể dục, thể thao”. Với cách tiếp cận từ vai trò của TDTT trong xã hội hiện đại, từ vị trí đặc biệt của TP.HCM đối với cả nước, thế giới và với quan điểm xác định TDTT là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở TP.HCM, Đề án phát triển ngành TDTT TP.HCM đến năm 2035 được xây dựng mang tính cần thiết, trên cơ sở khoa học, hệ thống, đảm bảo tính khả thi nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển TDTT TP.HCM một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, ổn định và vững chắc, tương xứng với một Thành phố tiên phong, sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước.

1. Tính cấp thiết xây dựng đề án:

TP.HCM là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, là một trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tầm ảnh hưởng rộng đối với khu vực, châu lục và thế giới. Với vị trí địa lý đặc biệt và điều kiện tự nhiên thuận lợi, TP.HCM hiện đã, đang và sẽ đóng vai trò đầu tàu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng và quốc gia. TP.HCM là đầu mối giao lưu quốc tế về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục và TDTT ...

Thực hiện việc mở rộng và nâng cao chất lượng, phát triển mạnh phong trào thể dục, thể thao quần chúng, nâng cao thể chất của nhân dân, chú trọng đầu tư phát triển thể dục, thể thao học đường; rà soát, điều chỉnh chiến lược mạng lưới cơ sở vật chất, kỹ thuật; đầu tư xây dựng khu liên hợp Thể thao, trang thiết bị hiện đại xứng tầm TP, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Đông Nam Á. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thể dục, thể thao đi đôi đổi mới nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thể dục, thể thao; củng cố, phát huy vai trò của các liên đoàn, các hội thể dục, thể thao; tăng cường hợp tác quốc tế. Phát triển Thể thao thành tích cao, tập trung đầu tư các môn Thể thao mà TP có truyền thống, có ưu thế; rà soát, bổ sung chính sách đào tạo và thu hút huấn luyện viên giỏi, vận động viên có thành tích cao, có triển vọng. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển Thể thao một cách mạnh mẽ, vững chắc.

2. Mục tiêu của Đề án:

Đề án phát triển ngành TDTT TP.HCM đến năm 2035 ” là căn cứ để triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển TDTT tại TP.HCM với quy mô là trung tâm của quốc gia, đồng thời là cơ sở để tích hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM theo từng giai đoạn tương ứng, đưa các giải pháp đổi mới tổ chức hoạt động TDTT vào thực tiễn phát triển theo cơ chế đặc thù của TP.HCM.

Đề án được xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và chỉ đạo các hoạt động TDTT, bảo đảm sự phát triển nhanh, vững chắc, khắc phục tình trạng phân tán, chắp vá, lãng phí nguồn lực; đồng thời Đề án này là một mắc xích quan trọng trong sự phát triển TDTT của cả nước, được hòa vào mạng lưới quy hoạch thống nhất vĩ mô của ngành TDTT cả nước, góp phần thực hiện phát triển con người, ổn định và phát triển về kinh tế - văn hóa - xã hội - an ninh quốc phòng phục vụ tích cực cho nhiệm vụ đối ngoại của cả nước, đồng thời phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của TP.HCM, là TP trọng điểm của khu vực phía Nam giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng, khi thực hiện đề án phải đảm bảo được tính kế thừa, tính khả thi, tính đồng bộ và những đặc điểm cụ thể của TP.HCM. Từ đó, sẽ góp phần định hướng cho sự phát triển bền vững của TP hiện nay và trong tương lai, phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

3. Yêu cầu chung của Đề án:

Trên cơ sở mục tiêu của việc xây dựng Đề án phát triển ngành TDTT TP.HCM đến năm 2035, các yêu cầu được đặt ra theo nguyên tắc lập quy hoạch Đề án gồm 5 yêu cầu cơ bản:

- Tính bền vững: Đề án phải được đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển TDTT với phát triển kinh tế, phát triển xã hội, quản lý tài nguyên TDTT và bảo vệ môi trường.

- Tính dựa trên kết quả: Khi lập và thực hiện các phương án phát triển TDTT trong Đề án cần phải làm rõ đầu vào, đầu ra và kết quả phát triển, đặc biệt quan tâm đến các kết quả có tác động đến phát triển TDTT.

- Tuân thủ các quy luật thị trường: Các mục tiêu phát triển TDTT phải phù hợp với các quy luật kinh tế thị trường, phải xác định dựa trên quan hệ cung cầu của thị trường; phải đảm bảo mang lại lợi ích cho các đơn vị tổ chức hoạt động TDTT và cung ứng dịch vụ TDTT.

- Có sự tham gia: Đề án thể hiện rõ sự huy động tham gia rộng rãi của các tổ chức có liên quan (các cơ quan quản lý nhà nước về TDTT, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp TDTT, các đơn vị sự nghiệp TDTT, các tổ chức doanh nghiệp, cộng đồng, địa phương...).

- Đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế: Hợp tác quốc tế, giao lưu quốc về TDTT là nhu cầu tất yếu khách quan, thuộc tính vốn có của TDTT. Trong thời đại ngày nay, yêu cầu lập kế hoạch phát triển lĩnh vực này được nâng lên tầm “Hội nhập quốc tế về TDTT”, vì hội nhập quốc tế vượt lên trên sự hợp tác quốc tế thông thường, nó đòi hỏi sự chia sẻ và tính kỷ luật cao của các chủ thể tham gia.

- Đề án được xây dựng trên những đặc điểm về truyền thống - tình hình phân bố địa lý - dân số, những mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của TP và đặc biệt là những yêu cầu trong thời kỳ đổi mới, đánh giá thực trạng, tồn tại, những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm.

- Đề án phải được đồng bộ hóa và khả thi hóa dựa trên việc chọn lựa đúng mục tiêu, lộ trình; thực hiện theo các phương án tổng thể có phân kỳ; xác định rõ môn Thể thao theo các hình thức hoạt động; các đối tượng tham gia, địa bàn khu vực trọng điểm để phát triển TDTT quần chúng; xác định môn Thể thao mũi nhọn để đào tạo tài năng Thể thao; đề xuất cơ chế chính sách, các điều kiện đảm bảo về: Tổ chức, quản lý đội ngũ cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư về khoa học công nghệ, tài chính; đổi mới và đẩy mạnh xã hội hóa TDTT và phát triển kinh tế TDTT.

- Đề án phát triển ngành TDTT TP.HCM đến năm 2035 sẽ được đưa vào Nghị quyết phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Đảng bộ TP.HCM, từng bước thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Phát triển ngành được xác định rõ theo phân kỳ 2020 - 2025, 2025 -2030 và 2030-2035.

- Việc hình thành Đề án được thực hiện đúng quy trình từ phường, xã, thị trấn, quận, huyện và TP cùng các tổ chức ban, ngành, đoàn thể đơn vị có liên quan trên địa bàn TP.HCM.

4. Những căn cứ pháp lý để xây dựng Đề án:

Đề án phát triển ngành TDTT TP.HCM được xây dựng trên cơ sở các căn cứ:

* Các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển TDTT Luật thể dục, thể thao năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao (2018).

Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-VPQH ngày 29/6/2016 của Văn phòng Quốc hội về Luật Thể dục thể thao;

Luật Quy hoạch 2017;

Nghị định số 36/NĐ-CP ngày 29/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thể dục thể thao sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao.

Các Luật thuộc một số chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực Thể dục thể thao như khoa học công nghệ, xây dựng, bảo vệ môi trường v.v.

Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

- Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 01 tháng 12 năm 2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020;

- Quyết định số 1752/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục, thể thao quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số 2160/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

- Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, TDTT và du lịch vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Quyết định số 2076/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

- Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

* Các Chỉ thị, Nghị quyết và văn bản hướng dẫn của Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP.HCM:

- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XII;

- Quyết định số 2777/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân TP.HCM về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành TDTT TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

- Tài liệu thống kê kinh tế - xã hội TP.

5. Nội dung của Đề án:

* Đánh giá thực trạng các lĩnh vực chủ yếu:

1. Đánh giá thực trạng phát triển TDTT cho mọi người

1.1  TDTT quần chúng (TDTT người cao tuổi; TDTT người khuyết tật; Thể dục phòng bệnh, chữa bệnh; Các môn Thể thao dân tộc; Thể thao giải trí; Thể thao quốc phòng).

1.2 Công tác Giáo dục thể chất và Thể thao trường học

1.3 TDTT trong Lực lượng vũ trang

2. Đánh giá thực trạng Thể thao thành tích cao và Thể thao chuyên nghiệp (đánh giá sâu về thực trạng công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV các đội tuyển Thể thao; Quy trình đào tạo và tuyển chọn VĐV, tuyển chọn và đào tạo tài năng Thể thao...).

2.1. Thể thao thành tích cao

2.2. Thể thao chuyên nghiệp

3. Nguồn lực phát triển TDTT:

3.1. Nguồn tài chính phát triển TDTT.

3.2. Đất đai và công trình TDTT.

3.3. Nhân lực cho phát triển TDTT.

Thực trạng về đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, các chuyên gia, nhà khoa học, HLV, VĐ V, hướng dẫn viên...

4. Hệ thống tổ chức quản lý TDTT.

5. Hội nhập quốc tế về TDTT.

6. Khoa học, công nghệ TDTT:

6.1. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học TDTT;

6.2. Ứng dụng công nghệ Thể thao

7. Thông tin và truyền thông Thể thao.

8. Xã hội hoá TDTT.

9. Công nghiệp Thể thao.

10. Bảo vệ môi trường trong hoạt động TDTT

11. Đánh giá thực trạng các điều kiện đảm bảo, cơ sở vật chất cơ chế chính sách, nguồn nhân lực....

12. Đánh giá thực trạng sử dụng nguồn ngân sách tài chính của nhà nước & các tổ chức cá nhân đầu tư, đóng góp cho các lĩnh vực TDTT.

* Các quan điểm mục tiêu, chỉ tiêu cho các lĩnh vực chủ yếu của Đề án:

Quan điểm, mục tiêu và phương án chỉ tiêu phát triển các lĩnh vực TDTT của TP.HCM đến năm 2035.

* Xây dựng các giải pháp và nhóm giải pháp phát triển các lĩnh vực TDTT của TP.HCM đến năm 2035

Xây dựng các nhóm giải pháp đẩy mạnh, thường xuyên, đột phá để phát triển ngành TDTT của TP.HCM đến năm 2035, trọng tâm chủ yếu ở các lĩnh vực:

- Thể thao thành tích cao và chuyên nghiệp phải có trọng tâm, trọng điểm.

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực xứng tầm với vị thế TP trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của cả nước.

6. Phương pháp nghiên cứu:

Đề án là một văn kiện xác định tầm nhìn dài hạn, mang tính chỉ đạo phát triển TDTT TP.HCM; Đề án thể hiện tầm nhìn để đưa ra tuyên bố ngắn gọn, cô đọng về viễn cảnh phát triển tương lai (sau 10 năm và 15 năm); đồng thời Đề án là bản kế hoạch hành động, là công cụ quản lý và điều hành, thể hiện cách thức ngành TDTT huy động và sử dụng nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực, thông tin) để phát triển một cách hợp lý nhất các lĩnh vực hoạt động TDTT ở TP.HCM.

Nội dung trong Đề án bao gồm các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể và các chính sách, cơ chế áp dụng trong thực hiện kế hoạch phát triển từng lĩnh vực TDTT, đồng thời đảm bảo tiêu chí SMART (Specific- Cụ thể, Measurable - Đo lường được, A ttainable - Phù hợp, Relevant - Khả thi và Time -bound - có hạn định về thời gian).

Phương thức tiếp cận lập kế hoạch trong Đề án là xây dựng Khung logic kế hoạch (ma trận logic bao gồm các cột và hàng) nhằm thể hiện rõ, chặt chẽ giữa các thành tố, bộ phận của kế hoạch với nhau; giữa mục tiêu tổng quát với mục tiêu cụ thể, giữa từng mục tiêu cụ thể với các giải pháp cụ thể và giữa từng giải pháp với các hoạt động cụ thể, với từng nguồn lực. Sử dụng khung logic giúp tránh được những sự trùng lặp hoặc mâu thuẫn giữa các thành tố.

Đề án có tính khả thi cao có căn cứ vào các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước, các phương pháp khoa học được sử dụng:

- Phương pháp so sánh, tổng hợp - phân tích, thống kê.

- Phương pháp phân tích theo mô hình SWOT.

- Phương pháp ngoại suy.

- Phương pháp chuyên gia.

- Phương pháp điều tra xã hội học.

- Phương pháp mô hình hóa.

- Phương pháp toán thống kê.

- Các phương pháp nghiên cứu khác.

7. Phạm vi của Đề án:

- Về địa điểm: Thực hiện trên địa bàn TP.HCM.

- Về thời gian: Giai đoạn đến năm 2035.

- Về phạm vi: Các đối tượng, khách thể có liên quan đến lĩnh vực TDTT (theo Luật TDTT) trên địa bàn TP.HCM.

8. Kết cấu chính của Đề án:

Đề án gồm có 4 phần:

Phần thứ nhất: Đặc điểm địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội và quá trình phát triển sự nghiệp TDTT TP.HCM.

Phần thứ hai: Thực trạng phát triển TDTT TP.HCM.

Phần thứ ba: Quan điểm, mục tiêu, phương án, chỉ tiêu phát triển ngành TDTT TP.HCM đến năm 2035.

Phần thứ tư: Các giải pháp, chính sách và tổ chức thực hiện phát triển ngành TDTT TP.HCM.

Kết luận và kiến nghị

Phần thứ nhất:

ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ, KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP TDTT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

I. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ, KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI CỦA TP.HCM.

1. Vị trí địa lý, đơn vị hành chính, diện tích, dân số.

TP.HCM nằm ở vị trí thuận lợi, phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương, phía Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, phía Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phía Tây và Tây Nam giáp 2 tỉnh là Long An và Tiền Giang.

Với vị trí địa lý nằm ở trung tâm của vùng Đông Nam Bộ, điểm đầu nối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM có các trục giao thông quan trọng, về đường bộ: Trục Quốc lộ 1A, cách Thủ đô Hà Nội 1.730km, nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á.

• Về hàng không: Sân bay Tân Sơn Nhất là một trong những sân bay trọng tâm của cả nước có trên 60 đường bay quốc tế năm 2015 với 16.668.400 lượt khách, năm 2013 với 9.14 triệu lượt khách, chỉ cách trung tâm TP 8km.

• Về đường thủy: Trung tâm TP chỉ cách bờ Biển Đông 50km đường chim bay, đây là mối giao thông nối liền các tỉnh trong vùng và là cửa ngõ quốc tế với hệ thống cảng lớn nhất cả nước (Cảng Sài Gòn với năng lực hoạt động 10 triệu tấn/năm).

TP.HCM là một trong những TP lớn nhất cả nước với diện tích 2.056,50 km2 (số liệu cục thống kê), số liệu điều tra thực tế 2.095 km2, dân số gần 9 triệu người (8.993.082 người - số liệu theo Niên giám thống kê 2019). Mật độ 4.363 người/km2. Lượng dân cư này tập trung chủ yếu trong nội thành, gồm 7.127.364 người, chiếm 79,25% dân số. Trong khi đó các huyện ngoại thành chỉ có 1.865.718 người, chiếm 20,75%. Đơn vị hành chính của TP.HCM có 24 quận, huyện.

2. Vị trí của TP.HCM đối với khu vực, cả nước và thế giới:

- Đối với ASEAN

Việt Nam đã tham gia khối ASEAN, gia nhập AFTA, gia nhập WTO, sẽ tạo ra môi trường kinh doanh mới, tác động đến toàn bộ nền kinh tế - xã hội cả nước và từng tỉnh thành, trong đó vấn đề đầu tư và kinh doanh xuất nhập khẩu với nước ngoài là quan trọng nhất.

Dự báo khi nước ta tham gia đầy đủ vào AFTA và WTO, sẽ tạo ra cơ hội mới đẩy mạnh hơn nữa khả năng khai thác các nguồn năng lực bên ngoài như vốn đầu tư, khoa học công nghệ, kỹ năng quản lý kinh doanh, kinh nghiệm... thậm chí cả những lợi thế của các nước khác, rút ngắn thời gian công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngăn ngừa được tình trạng phân biệt đối xử, bị chèn ép trong thương mại quốc tế, giải quyết vấn đề thị trường toàn cầu cho hàng hóa và du lịch của Việt Nam.

- Đối với châu Á

Trong quá trình phát triển TP.HCM là một trung tâm đô thị lớn của cả nước, vào thế kỷ trước được xem là hòn ngọc biển đông, có vị trí chiến lược quan trọng vào bậc nhất nhì của khu vực châu Á, phát triển trước cả các TP Bangkok, Kuala Lumpur, Quảng Châu, Ma Cao - Hồng Kông..., tuy nhiên do ảnh hưởng của chiến tranh, quá trình phát triển của TP trong từng giai đoạn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội không được liên tục, thậm chí còn có những lúc sụt giảm. Giai đoạn hiện nay, thực hiện chủ trương đường lối chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước về mở rộng giao lưu hợp tác với tất cả các nước, đảm bảo sự bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền của mỗi nước, hợp tác trên tinh thần đôi bên cùng có lợi, nếu có những mâu thuẫn phát sinh chưa đồng thuận, chưa thống nhất cần giải quyết các vấn đề trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền của mỗi dân tộc, bàn bạc, thỏa thuận để đi đến thống nhất phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam đã tham gia khối ASEAN, gia nhập AFTA, gia nhập WTO, từ đó tạo ra môi trường kinh doanh mới, tác động đến toàn bộ nền kinh tế - xã hội cả nước và từng tỉnh, thành. Trong đó, vấn đề đầu tư và kinh doanh xuất nhập khẩu với các nước trong khu vực châu Á có vị trí vai trò quan trọng để đẩy nhanh quá trình phát triển các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội của TP.HCM với các TP lớn của châu Á ngày càng ổn định và phát triển.

- Đối với thế giới

Thực hiện Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM đến năm 2020. Nhìn tổng quát TP.HCM có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với khu vực, châu lục và thế giới, mục tiêu sẽ trở thành TP công nghiệp hiện đại trên tất cả các lĩnh vực kinh tế văn hóa, chính trị xã hội, phát triển nền kinh tế tri thức theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo thế mạnh về thương nghiệp, giao thông, dịch vụ, du lịch và giao tiếp quốc tế, làm nền tảng cho sự hình thành và lớn mạnh của một trung tâm chính trị văn hóa, khoa học kỹ thuật, phát triển ngang tầm với các TP hiện đại trên thế giới.

II. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH TDTT CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG 10 NĂM QUA.

TP đã xác định rõ nội dung công việc cụ thể để triển khai Quyết định số 2777/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân TP về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành TDTT TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 gắn với việc thực hiện Chương trình Hành động số 33-CTr/TU ngày 15 tháng 6 năm 2013 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020”.

Phân công rõ trách nhiệm của các sở ngành, quận; huyện trong việc tổ chức thực hiện gắn với giám sát, kiểm tra nhằm tăng cường trách nhiệm của các ngành, các quận; huyện trong thực hiện chiến lược.

Huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện chiến lược phát triển nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành TDTT theo từng giai đoạn phát triển của TP.

Tập trung định hướng nghiên cứu đầu tư các dự án ưu tiên và giải pháp thực hiện quy hoạch lĩnh vực TDTT trên địa bàn TP.

Trong điều kiện thuận lợi đan xen những khó khăn, thách thức, song với nhịp độ phát triển đều về các lĩnh vực kinh tế - xã hội của TP trong 10 năm qua, quá trình hình thành và phát triển TDTT cũng chịu sự tác động của các lĩnh vực đó và có thể chia ra các giai đoạn:

1. Giai đoạn 2010 - 2015

- Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội TP 05 năm, 2011-2015, trên cơ sở đánh giá tình hình và kết quả đạt được, có thể nói việc thực hiện nhiệm vụ chung về phát triển Văn hóa và Thể thao giai đoạn 2011-2015 của TP có nhiều yếu tố thuận lợi và cũng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh thuận lợi là được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, thông qua các chủ trương đường lối, đề ra các giải pháp khả thi, phù hợp, kịp thời, nên đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành TDTT đã gặp phải không ít trở ngại với những nguyên nhân khách và chủ quan như khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, việc sáp nhập bộ máy của 03 Sở Văn hóa Thông tin, Sở TDTT, Sở Du lịch vào giữa năm 2008..., đã ảnh hưởng một phần đến quá trình tổ chức, điều hành. Song với tinh thần nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, ngành TDTT đã kịp thời nắm bắt cơ hội, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh sẵn có thực hiện hoàn thành các mục tiêu cơ bản mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần VIII đề ra. Phong trào TDTT quần chúng phát triển sâu rộng và trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống mọi tầng lớp nhân dân. Thể thao thành tích cao của TP vẫn là một trong hai trung tâm hàng đầu cả nước, đóng góp nhiều thành tích cho Thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) đã có nhiều chương trình cụ thể: Chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và quận, huyện tổ chức nhiều chương trình, loại hình hoạt động trong các dịp Lễ hội lớn hàng năm như: Tết Nguyên đán, Tết Dương lịch, Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, Kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, Quốc tế Lao động 1/5, Quốc khánh 2/9 đã góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, vui chơi, giải trí lành mạnh của nhân dân.

- TDTT: Với mục tiêu trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015 của ngành: Từng bước xây dựng lực lượng; đầu tư có trọng điểm nhằm phát triển Thể thao thành tích cao một cách vững chắc; đẩy mạnh phong trào tự nguyện rèn luyện sức khỏe trong nhân dân; tổ chức nhiều hoạt động mang tính cộng đồng, từ thiện; mở rộng quan hệ hợp tác; thực hiện hiệu quả việc xã hội hóa các hoạt động TDTT, qua 7 năm thực hiện đến nay hoạt động TDTT đã đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể: Về phong trào TDTT quần chúng: người tập luyện thường xuyên đạt tỉ lệ theo % dân số: năm 2010 đạt 24,64% và năm 2015 đạt 28,80%. Ngoài ra, các hoạt động TDTT khác như phong trào thể thao sức khỏe, phong trào TDTT cho học sinh, thanh thiếu niên, đối tượng công nhân viên chức, lực lượng vũ trang và người khuyết tật đã thu hút đông đảo lực lượng tham gia, các hoạt động TDTT luôn gắn liền với các sự kiện, lễ hội, từ thiện, kỷ niệm các ngày truyền thống. Có sự kiện đã tập hợp được trên 50.000 người tham gia. Đoàn Thể thao học sinh TP tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần VIII năm 2012 đạt vị trí nhất toàn đoàn cả về điểm lẫn huy chương; Đoàn Thể thao người khuyết tật luôn đạt vị trí dẫn đầu trong 5 năm, từ 2011 - 2015. Về Thể thao thành tích cao, nổi bật là thành tích đào tạo được 3 VĐV giành được quyền tham dự Olympic London 2012, đoạt 1 HCB, 3 HCĐ tại Asiad Quảng Châu 2010, đạt tỉ lệ 40% mức đóng góp cho đội tuyển quốc gia về lực lượng và huy chương tại các kỳ Đại hội Thể thao quốc tế. Đặc biệt, đội tuyển TP đóng góp một nữa lực lượng Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic trẻ lần I năm 2010 đạt 1 HCV, 1 HCĐ. Một số vận động viên TP vẫn luôn khẳng định ưu thế ngôi đầu tại các giải quốc gia và quốc tế như: Tay vợt môn cầu lông Nguyễn Tiến Minh, kỳ thủ Cờ vua Lê Quang Liêm... Công tác huấn luyện, tập huấn các môn Thể thao trọng điểm trong các năm qua cũng đã mang lại hiệu quả tại các giải toàn quốc và quốc tế:

- Năm 2010: Đạt 1.362 huy chương toàn quốc (487 HCV, 417 HCB, 458 HCĐ); đạt 220 huy chương quốc tế (97 HCV, 50 HCB, 73 HCĐ), trong đó Asiad 16 đoạt được 1 HCB, 3 HCĐ.

- Năm 2015: Đạt 1.571 huy chương toàn quốc (658 HCV - 448 HCB - 465 HCĐ) và 374 huy chương quốc tế chính thức (171 HCV - 120 HCB - 83 HCĐ), trong đó Đại hội Thể thao Đông Nam Á SEA Games 28 năm 2015 tại Singapore đạt 10 HCV, 08 HCB, 10 HCĐ.

2. Giai đoạn 2015 - 2020

Với mục tiêu triển khai thực hiện tốt chiến lược phát triển ngành TDTT TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn 2025 và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X, trong những năm qua, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn TP.HCM tiếp tục duy trì và phát triển. Nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc luyện tập thể dục để duy trì và nâng cao sức khỏe nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống được nâng cao thể hiện ở số lượng người dân tham gia luyện tập TDTT thường xuyên tăng và đạt chỉ tiêu đề ra. Xã hội ngày càng quan tâm hơn đến các hoạt động, sự kiện TDTT. Các giải, sự kiện, hoạt động TDTT xã hội hóa được tổ chức ngày càng nhiều, một số môn Thể thao giải trí mới được tạo điều kiện phát triển góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho quần chúng nhân dân, giúp giảm tệ nạn xã hội, xây dựng những nét đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn con người TP.

Về Thể thao thành tích cao, ngành TDTT TP luôn quan tâm đến công tác đào tạo chuẩn bị lực lượng để tuyển chọn vận động viên bổ sung cho đội tuyển TP và quốc gia tham dự các giải toàn quốc, quốc tế, đặc biệt là Olympic 2016 tại Brasil, SEA Games 29 năm 2017 tại Malaysia và Asiad 18 tại Indonesia năm 2018. Hệ thống giải Thể thao TP đa dạng và phong phú được tổ chức thường xuyên và liên tục như Giải Thể thao học sinh, Hội khỏe Phù Đổng, giải trẻ, vô địch, năng khiếu của các môn Thể thao đã thu hút nhiều đối tượng tham dự. Bên cạnh hệ thống các giải thi đấu chính thức, TP.HCM cũng đã tổ chức nhiều giải Thể thao mở rộng với phương thức cải tiến nội dung thi đấu nhằm tạo môi trường thi đấu cọ sát, học hỏi kinh nghiệm cho các lực lượng Thể thao TP và các tỉnh, TP đã tạo nên sân chơi phong phú, sôi nổi, cùng nhau học tập kinh nghiệm và đã mang lại hiệu quả cho công tác đầu tư Thể thao thành tích cao.

Lực lượng huấn luyện viên, vận động viên các môn Thể thao của TP trong những năm qua đã đạt được nhiều huy chương tại các giải vô địch Thể thao cấp quốc gia, Đông Nam Á, châu Á, thế giới. Trình độ thi đấu quốc tế của vận động viên thuộc các môn Thể thao trọng điểm ngày càng được nâng cao, số huy chương giành được tại các giải quốc tế chính thức từng bước tăng ổn định về số lượng tuy không nhiều. Ngoài việc tổ chức và cử các lực lượng tập huấn, tham dự thi đấu các giải Thể thao, ngành đã cử các vận động viên trẻ tài năng tập huấn, thi đấu tại nước ngoài theo Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao của TP.HCM giai đoạn 2015 - 2020. Hầu hết, các môn Thể thao đều chọn Trung Quốc, Hàn Quốc là địa điểm tập huấn dài hạn và ngắn hạn do đặc điểm có trình độ Thể thao cao nhưng kinh phí, vị trí địa lý và đối tượng tập luyện phù hợp. Ngoài ra một số môn Thể thao chọn những nước có công nghệ huấn luyện hiện đại để nhằm tăng tính chuyên nghiệp và ứng dụng khoa học vào những nội dung khó như Bungari, Mỹ, Úc, Nhật...

Một số môn Thể thao đang chuyển dần sang bán chuyên nghiệp, chuyên nghiệp. Một số môn như Bóng đá, Bóng rổ, Bóng chuyền, Quyền anh đã chủ động phối hợp cùng Liên đoàn, Hội Thể thao mời các vận động viên có trình độ chuyên môn tốt từ các tỉnh, thành và nước ngoài tham gia tập luyện và thi đấu. Bên cạnh đó với chế độ trợ cấp ưu đãi cho vận động viên tài năng, TP đã thu hút được các vận động viên, huấn luyện viên giỏi về phục vụ cho Thể thao TP, góp phần nâng cao thành tích Thể thao cũng như giúp cho vận động viên các tuyến năng khiếu có điều kiện học hỏi, vận động viên đội tuyển có đối tượng cạnh tranh.

Phần thứ hai:

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN TDTT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

I. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN TDTT CHO MỌI NGƯỜI.

1. Thực trạng phát triển TDTT quần chúng.

TDTT quần chúng tiếp tục phát triển mạnh với nhiều loại hình hoạt động đa dạng, chất lượng càng ngày càng cao. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục mở rộng, thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở địa bàn dân cư, gồm nhiều loại hình như: Thể dục dưỡng sinh, đi bộ, chạy bộ, khí công, khiêu vũ... Thời gian gần đây, cùng với xu thế của thế giới đã xuất hiện một số loại hình Thể thao mới có tính chất giải trí như Thể thao điện tử, các môn Võ nhạc, Dù lượn, 3 môn phối hợp hiện đại, trượt băng, Roller Sports,... cũng được hướng dẫn hoạt động kịp thời, phù hợp và nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Hằng năm, ngành TDTT phối hợp cùng với các ban ngành, quận; huyện hòa nhịp cùng cả nước tổ chức Ngày chạy Olympic “Vì sức khỏe toàn dân”, tổ chức Lễ Phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước năm 2019, 2020 trên địa bàn TP.HCM thu hút hàng chục ngàn người tham gia. Đồng thời liên kết với các lãnh sứ quán, cơ quan đại diện, hội nghề nghiệp, đoàn thể, doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động thể dục, thể thao như đi bộ đồng hành, đồng diễn thể dục,... với số lượng hàng trăm ngàn người; qua đó vận động đóng góp hàng tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện, tạo không khí vui tươi, sôi nổi, đưa Thể thao đến với mọi người, mọi nhà và giúp cho người dân vui khỏe, hăng say làm việc, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Phong trào thể dục, thể thao của người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo chu đáo hơn. TP luôn là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về phong trào thể dục, thể thao cho người khuyết tật, dẫn đầu tại các giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc với những môn thế mạnh như: Điền kinh, Bơi lội, Cử tạ, ... và cũng là đơn vị cung cấp nhiều vận động viên cho quốc gia tham dự các giải Thể thao quốc tế, đặc biệt tại các kỳ Đại hội Thể thao dành cho người khuyết tật Asian Paragames và Paralympic. Hàng năm, Hội Người cao tuổi TP cũng phối hợp với Hội Thể dục dưỡng sinh và các đơn vị chức năng tổ chức và tham gia nhiều giải Thể thao dành cho người cao tuổi.

Hoạt động thể dục, thể thao trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tiếp tục phát triển mạnh, nhất là hội thao trong công chức, viên chức và người lao động nhân dịp chào mừng các sự kiện, ngày lễ lớn hàng năm; các doanh nghiệp khu chế xuất - khu công nghiệp cũng hưởng ứng và phối hợp với Liên đoàn Lao động TP, Liên đoàn Lao động quận; huyện để tổ chức phong trào vui khỏe, rèn luyện thân thể nhân các ngày lễ, kỷ niệm ngày thành lập công ty... Việc tổ chức hội thao được duy trì ổn định đã góp phần rèn luyện sức khỏe làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho công chức, viên chức và người lao động.

Hội Nông dân TP đã tổ chức nhiều hoạt động thể dục, thể thao nhằm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao trong cán bộ, hội viên, gắn với “Chương trình xây dựng nông thôn mới”, tạo điều kiện phục vụ cho việc thi đua lao động sản xuất; đồng thời, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa - thể thao, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các tập tục lạc hậu ở nông thôn, từng bước xây dựng cuộc sống tiến bộ lành mạnh, góp phần thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, tạo mối quan hệ phối hợp đồng bộ trong các hoạt động mang tính văn hóa thể thao ở nông thôn.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động TDTT: Các địa điểm có cơ sở vật chất TDTT với nhiều loại hình đa dạng: Trên 560 sân Bóng đá mini, hơn 300 Câu lạc bộ Quần vợt, hơn 500 Câu lạc bộ, phòng tập thể dục thể hình, thẩm mỹ, gần 200 hồ bơi và hàng trăm Câu lạc bộ Billiards... đang hoạt động ổn định đã góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT. Trong đó, nhiều đơn vị ngoài công lập như Nhà Thi đấu Thái Sơn Nam, hệ thống Câu lạc bộ Gym và Yoga California đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi, trang thiết bị phục vụ hoạt động TDTT... Đặc biệt, việc trang bị dụng cụ thể dục, thể thao đơn giản tại các công viên, nơi công cộng phục vụ nhu cầu tập luyện thường xuyên của nhân dân, được nhân dân đồng thuận và đánh giá cao hiệu quả tính thiết thực của các dụng cụ, góp phần đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể toàn dân.

1.1. Thực trạng phát triển và phân bố người tập luyện TDTT thường xuyên (NTL TDTTTX):

Bảng 1. Nhịp tăng trưởng bình quân (%) hàng năm của người tập luyện TDTTTX (đính kèm Phụ lục).

Bảng 2. Phát triển giáo dục thể chất và Thể thao trong nhà trường (đính kèm Phụ lục).

1.2. Thực trạng các hoạt động thi đấu trong phong trào TDTT:

Bảng 3. Hệ thống thi đấu các giải truyền thống của TP.HCM (đính kèm Phụ lục).

Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức giải tại các đơn vị có cơ sở vật chất TDTT thuộc một số quận, huyện nội, ngoại thành, số giải hằng năm tổ chức là 20 giải, đây là điều kiện tốt để rèn luyện và phát triển thể chất cho các đối tượng học sinh và sinh viên.

Thực hiện theo chủ trương xã hội hóa các hoạt động Thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao đã ký kết liên tịch với 20 ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội để hỗ trợ tổ chức các giải Thể thao, hội thao trong các ngày lễ lớn và truyền thống của các đơn vị.

Các ban ngành, đoàn thể cũng đã tổ chức nhiều hoạt động Thể thao phong phú, đa dạng góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên... như Hội thao Nông dân, các giải Thể thao sinh viên, học sinh, Hội thao ngành Công an. Các đơn vị Trung tâm TDTT, Trung tâm VH-TT 24 quận, huyện đã tổ chức nhiều hoạt động TDTT sôi nổi, phong phú chào mừng các ngày lễ lớn...; thực hiện tốt các nội dung, chỉ tiêu được giao về phát triển phong trào, xây dựng lực lượng, xây dựng cơ sở vật chất TDTT. Giải vô địch học sinh TP niên học 2018 - 2019 trong hoạt động liên tịch với Sở Giáo dục - Đào tạo thu hút đông đảo lực lượng học sinh tham gia.

Phong trào Thể thao người khuyết tật: Hàng năm đều tổ chức Giải Thể thao Người khuyết tật TP với nhiều Thể thao thu hút hơn 200 VĐV của 12 đơn vị tham dự. Đoàn vận động viên Thể thao khuyết tật TP tham dự Giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc đã tiếp tục bảo vệ thành tích hạng nhất toàn đoàn.

Bảng 4. Hiện trạng các hoạt động thi đấu TDTT (đính kèm Phụ lục).

Thực hiện theo chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, của Ngành về phát triển phong trào TDTT cho mọi người, đặc biệt cho các đối tượng quần chúng, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang có điều kiện tập luyện và thi đấu Thể thao, Đại hội TDTT và Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc được tổ chức theo chu kỳ 4, 5 năm/lần, TP có chủ trương chỉ đạo tổ chức các Đại hội TDTT từ cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) đến quận, huyện và TP, qua đó, tuyển chọn các VĐV tiêu biểu xuất sắc đại diện TP tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc. Đồng thời, được sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân TP, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Hội khỏe Phù đổng các cấp ở tất cả các trường và các cấp học, Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) đã tác động tích cực đến việc phát triển thể chất cho lực lượng học sinh, sinh viên. Đây cũng là điều kiện tốt để tuyển chọn và đào tạo nhân tài Thể thao, chọn các VĐV tiêu biểu của TP tham dự HKPĐ toàn quốc.

Qua các kỳ Đại hội TDTT; HKPĐ toàn quốc, TP luôn là đơn vị dẫn đầu trong các kỳ Đại hội. Điều đó chứng tỏ rằng phong trào TDTT cho mọi người, Thể thao thành tích cao của TP, không ngừng ổn định và phát triển.

Bảng 5. Thống kê số lượng giải thi đấu Thể thao cấp quận, huyện (đính kèm Phụ lục).

Qua số liệu thu thập từ các giải Thể thao, hội thao và Đại hội Thể thao, đặc biệt là số lượng giải và số lượt người tham gia tại các đơn vị quận, huyện cho thấy nhóm quận, huyện tổ chức nhiều giải Thể thao như: Quận 1, Quận 3, Quận 11, các quận, huyện còn lại số lượng giải tổ chức thấp hơn. Song, nhìn chung với số lượng giải tổ chức hàng năm của các quận, huyện cho thấy số lượng giải tổ chức của TP, số VĐV và số lượt người xem luôn cao hơn so với các tỉnh thành trong cả nước.

2. Phát triển Giáo dục thể chất và Thể thao trong nhà trường.

Công tác giáo dục thể chất và Thể thao học đường được quan tâm đầu tư của các ban ngành có liên quan; phong trào Thể thao học đường của TP tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu cả nước thể hiện qua thành tích và kết quả đạt được (Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2016 đạt nhất toàn đoàn với 342 HCV, 224 HCB, 174 HCĐ).

Về giảng dạy nội khóa: Hầu hết các trường đều giảng dạy theo chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo thời lượng, nội dung nhưng có kết hợp đa dạng nhiều loại hình nhằm tạo sự thu hút và phong phú cho tiết học theo đặc thù từng trường như tăng cường trang thiết bị và mở rộng số lượng các môn Thể thao tự chọn như: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, cầu lông, Bơi lội, Bóng rổ, Vovinam, Võ cổ truyền... nhằm nâng cao thời lượng vận động, tạo điều kiện cho các em phát huy tích cực, chủ động trong rèn luyện nâng cao sức khỏe.

Về hoạt động Thể thao ngoại khóa: Nhiều trường đã chủ động tổ chức các lớp học chuyên đề về Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng rổ, Bơi lội, Bóng bàn, Thể dục nhịp điệu, Thể dục nhào lộn, võ thuật (Taekwondo, Judo, Vovinam,...); thường xuyên tổ chức thi đấu giao hữu giữa các trường từ đó, chọn ra những học sinh năng khiếu đưa vào các lớp năng khiếu hoặc đội tuyển TDTT của trường, quận; huyện và TP. Ngoài ra, các giải Thể thao học sinh trong hệ thống Hội khỏe Phù Đổng được tổ chức liên tục hằng năm thu hút đông đảo học sinh các trường tham dự.

Về hoạt động ngoại khóa TDTT cho học sinh khuyết tật: TP hiện có 27 trường chuyên biệt, với hơn 2.700 học sinh. Kế hoạch và chương trình hoạt động ngoại khóa thể dục, thể thao cho học sinh khuyết tật được phổ biến đến từng trường, từng trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật. Các hoạt động Bơi lội, Bóng đá, Cờ vua, Võ cổ truyền, Yoga,... đã được các trường tổ chức và chọn cử lực lượng tham gia các hội thi Thể thao khuyết tật trong và ngoài nước.

Cơ sở vật chất dành cho Thể thao học đường: TP đã đầu tư thêm kinh phí hoạt động và củng cố xây dựng các sân bãi, nhà tập thể dục, thể thao trong các trường phổ thông, đặc biệt các trường mới xây dựng đều có sân chơi, bãi tập đảm bảo cho việc dạy và học thể dục, thể thao; tăng cường đội ngũ giáo viên chuyên trách để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục thể chất, số trường có sân bãi tập luyện tăng dần, một số trường tiếp tục duy trì và nâng cấp phát triển Câu lạc bộ thể dục, thể thao đa môn; tổ chức chương trình thể thao cuối tuần cho các em học sinh nhằm tạo điều kiện tốt nhất từng bước đáp ứng nhu cầu vui khỏe, giảm bớt áp lực căng thẳng sau giờ học cho các em.

Phong trào thể dục, thể thao trong sinh viên các trường đại học, học viện, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp: Thành Đoàn phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức hội thao sinh viên hàng năm, thu hút trên 50 trường tham gia với 8 đến 14 môn; qua đó phát hiện và tuyển chọn những sinh viên có năng khiếu Thể thao bổ sung cho lực lượng vận động viên các đội tuyển của TP tham gia các giải toàn quốc và quốc tế. Bên cạnh mục tiêu tăng cường và nâng cao thể chất cho sinh viên, hội thao còn là sân chơi lành mạnh giúp sinh viên tránh xa các ảnh hưởng xấu, góp phần giáo dục toàn diện cho sinh viên, học sinh thực hiện tốt phong trào sinh viên 5 tốt do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phát động và tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Còn riêng đối với học sinh phổ thông ở các cấp. Thông qua phân tích đánh giá theo 3 cấp học (Tiểu học, THCS, THPT), gồm các chỉ số:

Qua số liệu thu thập cho thấy tổng số trường thuộc ngành giáo dục đào tạo đóng trên địa bàn TP: Số lượng cụ thể ở các cấp học như sau: Toàn TP có 945 trường với 27.564 lớp, số lượng học sinh - sinh viên là 1.059.712, được phân theo 3 cấp học cụ thể:

Cấp Tiểu học 498 trường; 13.739 lớp với tổng số 542.484 học sinh, trong đó có 262.265 nữ.

Trung học cơ sở tổng số trường là 259, tổng số lớp là 8.622, số học sinh 341.809, trong đó có 167.013 nữ.

Cấp Trung học phổ thông tổng số trường 188, tổng số lớp 5.203, tổng số học sinh 175.419, trong đó nữ là 91.483.

*Tỷ lệ tập luyện chính khóa (nam, nữ).

- Về số lượng học sinh ở bậc Tiểu học tham gia tập luyện chính khóa đạt tỷ lệ 100%. Trong đó nam chiếm tỷ lệ 51,66%, nữ chiếm tỷ lệ 48,34%.

- Về số lượng học sinh ở bậc THCS tham gia tập luyện chính khóa đạt tỷ lệ 100%. Trong đó nam chiếm tỷ lệ 51,14%, nữ chiếm tỷ lệ 48,86%.

- Về số lượng học sinh ở bậc THPT tham gia tập luyện chính khóa đạt tỷ lệ 100%. Trong đó nam chiếm tỷ lệ 47,85%, nữ chiếm tỷ lệ 52,15%.

- Tương ứng số lượng HS, SV ở bậc ĐH, CĐ tham gia tập luyện chính khóa đạt tỷ lệ 100%. Đây là chương trình bắt buộc trong hệ thống giáo dục của nước ta.

Riêng đối với bậc ĐH, CĐ, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, số trường đóng trên địa bàn TP khoảng trên dưới 200 trường với số lượng HS, SV, khoảng trên 200 ngàn HS, SV. Với số liệu trên chỉ có tính chất tham khảo, nhưng qua đó cho thấy mức độ tác động và ảnh hưởng đối với sự ổn định và phát triển xã hội của TP.HCM là một vấn đề không đơn giản, đòi hỏi phải có sự phối chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, với các cơ sở đào tạo để giúp cho việc duy trì sự ổn định và phát triển của TP.HCM.

Biểu đồ 1: Tỷ lệ tập luyện chính khóa của các cấp học (đính kèm Phụ lục).

*Tỷ lệ tập luyện ngoại khóa (nam, nữ).

- Về số lượng học sinh ở bậc Tiểu học tham gia tập luyện ngoại khóa đạt tỷ lệ 50,1%. Trong đó nam chiếm tỷ lệ 25,88%, nữ chiếm tỷ lệ 24,22%.

- Về số lượng học sinh ở bậc THCS tham gia tập luyện ngoại khóa đạt tỷ lệ 51,5%. Trong đó nam chiếm tỷ lệ 26,33%, nữ chiếm tỷ lệ 25,17%.

- Về số lượng học sinh ở bậc THPT tham gia tập luyện ngoại khóa đạt tỷ lệ 52,8%. Trong đó nam chiếm tỷ lệ 25,34%, nữ chiếm tỷ lệ 27,46%.

Biểu đồ 2: Tỷ lệ tập luyện ngoại khóa của các cấp học (đính kèm Phụ lục).

*Tỷ lệ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể thao (nam, nữ).

- Về số lượng học sinh ở bậc Tiểu học tham gia đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt tỷ lệ 98,82%. Trong đó nam chiếm tỷ lệ 51,04%, nữ chiếm tỷ lệ 47,78%.

- Về số lượng học sinh ở bậc THCS tham gia đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt tỷ lệ 98,80%. Trong đó nam chiếm tỷ lệ 50,52%, nữ chiếm tỷ lệ 48,28%.

- Về số lượng học sinh ở bậc THPT tham gia đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt tỷ lệ 99,96%. Trong đó nam chiếm tỷ lệ 47,27%, nữ chiếm tỷ lệ 51,52%.

*Tỷ lệ học sinh - sinh viên tham gia thi đấu.

- Về số lượng học sinh ở bậc Tiểu học tham gia thi đấu đạt lệ 35,8%. Trong đó nam chiếm tỷ lệ 23,24%, nữ chiếm tỷ lệ 12,56%.

- Về số lượng học sinh ở bậc THCS tham gia thi đấu đạt tỷ lệ 44,3%. Trong đó nam chiếm tỷ lệ 28,12%, nữ chiếm tỷ lệ 16,18%.

- Về số lượng học sinh ở bậc THPT tham gia thi đấu đạt tỷ lệ 45,3%. Trong đó nam chiếm tỷ lệ 29,66%, nữ chiếm tỷ lệ 15,64%.

Biểu đồ 3 và 4: Tỷ lệ học sinh - sinh viên tham gia thi đấu của các cấp học (đính kèm Phụ lục).

*Các giải thi đấu của học sinh.

- Về số lượng giải tổ chức tổ chức hàng năm trên tổng số học sinh ở bậc Tiểu học tham gia đạt lệ 0,73%.

- Về số lượng giải tổ chức tổ chức hàng năm trên tổng số học sinh ở bậc THCS tham gia đạt lệ 0,91 %.

- Về số lượng giải tổ chức tổ chức hàng năm trên tổng số học sinh ở bậc THPT tham gia đạt lệ 1,28 %.

Qua kết quả tỷ lệ học sinh - sinh viên tham gia tập luyện Thể thao thường xuyên cho thấy:

Tập luyện chính khóa theo chương trình của Bộ quy định đều đạt tỷ lệ 100%, số lượng nam lớn hơn số lượng nữ, chỉ riêng ở bậc THPT nữ đạt tỷ lệ cao hơn nam (cần có thời gian nghiên cứu thêm).

Tỷ lệ tập luyện ngoại khóa đối với các bậc học phân bổ tương đối đồng đều ở bậc trung học phổ thông chiếm tỷ lệ trên 80%; số học sinh sinh viên tham gia ngoại khóa ở nam luôn lớn hơn ở nữ, tỷ lệ thấp nhất ở bậc tiểu học là 35,6%. Nếu so sánh tỷ lệ HS tham gia ngoại khóa của TP.HCM với các tỉnh, thành khác có sự khác biệt rất lớn, dao động trên dưới 30%. Nếu xét về nhu cầu tập luyện chính khóa tự chọn và ngoại khóa thì tỷ lệ có thể cao hơn. Tỷ lệ tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đều đạt ở mức cao, nhìn chung nam có tỷ lệ lớn hơn nữ, tỷ lệ bình quân trên 99% cao hơn so với tiêu chuẩn rèn luyện thân thể năm trước đạt 81%

Về số lượng giải tổ chức hàng năm ở bậc học tiểu học và THCS đều đạt tỷ lệ trung bình trên dưới 40%. Tỷ lệ này rất cao so với các tỉnh, thành khác chỉ đạt trên dưới 5-10%.

Nội dung tập luyện:

Bảng 7. Đối tượng nam, nữ tham gia tập luyện theo môn Thể thao năm 2019 (đính kèm Phụ lục).

Qua kết quả ở bảng 10 về đối tượng nam nữ học sinh tham gia tập luyện theo môn Thể thao cho thấy sự phân bổ không đồng đều giữa các đối tượng nam, nữ và ở các cấp học. Nam luôn luôn chiếm tỷ lệ cao hơn từ 15-25%.

- Môn Điền kinh, Bóng đá, Bơi lội, Cờ vua, các môn võ thuật, có số học sinh, tham gia chiếm tỷ lệ cao hơn các môn Thể thao khác từ 10- 20%, thậm chí môn Điền kinh có tỷ lệ trên 30% lý do vì môn Điền kinh là môn Thể thao bắt buộc theo chương trình chính khóa. Trong những năm gần đây Bộ GD&ĐT đã đổi mới chương trình giáo dục tự chọn chính khóa, khuyến khích các em học sinh lựa chọn các môn ham thích để tham gia tập luyện, do vậy, một số môn thể thao khác như môn Võ, Cờ vua, Đá cầu, Bóng bàn, cầu lông được các em đăng ký tham gia tập luyện với số lượng lớn. Điều đặc biệt là TP có chủ trương khuyến khích đưa môn Bơi lội vào chương trình giảng dạy (phổ cập Bơi). Do vậy, số học sinh đăng ký môn này tăng cao. Điều này phù hợp với chương trình phổ cập Bơi lội quốc gia. Đối tượng phân bổ theo các cấp học, đối với cấp Tiểu học và THCS đa phần học sinh lựa chọn các môn Thể thao dễ tập và các loại hình Thể thao bắt buộc trong chương trình GDTC chính khóa theo quy định. Ở cấp tiểu học: học sinh thường không chọn các môn Bóng chuyền, Bóng rổ, Bóng ném, cầu lông..., nhưng ngược lại, đây là các môn yêu thích của học sinh ở các bậc học cao hơn. Sự phân chia giữa nam và nữ ở các bậc học là không đồng đều (kết quả được thể hiện ở bảng phụ lục).

Tóm lại: Qua kết quả phân bổ đối tượng nam, nữ tham gia tập luyện theo môn Thể thao ở các bậc học cho thấy số môn được các em lựa chọn tham gia tập luyện trong chương trình giáo dục chính khóa, ngoại khóa là rất phong phú và đa dạng (trên 20 môn). Sự phân bổ đối tượng nam, nữ ở các bậc học không đồng nhất: Nam chiếm tỷ lệ cao hơn nữ; bậc Tiểu học và THCS các em lựa chọn các môn thể dục và các môn thể thao dễ tập; Ngược lại, học sinh THPT thường lựa chọn các môn Thể thao mang tính tập thể, độ khó cao hơn như: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng rổ... Riêng đối với bậc ĐH, CĐ, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, ở nam vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn so với nữ (60/40%). Số môn Thể thao chính khóa tự chọn và ngoại khóa nhiều hơn trên 25 môn; xu thế lựa chọn các môn có tính tập thể cao, tỷ lệ chọn lựa các môn Thể thao cá nhân thấp hơn.

Cơ sở vật chất trong trường học:

Bảng 8. Cơ sở vật chất trong trường học (đính kèm Phụ lục).

Qua kết quả điều tra thu thập số liệu cho thấy các công trình TDTT trường học được phân bổ đều ở các cấp học cụ thể như sau:

* Tiểu học:

- Diện tích sân đất dành cho hoạt động TDTT chiếm tỉ lệ 20%; sân xi măng 80%. Như vậy hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn TP đều có sân tập TDTT, Nhà tập chiếm tỉ lệ 30%. Đa phần diện tích sân bãi và nhà tập phục vụ cho TDTT hiện trạng sử dụng 55%, diện tích đất bình quân/1HS là 0,96 m2

* Trung học cơ sở:

- Đối với diện tích đất dành cho THCS đạt tỉ lệ sân đất là 21%, diện tích sân xi măng là 85%. Như vậy hầu hết các trường THCS trên địa bàn TP đều có sân tập TDTT, Nhà tập chiếm tỉ lệ 25%. Đa phần diện tích sân bãi và nhà tập phục vụ cho TDTT, hiện trạng sử dụng tương đương 60%, cần nâng cấp các công trình Thể thao để nâng cao chất lượng. Diện tích đất bình quân/1HS là 1,73 m2.

* Trung học phổ thông:

- Đối với diện tích đất dành cho THPT đạt tỉ lệ sân đất là 21%, diện tích sân xi măng là 90%. Như vậy hầu hết các trường THPT trên địa bàn TP đều có sân tập TDTT, Nhà tập chiếm tỉ lệ 20%. Đa phần diện tích sân bãi và nhà tập phục vụ cho TDTT hiện trạng sử dụng dưới 65% cần nâng cấp chất lượng. Tổng diện tích đất tính theo m2 dành cho HS ở bậc THPT là 1,96m2/1 học sinh, đây là tỉ lệ phù hợp với quy chuẩn cần 2 m2/1 học sinh.

Tóm lại: Qua xem xét về cơ sở vật chất dành cho công trình TDTT trong trường học hiện nay đạt ở mức thấp. Đặc biệt là diện tích đất bình quân trên mỗi học sinh ở bậc Tiểu học và THCS đạt tỉ lệ rất thấp. Hiện trạng cơ sở vật chất sử dụng bằng hoặc tương đương giá trị 50%, cần phải nâng cao chất lượng các công trình TDTT lên trên 65%.

Nếu thực hiện được sẽ góp phần nâng cao chất lượng GDTC tại TP.HCM trong những năm tiếp theo.

Đội ngũ giáo viên TDTT:

Bảng 9. Cán bộ giáo viên TDTT/HS/SV (đính kèm Phụ lục).

Qua kết quả điều tra thu thập số liệu đội ngũ giáo viên TDTT cho thấy số lượng giáo viên có trình độ khác nhau giữa các cấp học cụ thể như sau:

* Tiểu học:

- Tổng số lượng các trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM là 498 trường, tổng số lớp là 13.739, tổng số HS là 542.484, tổng số GV là 775; trong đó số GV có trình độ sau ĐH 04 người, chiếm tỷ lệ 0,52%; số GV có trình độ ĐH 459, chiếm tỷ lệ 59,23%; số GV có trình độ CĐ là 260, chiếm tỷ lệ 33,55%; số GV có trình độ trung cấp là 52, chiếm tỷ lệ 6,71%; GV kiêm nhiệm là 650, chiếm tỷ lệ 84%. Như vậy, một GV phải dạy 700 HS. Đặc biệt GV kiêm nhiệm còn chiếm tỷ lệ rất cao 84%. Điều này cho thấy sự mất cân đối giữa GV/HS, giữa GV có trình độ chuyên môn hóa sâu và GV kiêm nhiệm; nên bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao trình độ GV và số lượng GV, từ đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng GDTC cho bậc tiểu học.

* Trung học cơ sở:

- Tổng số lượng các trường THCS trên địa bàn TP.HCM là 259 trường, tổng số lớp là 8.622, tổng số HS là 341.809, tổng số GV là 985; trong đó số GV có trình độ sau ĐH 05 người, chiếm tỷ lệ 0,51%; số GV có trình độ ĐH 480, chiếm tỷ lệ 48,73%; số GV có trình độ CĐ là 500, chiếm tỷ lệ 50,76%; số GV có trình độ trung cấp là 20, chiếm tỷ lệ 2,03%. Như vậy, một GV phải dạy 347 HS. Điều này cho thấy sự mất cân đối giữa tỷ lệ GV/HS, nên bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao trình độ GV và số lượng GV, để góp phần nâng cao chất lượng GDTC cho bậc THCS tại TP.HCM.

* Phổ thông trung học:

- Tổng số lượng các trường THPT trên địa bàn TP.HCM là 188 trường, tổng số lớp là 5.203, tổng số HS là 175.419, tổng số GV là 821; trong đó số GV có trình độ sau ĐH 12 người, chiếm tỷ lệ 1,46%; số GV có trình độ ĐH 786, chiếm tỷ lệ 95,74%; số GV có trình độ CĐ là 03, chiếm tỷ lệ 0,37%;. Như vậy, một GV phải dạy 214 HS. Điều này cho thấy sự khác biệt giữa trình độ GV so với các bậc học khác. GV có trình độ ĐH và sau ĐH có số lượng lớn và chiếm tỷ lệ cao. Đảm bảo thực hiện đúng theo quy chuẩn về trình độ GV TDTT dạy ở các trường THPT. Tuy nhiên số lượng GV có trình độ Sau ĐH chỉ đạt 1,46%, đây là tỷ lệ thấp, cần gấp rút đào tạo để bổ sung nguồn GV có trình độ sau ĐH, nhằm góp phần nâng cao chất lượng GDTC cho bậc THPT tại TP.HCM.

Tóm lại: Qua kết quả khảo sát về nguồn lực cán bộ giáo viên TDTT trên học sinh, sinh viên cho thấy: có sự mất cân đối lớn giữa hai bậc học: Tiểu học và THPT. Ở bậc Tiểu học một GV dạy quá nhiều HS (1/700) trong khi đó ở bậc THPT một GV chỉ dạy 214 HS; GV kiêm nhiệm ở bậc Tiểu học chiếm tỷ lệ cao (84%) trong khi đó ở bậc THPT không có GV kiêm nhiệm, về trình độ của GV ở bậc THPT đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD & ĐT; trong khi đó ở bậc tiểu học chỉ đạt 59,23% nhưng đa số GV này không phải tốt nghiệp chuyên ngành TDTT.

Đánh giá chung:

* Ưu điểm:

- Tổng số trường trên địa bàn TP.HCM là 945 trường, số lượng trường hiện nay tăng 247 trường.

- Số lượng các trường tiểu học, THCS, THPT, thực hiện chương trình chính khóa theo quy định của Bộ GD-ĐT đều đạt tỷ lệ 100%. Với kết quả này chứng tỏ có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong ngành Giáo dục và Đào tạo; đặc biệt Ban Giám hiệu các trường đã thực hiện tương đối đầy đủ về các quy định GDTC chính khóa và ngoại khóa trong các cấp học.

- Nhiều trường học đã tổ chức được các giờ tập ngoại khóa cho học sinh, sinh viên, bên cạnh đó còn tổ chức được các giải thi đấu Thể thao để đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất và Thể thao trong trường học.

- Phong trào Thể thao học đường của TP luôn đứng đầu cả nước. Hệ thống giải vô địch học sinh tổ chức hàng năm thu hút trên 10.000 học sinh tham gia. Đoàn Thể thao học sinh TP tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần VIII năm 2012 (đạt 210 HCV, 74 HCB, 77 HCĐ), lần VIII năm 2016 (đạt 342 HCV, 224 HCB, 174 HCĐ), đều giành được vị trí nhất toàn đoàn cả về điểm lẫn huy chương.

- Về số lượng giáo viên và trình độ chuyên môn của GV TDTT trong các các năm gần đây tăng lên, đến nay là 2.581 giáo viên (không kể các trường ĐH, CĐ - THCN), đa số GV có trình độ đạt chuẩn theo quy định ở các bậc học. Số GV TDTT ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông tương đối đầy đủ, việc phân bố giáo viên căn cứ vào định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên cơ sở số lớp, số học sinh. Riêng ở bậc tiểu học không có định mức biên chế cho giáo viên thể dục (Thông tư 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV), do đó số lượng học sinh trên 01 giáo viên bậc tiểu học vẫn còn cao: 1 GV dạy 700 học sinh.

- Chất lượng, trình độ giáo viên TDTT đã được cải thiện, số cán bộ được đào tạo tại các trường đã tăng lên, số giáo viên TDTT kiêm nhiệm đã giảm đáng kể ở tất cả các cấp học (riêng đối với bậc tiểu học còn chiếm tỷ lệ cao 84%). Các trường đại học, cao đẳng và THPT không có giáo viên kiêm nhiệm giảng dạy.

- Những môn học bắt buộc trong chương trình GDTC hoặc các môn thi đấu trong chương trình thi đấu Olympic, các loại hình Thể thao giải trí có số lượng học sinh chọn lựa lớn hơn các môn Thể thao khác, đối tượng nam nữ chọn lựa các môn tập luyện không đồng nhất ở tất cả các cấp học. Điều này cho thấy nhu cầu ham thích tập luyện TDTT của đối tượng học sinh là rất lớn, rất phong phú, đa dạng...

- Cơ sở vật chất dành cho hoạt động TDTT cũng được cải thiện, các trường đều có sân tập cho học sinh, sinh viên. Diện tích đất dùng cho các công trình Thể thao các sân tập xi măng, nhà tập, CLB, bể bơi cũng được cải thiện, trang thiết bị tập luyện các môn thể thao đã được trang bị đầy đủ hơn so với giai đoạn trước.

*Hạn chế, yếu kém:

- TDTT trường học còn nhiều hạn chế, số lượng giáo viên TDTT, giáo dục thể chất chưa đáp ứng đủ yêu cầu gia tăng về quy mô và tốc độ phát triển trường, lớp; các trường tiểu học không có giáo viên giáo dục thể chất; cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TDTT trong nhà trường còn thiếu hoặc không đồng bộ, các trường trung học, cao đẳng, đại học còn thiếu sân bãi, cơ sở luyện tập phục vụ cho hoạt động TDTT.

- Về nhận thức của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục: Tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn còn một số ít người xem thể dục là môn phụ.

- Một số trường học, vì những lý do khác nhau, vẫn chưa thực hiện đầy đủ số tiết chính khóa tự chọn theo chương trình cải tiến công tác giảng dạy thể dục mà Bộ GD-ĐT quy định, việc tổ chức các hoạt động thể dục ngoại khóa, thi đấu Thể thao còn ít, mục đích và yêu cầu giáo dục chưa được đề cao. Vì vậy, chưa thu hút được học sinh, phần lớn học sinh tham gia việc tập luyện ngoại khóa chủ yếu vẫn mang tính tự phát.

- Đội ngũ giáo viên chuyên trách TDTT vẫn còn thiếu so với số lượng học sinh, 01 giáo viên phải dạy bình quân trên 400 học sinh.

- Trình độ giáo viên TDTT ở các trường là không đồng đều, ít cập nhật và bồi dưỡng kiến thức nên vẫn bị hạn chế về năng lực và trình độ chưa phù hợp với xu thế và yêu cầu phát triển của xã hội.

- Diện tích đất dành cho TDTT tuy đã được cải thiện, song thực tế vẫn còn thiếu so với nhu cầu và quy định của Bộ GD&ĐT như: Diện tích đất bình quân tính theo đầu người thực tế đạt mức cao nhất là 1,5m2/HS và thấp nhất là 0,68 m2/HS, trong khi quy định là 2 m2/học sinh phổ thông và 4 m2/sinh viên. Diện tích đất TDTT được đầu tư xây dựng cũng tăng lên, nhưng thực tế các cấp học, cấp tiểu học và THCS đạt tỷ lệ thấp (bậc tiểu học 1HS/0,96 m2, cấp THCS 1HS/1,73 m2). Với diện tích đất dành cho TDTT trường học ở các cấp học là chưa đảm bảo, cần phải đầu tư quỹ đất cho công tác GDTC, Thể thao trường học.

- Trang thiết bị dụng cụ tập luyện chưa hiện đại, chưa đáp ứng nhu cầu của người học cả về số lượng và chất lượng (ngoại trừ các trường quốc tế).

- Chất lượng giờ thể dục chính khóa nhìn chung chưa cao, đặc biệt thiếu các hình thức, nội dung và phương pháp dạy học theo hướng tích cực, chưa kích thích được các đối tượng HS tham gia tự giác tập luyện. Nhiều nơi tiết dạy còn mang tính hình thức, lượng vận động của giờ thể dục thấp, nội dung tập luyện đơn điệu dễ gây sự nhàm chán, mệt mỏi cho học sinh.

* Nguyên nhân:

- Các văn bản quy phạm pháp luật về tăng cường giáo dục thể chất cho học sinh đã được ban hành nhưng chưa đạt hiệu lực, hiệu quả theo yêu cầu.

- Mặc dù đã có những văn bản, Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương về việc đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất trong học đường. Song thực tế chúng ta chưa tổ chức được nhiều cuộc hội thảo, báo cáo chuyên đề, triển khai các kết quả nghiên cứu khoa học có liên quan đến việc phát triển thể chất cho học sinh một cách quy mô từ cấp TP đến cơ sở, nhằm quán triệt một cách đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phát triển TDTT học đường từ các cấp lãnh đạo cho đến các cán bộ giáo viên trong nhà trường.

- Thiếu việc kiểm tra đôn đốc trong công tác GDTC của các trường, nên việc thực hiện chương trình giáo dục thể chất còn mang tính hình thức.

- Kinh phí dùng cho mua sắm trang thiết bị dụng cụ tập luyện cũng như đầu tư xây dựng cơ sở vật chất (sân bãi, nhà tập...) còn thiếu, chưa đạt tiêu chuẩn về quy cách và chất lượng.

- Để nâng cao trình độ cho đội ngũ GV TDTT ở các trường cần phải có kế hoạch, quy hoạch chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ở từng cấp, có quy định trình độ giảng dạy theo từng cấp học. Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng để nâng cao trình độ kiến thức cho đội ngũ giáo viên TDTT.

*Bài học kinh nghiệm:

- Sở Giáo dục và Đào tạo cần thường xuyên kiểm tra đôn đốc và giúp đỡ các trường thực hiện đúng và đầy đủ các văn bản hướng dẫn việc thực hiện giờ học môn thể dục (bắt buộc và tự chọn). Phải xem đây là một hình thức giúp nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong trường học, thực hiện tốt mục tiêu nâng cao thể trạng và tầm vóc của người Việt Nam.

- Sở Giáo dục và Đào tạo cần chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức các cuộc hội thảo, mở các lớp tập huấn về công tác GDTC trong các trường học theo từng cấp học, để quán triệt về mặt nhận thức cho các cán bộ quản lý giáo dục cũng như chính bản thân giáo viên thể dục.

- Sở Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng xây dựng chương trình môn học TD theo từng cấp học và sớm ban hành để các trường thực hiện; đặc biệt đối với ngoại khóa và tự chọn.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác GDTC tại các trường trực thuộc.

- Tùy theo điều kiện từng trường, trước mắt cần đầu tư có trọng điểm về trang thiết bị, dụng cụ cũng như sân bãi tập luyện một vài môn thể thao cho từng trường.

- Cần xây dựng quy hoạch chỉ tiêu cán bộ cho từng trường và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các trường. Phấn đấu đến năm 2020 mỗi trường phải có ít nhất 2-5 giáo viên TD chuyên trách.

3. Thực trạng hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang.

Hoạt động thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang: Ngành TDTT đã ký liên tịch phối hợp với Công an TP, Bộ đội Biên phòng và Bộ Tư lệnh TP từng giai đoạn đã quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra rèn luyện thể lực đối với toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong độ tuổi kiểm tra theo quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an; chủ động thành lập các Câu lạc bộ, đội tuyển Thể thao để tham gia thi đấu Đại hội Khỏe “Vì An ninh Tổ quốc” và các giải thi đấu Thể thao do Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Quốc phòng và các sở, ban ngành TP tổ chức.

Bảng 10. Thực trạng hoạt động TDTT trong LLVT (đính kèm Phụ lục).

Qua kết quả thu thập điều tra bằng phiếu cho thấy cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang tham gia tập luyện Thể thao thường xuyên đạt 100%, tỷ lệ này đồng nghĩa với tiêu chí đạt chuẩn về chiến sĩ khỏe. Tỷ lệ nữ tham gia tập luyện TTTX và đạt tiêu chuẩn chiến sĩ khỏe đạt 100%, đây là số liệu tương đối chính xác, song chỉ là số liệu tham khảo vì đối với hai lực lượng Công an và Quân đội thuộc lĩnh vực bí mật quốc gia.

Đối với quân đội, trên địa bàn TP.HCM có Trung tâm TDTT Quốc phòng II. Lực lượng vũ trang Quân khu 7 đầu tư phát triển 9 bộ môn Thể thao thành tích cao (Xe đạp, Quần vợt, cầu lông, Pencak Silat, Taekwondo, Võ cổ truyền, Vovinam, Quyền Anh, Judo). Lực lượng huấn luyện viên gồm 57 người (25 HLV tuyến 1, 20 HLV tuyến 2 và 12 HLV tuyến 3) đã góp phần tuyển chọn và đào tạo nhiều VĐV mạnh cho Thể thao Quân đội, trong đó, có nhiều VĐV võ thuật đẳng cấp quốc tế và khu vực.

Cơ sở vật chất trong lực lượng vũ trang.

- Cơ sở vật chất trong lực lượng Quân đội Nhân dân.

Bảng 11. Cơ sở vật chất trong Quân đội (đính kèm Phụ lục)

Qua điều tra khảo sát về cơ sở vật chất, công trình Thể thao phục vụ trong Quân đội tổng diện tích đất phục vụ cho hoạt động thể thao là 138.265 m2, số công trình này phục vụ một số môn phổ biến và thông dụng như: Bóng đá, Bóng chuyền, Điền kinh, Bóng bàn, Bơi lội...., nhằm rèn luyện và nâng cao thể chất cho chiến sĩ lực lượng quân đội, thực hiện nhiệm vụ khỏe để xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

- Cơ sở vật chất trong lực lượng Công an nhân dân.

Bảng 12. Cơ sở vật chất trong Công an (đính kèm Phụ lục).

Qua điều tra khảo sát về cơ sở vật chất, công trình thể thao phục vụ trong công an, tổng diện tích phục vụ cho hoạt động thể thao là 45.140 m2 số công trình này phục vụ một số môn phổ biến và thông dụng như: Bóng đá, Bóng chuyền, cầu lông, Bóng bàn...., nhằm rèn luyện và nâng cao thể chất cho chiến sĩ lực lượng công an, thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, duy trì tốt mối quan hệ trong cộng đồng xã hội, góp phần hình thành nhân cách đạo đức, lối sống, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế văn hóa, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Số lượng các giải thi đấu trong lực lượng vũ trang.

Bảng 13. Thực trạng thi đấu năm 2019 của Công an (đính kèm Phụ lục).

- Số cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Quân đội tham gia thi đấu các giải trong và ngoài lực lượng: Trong lực lượng hàng năm tổ chức 8 giải, số người tham gia là 4.370, ngoài lực lượng là 2 giải, số người tham gia là 770.

- Số cán bộ trong lực lượng Công an tham gia thi đấu các giải trong và ngoài lực lượng, trong lực lượng hàng năm tổ chức 9 giải, số người tham gia là 4.241, ngoài lực lượng 1 giải, số người tham gia là 300.

Vì an ninh quốc gia, các số liệu trên chỉ mang tính chất tham khảo.

4. Đánh giá chung về thực trạng phát triển TDTT cho mọi người của TP.HCM:

Phong trào TDTT quần chúng tiếp tục phát triển theo hướng xã hội hóa, với nhiều hoạt động đa dạng, chất lượng phong trào ngày càng được nâng cao.

*Người tập luyện TDTT-TX TP qua các năm 2015 - 2020:

- Qua số liệu báo cáo về chỉ tiêu phát triển ngành TDTT thông qua NTL TDTT TX cho thấy: Phong trào tập luyện TDTT cho mọi người tiếp tục được duy trì và phát triển sâu rộng, thông qua cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; công tác tổ chức và tham dự Đại hội TDTT lần thứ VII; VIII, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên trong toàn TP tăng lên đáng kể. Công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT đã từng bước đạt hiệu quả và thu hút được sự quan tâm đầu tư của xã hội. Phong trào Thể thao trường học được duy trì và phát triển mạnh. Ngành TDTT xây dựng kế hoạch phát triển ngành có căn cứ trên cơ sở các tiêu chí về người tập luyện TTTX, gia đình Thể thao, CLB..., phù hợp với định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.

- Phong trào TDTT cho mọi người ở TP.HCM trong những năm qua đã có bước phát triển tốt. Sự phát triển ổn định về số người tham gia tập luyện TDTTTX của TP là cơ sở nền tảng cho việc xác lập Đề án phát triển ngành TDTT TP.HCM từ nay đến năm 2035, đồng thời có cơ sở dữ liệu khoa học để đáp ứng chương trình phát triển TDTT cho mọi người một cách vững chắc trong những năm tiếp theo.

*Người tập luyện TDTTTX theo địa giới, giới tính, lứa tuổi:

- Với số NTL TDTTTX của TP.HCM chiếm tỷ lệ bình quân 31% (nguồn điều tra bằng phiếu) cho thấy số liệu thu thập được đã phản ánh tính chính xác và độ tin cậy giữa sự phân bố người tập luyện thường xuyên theo địa giới, giới tính, lứa tuổi. Các khu vực tập trung dân cư đông, vùng đô thị, có vị trí địa lý thuận lợi, điều kiện kinh tế phát triển nhanh, có nhiều khu công nghiệp đóng trên địa bàn, khu vực giáp với tỉnh Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Đồng Nai có số NTL TDTTTX cao hơn. Nhu cầu ham thích tập luyện thể thao ở các đơn vị quận, huyện và các vùng ven đã tăng lên đáng kể. Phong trào tập luyện TDTT đã phát triển lớn mạnh qua từng năm đặc biệt từ năm 2015 đến nay.

- Số NTL TDTTTX giữa nam và nữ có sự khác biệt, ở những vùng ven đối tượng nam chiếm tỷ lệ cao hơn nữ. Điều này cho thấy: Ở nữ, khu vực vùng ven chưa có điều kiện và thời gian để tham gia tập luyện TDTT (thu nhập bình quân đầu người thấp so với các trung tâm đô thị). Vì vậy các cấp các ngành ở cơ sở cần có sự tuyên truyền sâu rộng về ý thức tham gia tập luyện TDTT và tạo điều kiện thuận lợi để giới nữ được tập luyện TDTT.

- Về lứa tuổi có sự khác biệt lớn giữa dưới 30 tuổi, trên 30 tuổi và trên 60 tuổi. Như vậy cho thấy nhân khẩu Thể thao trẻ chiếm đa số, đây là điều kiện tốt để phát triển phong trào TDTT quần chúng và Thể thao thành tích cao trong tương lai.

- Về giới tính: Nam chiếm 65.1%, Nữ 34,9% là phù hợp, về loại hình Thể thao có sự chênh lệch lớn; thể dục buổi sáng, môn TDTT sức khỏe và môn Thể thao khác chiếm tỷ lệ cao hơn các loại hình khác.

*Số người tập luyện TDTTTX theo đối tượng:

- Đối tượng CNVC chiếm tỷ lệ cao trong số lượng NTL TDTTTX toàn TP. Điều đó thể hiện phong trào TDTT CNVC của TP có chiều hướng phát triển tăng theo tỷ lệ thuận với NTL TDTTTX.

Cán bộ CNVC là những người có ý thức tổ chức kỷ luật, có tri thức và có am hiểu tác dụng, giá trị của việc tập luyện TDTT.

Cán bộ CNVC sinh hoạt có tổ chức, đồng thời tham gia hoạt động TDTT là một trong những tiêu chí thi đua của đoàn viên Công Đoàn (mỗi người tập ít nhất 1-2 môn Thể thao).

Các Sở, ban ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức các hoạt động Thể thao thông qua các kế hoạch liên tịch giữa Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM.

Nguồn thu nhập của cán bộ CNVC ổn định.

Có thời gian nhàn rỗi sau giờ hành chính.

Số người tập luyện TDTT thường xuyên theo môn Thể thao rất phong phú và đa dạng, tuy nhiên cũng giống nhiều tỉnh thành khác; số người tham gia đông ở các môn thể thao truyền thống như Bóng đá, Bóng chuyền, cầu lông, chạy bộ, Yoga...

- Đối với lực lượng vũ trang: Đây là lực lượng có tổ chức kỷ luật cao nhất, để đạt được tiêu chuẩn “Chiến sĩ khỏe”, việc rèn luyện sức khỏe và tham gia tập luyện Thể thao là yêu cầu bắt buộc. Mỗi chiến sĩ phải tham gia tập luyện một đến hai môn Thể thao. Đại bộ phận trong lực lượng vũ trang đều tập hợp những thanh niên có sức khỏe, có thể lực cường tráng để tham gia vào việc đảm bảo an ninh trật tự xã hội, giữ gìn biên cương bờ cõi quốc gia, thực hiện phương châm “Khỏe để xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, hàng năm đều tổ chức, phối hợp tổ chức hội thao và các giải Thể thao từ cấp quận, huyện, quân khu, quân đoàn...

- Đối với nông dân: Đại bộ phận là nhiệt tình, cần cù, hăng say lao động. Trong những năm gần đây, các tổ chức như Hội khuyến nông, Hội nông dân địa phương kết hợp liên tịch giữa các ban ngành đoàn thể thường xuyên tổ chức các giải Thể thao nông dân, từ cơ sở, quận, huyện, khu vực và toàn quốc, nhiều hoạt động TDTT sôi nổi, rộng khắp là điểm tựa vững chắc cho việc phát triển phong trào thể thao nông dân ở cơ sở. Số người TLTTTX đông tập trung ở các quận vùng ven, huyện ngoại thành.

- Số người tập luyện TTTX trong học sinh chiếm tỷ lệ bình quân trên 10%, đây là tỉ lệ cao hơn so với các đối tượng khác. Qua số liệu cho thấy lãnh đạo các đơn vị trường học thường xuyên quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho học sinh tham gia hoạt động TDTT một cách có hệ thống, nề nếp, đảm bảo thời lượng chương trình, kế hoạch giảng dạy nội, ngoại khóa đúng theo quy định hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Từ đó đã tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dạy và học của học sinh.

- Đối với lực lượng buôn bán tự do: Số NTL TDTTTX chiếm tỷ lệ bình quân không cao. Chỉ tập trung đông ở các đơn vị trung tâm TP chiếm tỷ lệ cao hơn các khu vực vùng ven...

- Số NTL TDTTTX theo môn Thể thao chiếm tỷ lệ rất cao ở những môn Thể thao truyền thống như: Bóng đá, Điền kinh, Bơi lội, Thể dục dưỡng sinh, cầu lông, Bóng chuyền, các môn còn lại có tỷ lệ thấp hơn. Riêng môn Bóng đá là môn phổ biến, được nhiều người ưa thích và tham gia chiếm tỉ lệ bình quân là trên 10% cao hơn các môn Thể thao khác. Môn Bóng chuyền là môn dễ chơi, được nhiều người tham gia, đặc biệt là đối với lực lượng thanh niên không chỉ ở thành thị mà ngay cả nông thôn vùng sâu. Môn Điền kinh là môn Thể thao có nhiều nội dung tập luyện, hình thức đa dạng và phong phú, được quy định bắt buộc phải tham gia tập luyện đối với học sinh các trường và các cấp học (chạy, nhảy, ném). TP.HCM có số người tham gia tập luyện theo môn Thể thao nhiều hơn và cao hơn các địa phương khác.

- Thông qua đánh giá thực trạng hệ thống thi đấu của TP.HCM so với các tỉnh thành khác, cho thấy số lượng tổ chức, số môn, số đối tượng tham gia luôn cao hơn các tỉnh thành khác.

*Hạn chế, yếu kém:

Phong trào TDTT cộng đồng còn nặng tính tự phát, chưa định hướng theo địa bàn dân cư, đối tượng nhân dân, loại hình luyện tập; điều kiện tập luyện còn nhiều khó khăn và không đồng đều ở các địa phương, nhất là ở các quận mới, huyện ngoại thành.

- Căn cứ vào vị trí địa lý của TP.HCM là TP có diện tích lớn, nên sự tập trung đầu tư cho các hoạt động TDTT còn dàn trải, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã chú trọng đầu tư, song hiệu quả chưa cao, chưa có điều kiện tiếp cận với các môn Thể thao mới. Chỉ mới tập trung phát triển các môn Thể thao truyền thống: Bóng đá, Bóng chuyền, Điền kinh, Cờ tướng, các môn Thể thao dân tộc và các loại hình thể dục đơn giản. Các môn Thể thao giải trí chưa được phát triển mạnh như: Sport Aerobic, Thể dục thể hình, Yoga, Xe đạp...

- Về giới tính, ở nữ tham gia Thể thao còn thấp, chưa có điều kiện tập luyện TDTT, nhận thức về Thể thao còn yếu, đặc biệt là ở vùng ven.

- Sự phân bố về lứa tuổi tập luyện TTTX chưa đồng đều, tỉ lệ bình quân người tập luyện TTTX ở các lứa tuổi chênh lệch quá cao giữa dưới 30 tuổi, trên 30 tuổi và trên 60 tuổi.

- Về đối tượng: Học sinh, CBCNVC, LLVT: Có điều kiện tham gia tập luyện TTTX bởi ngoài nhận thức được ý nghĩa, giá trị và tác dụng của Thể thao, hiểu biết, ham thích tập luyện Thể thao. Ngoài ra còn chịu sự tác động điều chỉnh bởi chính sách cơ chế quy định ràng buộc tham gia tập luyện Thể thao. Riêng với nông dân và lực lượng buôn bán tự do việc tham gia tập luyện mang tính tự phát, nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích của hoạt động TDTT. Vì vậy người tập luyện TTTX ở đối tượng này còn thấp, cơ sở vật chất còn thiếu. Nông dân do tính chất hoạt động nghề nghiệp theo thời vụ nên không tham gia tập luyện thường xuyên, liên tục; mặt khác do những tác động bởi điều kiện thời tiết, môi trường đã làm ảnh hưởng đến số lượng người tham gia tập luyện TTTX của các đối tượng này.

- Cơ sở vật chất tập luyện TDTT chưa đáp ứng đúng quy chuẩn, sân bãi dụng cụ chưa được nâng cấp, hiện trạng sử dụng là trên dưới 50%.

- Thu nhập bình quân đầu người của các đối tượng có sự khác biệt rõ ở các khu vực trung tâm, quận, huyện và các đối tượng ngành nghề.

- Các nội dung và hình thức tổ chức hoạt động TDTT chưa đa dạng, phong phú. Chưa khai thác thế mạnh các môn Thể thao mới ở từng khu vực, địa bàn dân cư. Đặc biệt các môn truyền thống

- Thông tin tuyên truyền cho các hoạt động Thể thao còn yếu, chưa tạo ấn tượng cho người dân.

* Những nguyên nhân:

- Trước hết là do vẫn còn một số ít cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của TDTT và trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác TDTT; Nhà nước chưa kịp thời bổ sung, sửa đổi chế độ, chính sách nhằm khuyến khích phát triển TDTT; đầu tư cơ sở vật chất TDTT còn hạn chế, trong khi đó ngành TDTT chậm đổi mới cơ chế quản lý để đẩy mạnh công tác xã hội hoá TDTT.

- Sự phối hợp liên ngành giữa ngành TDTT với Sở Giáo dục và Đào tạo và các ngành, các đoàn thể chưa chặt chẽ, phương thức tổ chức và quản lý TDTT chưa linh hoạt, chưa phát huy vai trò của các ngành, các địa phương.

- Một số Liên đoàn TDTT mới thành lập chỉ có hình thức, chưa có thực lực nên vẫn dựa vào Nhà nước. Tính chủ động và trách nhiệm của một số Liên đoàn Thể thao còn yếu chưa phát huy được nguồn lực của xã hội.

- Ý thức của người dân trong việc tham gia tập luyện TDTT nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật, hạn chế các tệ nạn xã hội... chưa cao.

- Cán bộ TDTT được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn nhưng chỉ làm công tác TDTT tạm thời, không ổn định do luân chuyển điều động theo yêu cầu công tác của từng đơn vị.

- Thông tin tuyên truyền chưa được thường xuyên và rộng khắp.

- Chưa có chính sách khuyến khích động viên khen thưởng kịp thời.

Từ những nguyên nhân trên chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm sau:

* Những bài học kinh nghiệm:

- Các cấp ủy Đảng, Chính quyền và Đoàn thể cần quan tâm đến các hoạt động TDTT, xem đây là một nhu cầu cần thiết đối với mọi người dân nhằm mục đích nâng cao thể trạng tầm vóc và chất lượng cuộc sống của quần chúng nhân dân. Nếu được như vậy, phong trào thể thao sẽ phát triển mạnh, cân đối đồng bộ. Đặc biệt đối với nữ, số NTL TDTTTX chiếm tỷ lệ thấp. Vì vậy cần phải có sự tác động chỉ đạo của các cấp, các ngành, đoàn thể, đây là việc làm phù hợp với chính sách bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước ta, góp phần nâng cao mức hưởng thụ TDTT của nữ ở các khu vực nội ngoại thành.

- Các cấp ủy Đảng, các tổ chức xã hội chính trị, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần quán triệt và thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, chương trình hành động của Đảng và Nhà nước về TDTT. Nếu làm tốt thì phong trào sẽ phát triển lớn mạnh.

- Phải có chương trình, đề án, kế hoạch, chiến lược phát triển loại hình Thể thao quần chúng, Thể thao trường học, tuyển chọn và đào tạo VĐV cấp cao, phát triển các điều kiện đảm bảo, lựa chọn và đầu tư các môn Thể thao mũi nhọn, phù hợp với truyền thống của đơn vị, của từng khu vực địa bàn trong toàn TP.

- Các tổ chức xã hội như: Liên đoàn, CLB, hội Thể thao...hoạt động tích cực, sinh hoạt thường kỳ, có phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng thành viên, sau các hoạt động có sơ kết, tổng kết, đánh giá, khen thưởng và rút kinh nghiệm để đưa phong trào Thể thao phát triển mạnh.

- Thực hiện tốt Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và TDTT; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

- Bộ máy tổ chức của các đơn vị phải được duy trì và ổn định.

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi về phương pháp, phương tiện tập luyện và các điều kiện đảm bảo khác để giúp cho mọi người hiểu biết và tham gia TDTT (gia đình Thể thao và tập luyện Thể thao suốt đời).

- Công tác thông tin tuyên truyền thường xuyên sẽ góp phần tác động vào nhận thức đúng đắn về giá trị và tầm quan trọng của việc tham gia tập luyện TDTT.

- Phong trào TDTT trong tất cả các đối tượng muốn phát triển lớn mạnh, trước tiên cần sự quan tâm, đầu tư toàn diện của lãnh đạo các đơn vị và thực hiện kế hoạch liên tịch với các ngành từ TP, quận, huyện và cơ sở. Đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo tích cực của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, trong việc đầu tư xây dựng, cải tạo khu công viên cây xanh, khu đô thị gắn với các loại hình, dụng cụ tập luyện Thể thao đơn giản. Nếu làm tốt điều này phong trào TDTT trong TP.HCM nói chung và các đơn vị nói riêng sẽ phát triển đồng bộ, lớn mạnh và vững chắc trong tương lai.

II. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO VÀ THỂ THAO CHUYÊN NGHIỆP.

1. Thực trạng phát triển lực lượng VĐV thành tích cao:

Với hiện trạng TP đang đào tạo 2.850 chỉ tiêu gồm 614 huấn luyện viên và 2.236 vận động viên ở 45 môn/phân môn Thể thao, được chia thành 4 tuyến đào tạo, gồm: Dự tuyển, năng khiếu tập trung, năng khiếu dự bị tập trung và năng khiếu trọng điểm.

Bảng 14. Về Thể thao thành tích cao năm 2019 (đính kèm Phụ lục).

- Qua bảng VĐV được quận - huyện cung cấp cho thấy, số lượng VĐV cấp TP được đào tạo ban đầu ở quận - huyện là 1.828 VĐV (1.043 nam, 785 nữ), nguồn kinh phí đầu tư chủ yếu là của TP. Với số lượng phân bổ các môn TDTT ở quận, huyện là không đồng đều: các môn được chọn trong chương trình thi đấu Olympic và các môn Thể thao truyền thống, thể mạnh của TP được tập trung đầu tư như: Điền kinh, Bơi lội - Lặn, Bóng rổ, Taekwondo, Vovinam, Judo, Cờ vua, các môn khác..., các môn còn lại kết hợp đầu tư giữa Nhà nước và nhân dân (xã hội hóa) như môn đua ghe, Billiards, Xe đạp, Aerobic, Bóng đá ... Tỷ lệ giữa VĐV/NTLTTTX đạt tỷ lệ 0,09%

Bảng 15. Số lượng VĐV nam, nữ trong từng môn Thể thao năm 2019 (đính kèm Phụ lục).

Qua bảng Số lượng VĐV nam, nữ trong từng môn thể thao phân bổ theo quận, huyện cho thấy, tổng số lượng 1.941 VĐV (Trong đó 1.158 VĐV nam, 783 VĐV nữ) được đầu tư đào tạo ở các quận, huyện (nguồn kinh phí quận, huyện), sự phân bổ các môn không đồng đều như: Bóng đá, Điền kinh, Bơi lội - Lặn, Bóng rổ, Judo, Taekwondo, Vovinam và các môn Thể thao khác có số lượng VĐV lớn hơn ở các môn thể thao còn lại.

2. Thực trạng về thành tích thể thao của VĐV:

Qua kết quả điều tra cho thấy thành tích của VĐV đạt được từ 2015-2019 phát triển không đều, có những năm đạt thành tích cao và có năm thành tích sụt giảm, điều này hoàn toàn phù hợp với quá trình phát triển Thể thao thành tích cao của TP.HCM.

Đối với TP.HCM số lượng VĐV được đào tạo theo 4 tuyến (VĐV trọng điểm ban đầu, năng khiếu dự bị tập trung, năng khiếu tập trung và dự tuyển). Ngoài ra còn có một số VĐV được tuyển chọn tài năng thể thao gửi đi đào tạo ở một số nước, vì vậy số lượng VĐV của TP không đồng nhất: Số VĐV của TP hiện nay là 2.236 VĐV (trong đó, số lượng VĐV của quận, huyện cung cấp cho TP là 1.828 VĐV); ngoài ra còn có 1.941 VĐV quận, huyện quản lý (kinh phí quận, huyện). Do vậy số lượng VĐV các môn Thể thao của TP cũng mang tính đặc thù riêng không giống các địa phương khác.

Số huy chương đạt được từ năm 2015 - 2019 trên số VĐV tỷ lệ không đồng nhất. Đặc biệt số lượng huy chương tăng cao trong năm 2019.

Về đẳng cấp VĐV ở các cấp Kiện tướng, cấp 1 phân bổ không đồng đều, cấp kiện tướng.

Về VĐV cấp 1 số lượng VĐV phân bổ không đồng đều, cấp 1 thấp điều này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn công tác đào tạo VĐV các tuyến của TP.HCM về số huy chương đạt được trên VĐV.

3. Thực trạng hệ thống, quy trình đào tạo VĐV.

Ngày nay, việc ứng dụng cơ chế thị trường trong nền kinh tế Việt Nam, khuyến khích sự cạnh tranh, kích thích nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng tích cực. Sự đổi mới này đã dẫn đến những khởi sắc nổi bật không những cho nền kinh tế mà còn cho cả cho đời sống xã hội, trong đó có hoạt động TDTT.

Dưới góc độ phát triển của thể thao đỉnh cao, việc cần quan tâm tập trung là đầu tư cao độ theo hướng chuyên nghiệp hóa trong công tác đào tạo, huấn luyện VĐV. Mục tiêu chủ yếu của sản phẩm chuyên nghiệp hóa tạo ra là thành tích Thể thao thông qua các nhân vật chính trên đấu trường - Vận động viên; họ phấn đấu vì mục tiêu cao đẹp của phong trào Olympic trong các cuộc thi đấu trung thực, công bằng về điều kiện, về thể lực và trong không gian hòa bình, hữu nghị. Thể thao đã góp phần phát triển xã hội loài người, mang lại lợi ích xã hội vì hòa bình, hữu nghị và hợp tác của các dân tộc trên toàn thế giới. Thể thao còn là phương tiện giáo dục hữu hiệu nhằm bồi dưỡng và rèn luyện nhân cách, đạo đức, tác phong mà đặc biệt là lòng dũng cảm, ý chí phấn đấu, kiên trì, tinh thần kỷ luật, óc sáng tạo, thẩm mỹ, hướng tới cái hay, cái đẹp cho con người trong cuộc sống xã hội.

Từ những năm đầu thập niên 90, hệ thống đào tạo vận động viên ở TP.HCM được xây dựng dựa trên cơ sở của qui luật phát triển thành tích Thể thao, là quá trình huấn luyện nhiều năm được chia thành các giai đoạn có đặc trưng, là hệ thống liên tục và kế thừa, ứng dụng, tổng hợp các phương pháp phân chia giai đoạn của quá trình đào tạo vận động viên phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh ở TP.HCM, hệ thống đào tạo vận động viên được chia ra 04 giai đoạn: Huấn luyện sơ bộ, chuyên môn hóa ban đầu, chuyên môn hóa sâu và hoàn thiện thể thao thông qua 4 tuyến đào tạo.

Công tác xây dựng lực lượng vận động viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành TDTT TP.HCM trong những năm vừa qua, hiện nay và ở những năm tiếp theo. Từ những ngày đầu thành lập vào cuối thập niên 70, TP thông qua Trường Nghiệp vụ chỉ đào tạo VĐV năng khiếu 4 môn Thể thao cơ bản: Điền kinh, Thể dục dụng cụ, Bóng đá và Bóng bàn. Đến nay, TP đang đào tạo một hệ thống 4 tuyến với 2.850 HLV, VĐV ở hơn 40 môn và phân môn Thể thao trọng điểm của TP.

Bước vào thế kỷ 21, trong hoàn cảnh khó khăn, thách thức gay gắt, tranh chấp quyết liệt với một số địa phương mới đầu tư một số môn Thể thao trọng điểm đã làm xáo trộn bản đồ Thể thao thành tích cao của cả nước - đó là điều đáng mừng cho Thể thao thành tích cao đất nước bước vào giai đoạn phát triển hòa nhập khu vực và quốc tế. Trong giai đoạn này, TP đã có định hướng chiến lược mới trong đào tạo VĐV Thể thao. Đầu tư các VĐV trưởng thành làm các cán bộ, HLV, đủ năng lực cho TP và quốc gia. Thực hiện nhiệm vụ phối hợp đào tạo con người mới hòa nhập với khu vực, châu Á và thế giới. Thể thao TP đứng đầu cả nước ở các kỳ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, 5 kỳ Đại hội TDTT toàn quốc. Thường xuyên cung cấp cho quốc gia lực lượng cán bộ, HLV, VĐV và thành tích huy chương trong các kỳ SEA Games, Asiad, Olympic.

Nhìn chung, Thể thao TP trong 45 năm qua đã xây dựng một hệ thống đào tạo vận động viên với 4 tuyến kế thừa nhau gồm: Dự tuyển, năng khiếu tập trung, năng khiếu dự bị tập trung và năng khiếu trọng điểm. Mỗi tuyến đào tạo ứng với một giai đoạn huấn luyện phù hợp với quy trình đào tạo khoa học Thể thao, cụ thể:

- Tuyến năng khiếu trọng điểm: Ứng với giai đoạn huấn luyện sơ bộ đến chuyên môn hóa ban đầu.

- Tuyến năng khiếu dự bị tập trung: Ứng với giai đoạn huấn luyện từ chuyên môn hóa ban đầu đến ngưỡng chuyên môn hóa sâu.

- Tuyến năng khiếu tập trung: Ứng với giai đoạn huấn luyện chuyên môn hóa sâu.

- Tuyến dự tuyển: Là giai đoạn hoàn thiện thể thao, là các vận động viên đại biểu TP tham dự các giải thi đấu quốc gia và quốc tế.

Tính hết tháng 4 năm 2020, TP đang đào tạo 2.850 chỉ tiêu gồm 614 HLV và 2.236 VĐV ở 45 môn/phân môn Thể thao, được chia thành 4 tuyến đào tạo như sau:

Bảng 16. Phân bổ các tuyến năng khiếu Thể thao TP (đính kèm Phụ lục).

4. Thực trạng công tác kiểm tra tuyển chọn - giám định trình độ VĐV:

- Hiện nay, hệ thống kiểm tra VĐV do Phòng Khoa học Y học - Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TP phụ trách. Hệ thống kiểm tra chia làm 2 loại: (a) kiểm tra tuyển chọn (tuyển chọn ban đầu, tuyển chọn vào các tuyến) và (b) kiểm tra giám định huấn luyện (đánh giá hiệu quả công tác huấn luyện theo kế hoạch năm, chu kỳ).

- Về hệ thống test: Hiện nay chỉ kiểm tra được 3 nội dung thể lực chung là các test sức nhanh (sử dụng bộ đo tốc độ đoạn), test sức mạnh tối đa (tạ), và test sức bền (YoYo test, beep test). Có thể thấy hệ thống test kiểm tra, đánh giá còn rất hạn chế do thiếu thốn về thiết bị và nhân lực. Chưa đáp ứng được mục tiêu của công tác kiểm tra tuyển chọn và giám định.

- Về khối lượng công việc: Hiện đang có 4 tuyến đào tạo VĐV. Số lượng VĐV theo quy hoạch của 04 tuyến là 2.850, hiện công tác kiểm tra giám định huấn luyện chủ yếu tập chung vào các môn do Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT quản lý, năm 2019 đã tiến hành kiểm tra 1083 VĐV, chiếm 38% tổng số VĐV.

Bảng số 17. Số lượng vận động viên và môn thể thao tham gia kiểm tra năm 2019 (đính kèm Phụ lục).

- Số đợt kiểm tra từng môn trong 1 năm: Tiến hành kiểm tra đầu và cuối chu kỳ huấn luyện năm, chưa thực hiện được theo từng giai đoạn, chu kỳ huấn luyện do số lượng VĐV đông, không đủ nhân lực (kỹ thuật viên).

- Nguồn nhân lực: Phòng KH&YHTT hiện nay có 12 cán bộ (1 trưởng phòng, 4 cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học và huấn luyện thể lực, 1 cán bộ làm nghiên cứu khoa học kiêm hồi phục sau chấn thương, 2 cán bộ thực hiện vật lý trị liệu, 2 cán bộ y học cổ truyền, và 1 bác sĩ), phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.

- Hệ thống thiết bị, máy móc kiểm tra: Rất hạn chế, hiện nay đang có thiết bị đo tốc độ đoạn, các máy tạ, máy đo phản xạ, thiết bị lực bóp tay. Còn một số thiết bị khác như máy đo tuổi xương (đã hư), máy đo acid lactic (chi phí que thử cao, không phù hợp test đánh giá trình độ tập luyện cho tất cả các môn, chỉ phù hợp dùng trong nghiên cứu), một số máy kiểm tra sinh hóa nhưng không còn sử dụng được.

- Hệ thống test giám định nhằm đánh giá hiệu quả của chương trình huấn luyện: Ngoài một số test chuyên môn mang tính chất chủ quan của HLV thì chưa có các biện pháp khoa học đánh giá hiệu quả của quá trình huấn luyện. Do đó, cần thiết phải có các trang thiết bị khoa học để giám định trình độ tập luyện, qua đó đánh giá sự phát triển đối với các tố chất thể lực cũng như các chỉ số y sinh học bên trong cơ thể VĐV. Hiện nay, trang thiết bị khoa học giám định huấn luyện chưa đảm bảo các thiết bị khoa học cơ bản, phần lớn phải mượn ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia TP.HCM và Trường Đại học TDTT TP.HCM.

- Sự phối hợp với HLV trong kiểm tra, giám định: HLV có sự phối hợp trong công tác kiểm tra. Thời điểm kiểm tra được sắp xếp, điều chỉnh theo kế hoạch huấn luyện thực tế của bộ môn, không ảnh hưởng đến kế hoạch tập luyện. Kế hoạch kiểm tra dự kiến đã được thống nhất thông qua kế hoạch huấn luyện năm của từng đội. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp tốt hơn trong xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra, đánh giá... với các chuyên gia, HLV để nâng cao hiệu quả thực tiễn.

- Về quản lý, xử lý, nhập-trích xuất dữ liệu: Chưa có phần mềm quản lý dữ liệu, chủ yếu vẫn thực hiện thủ công từ ghi chép, nhập, xử lý, trích xuất dữ liệu. Do đó rất mất nhiều thời gian, công sức và khả năng sai sót trong kết quả cao.

5. Thực trạng Thể thao chuyên nghiệp tại TP.HCM:

Cơ chế chính sách:

Thực tế cho thấy tại TP.HCM hiện nay chỉ môn Bóng đá được chính thức công nhận là môn Thể thao chuyên nghiệp. Các môn như Bóng rổ, Bóng chuyền, Boxing đang định hướng để phát triển thể thao chuyên nghiệp.

Cơ chế quản lý về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý chuyên môn đối với hoạt động Thể thao chuyên nghiệp chưa có sự thống nhất, chưa quản lý đồng bộ.

Kiểm duyệt chương trình huấn luyện huấn luyện của HLV cũng như đánh giá trình độ VĐV chưa có quy trình rõ ràng, thiếu khoa học. Chưa ban hành được bộ tiêu chí tuyển chọn và đánh giá VĐV ở các nhóm lứa tuổi.

Bảng 18. Thực trạng cơ chế chính sách, quản lý thể thao chuyên nghiệp ở TP.HCM (đính kèm Phụ lục).

Số trận thi đấu, tập luyện trong và ngoài nước của các đội rất hạn chế, thiếu tính cọ sát.

Hoạt động của các hội cổ động viên chủ yếu tự phát, chưa có sự quản lý và tác động của bất kỳ tổ chức nào.

Về nguồn nhân lực:

Cán bộ quản lý, điều hành hoạt động thể thao chuyên nghiệp chưa đáp ứng về số lượng và năng lực chuyên trách.

Chuyên gia, HLV: Còn hạn chế về số lượng, kiêm nhiệm nhiều công việc (vừa làm công tác huấn luyện vừa làm công tác khác).

Bảng 19. Thực trạng về nguồn nhân lực hoạt động thể thao chuyên nghiệp ở TP.HCM (đính kèm Phụ lục).

Về tài chính:

Về tài chính hoạt động của các CLB chuyên nghiệp chưa đáp ứng hoạt động hiệu quả, chưa khai thác triệt để các nguồn thu của CLB ở nhiều mặt.

Còn hạn chế trong việc hình thành chiến lược tạo dựng thương hiệu, tiếp thị toàn diện nâng cao giá trị thương hiệu, các hình thức quảng cáo, tài trợ của các đội chuyên nghiệp TP.HCM.

Bảng 20. Thực trạng tài chính hoạt động Thể thao chuyên nghiệp ở TP.HCM (đính kèm Phụ lục).

Hợp tác quốc tế:

Rất hạn chế quan hệ quốc tế trong việc đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác khoa học công nghệ hiện nay với các liên đoàn/ hiệp hội Thể thao khu vực/châu lục/thế giới. Hạn chế trong việc tổ chức các giải thi đấu quốc tế tại TP.HCM.

Tóm lại: Thực trạng cho thấy Thể thao chuyên nghiệp ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có thể thấy còn rất nhiều hạn chế so với các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha .v.v. Vì vậy cần định hướng và xây dựng giải pháp khoa học, hợp lý theo từng giai đoạn để phát triển Bóng đá chuyên nghiệp nói riêng và Thể thao chuyên nghiệp tại TP.HCM nói chung.

6. Đánh giá chung về Thể thao thành tích cao và Thể thao chuyên nghiệp:

TP.HCM là trung tâm lớn cả nước về: Kinh tế, văn hóa, xã hội, có những cơ chế đặc thù riêng (Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020) là khu đô thị lớn nhất cả nước, đóng góp ngân sách lớn cho quốc gia, là trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam nước ta, nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh, ổn định, năng động và vững chắc.

Trong những năm qua, công tác quản lý, đào tạo VĐV Thể thao thành tích cao có nhiều tiến bộ. Đặc biệt trong 3 năm 2017 - 2019, một số môn Thể thao đạt được thành tích đáng khích lệ. Cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT được chú ý đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới, như hệ thống sân vận động; cải tạo phòng tập; trang bị sàn, võ đài. Xây dựng hồ bơi cho các môn Thể thao dưới nước, việc đào tạo bồi dưỡng HLV và VĐV được nâng lên. Hoạt động TDTT được phát triển theo hướng xã hội hóa. Các doanh nghiệp trong TP tham gia đầu tư một số môn thể thao thành tích cao như: Điền kinh, các môn Võ, Bóng chuyền, Bơi lội, Cầu lông, Cờ vua, Cờ tướng, Xe đạp..., tạo thuận lợi để các môn Thể thao đạt thành tích cao trong các cuộc thi đấu tại các giải trong nước và quốc tế.

*Một số thành tựu:

- Được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân TP, sự chỉ đạo chuyên môn của Bộ VH,TT&DL cùng sự phối hợp từ các Sở, Ban, ngành, đoàn thể của TP, ngành TDTT luôn luôn giữ vững là một trung tâm thể thao thành tích cao hàng đầu cả nước. Hiện nay, TP đã khôi phục và phát triển trên 40 môn Thể thao, đáp ứng được nhu cầu rèn luyện thân thể của quần chúng với nội dung và hình thức tập luyện càng ngày càng phong phú, đa dạng. Đây là điều kiện thuận lợi để thể thao thành tích cao tuyển chọn nhân tài.

- Những ưu điểm nổi bật về Thể thao thành tích cao của TP: Xây dựng được một số môn Thể thao thế mạnh mang tính chiến lược Bóng đá, Bóng chuyền, Võ thuật, Điền kinh, Xe đạp, Cầu lông, Cờ vua, Cờ tướng, Bơi lội, Thể hình, Bi da...; hình thành hệ thống đào tạo VĐV 4 tuyến:

Tuyến một - Năng khiếu trọng điểm ban đầu

Tuyến hai - Năng khiếu dự bị tập trung (chuyên môn hóa sâu):

Tuyến ba - Dự tuyển trẻ, năng khiếu tập trung (tiếp tục hoàn thiện năng lực chuyên môn để nâng cao thành tích Thể thao) đào tạo thế hệ vàng.

Tuyến bốn - đội tuyển TP (nâng cao thành tích Thể thao). Tham dự các giải cấp quốc gia, quốc tế.

Ngoài ra, các tài năng trẻ, tài năng đặc biệt còn được tập trung đầu tư từ chương trình tập huấn ngắn hạn, dài hạn (chương trình nguồn nhân lực) của TP để phát triển năng khiếu, trở thành VĐV tài năng để bổ sung cho đội tuyển TP, quốc gia.

- Hiện trạng phát triển lực lượng VĐV tăng dần hàng năm, cả về số lượng tuyệt đối lẫn số lượng tương đối (tỷ lệ người tập luyện thường xuyên). Sự tăng lên này góp phần gia tăng thành tích thi đấu của TP và đẳng cấp VĐV.

- Về thành tích Thể thao: Tổng số huy chương các loại đạt được ở tất cả các giải thi đấu tăng lên rõ rệt, số lượng VĐV cấp I, kiện tướng đều tăng tương xứng với sự phát triển của lực lượng VĐV.

- TP đã bước đầu hình thành các chế độ, chính sách đặc thù cho đội ngũ HLV, VĐV. Đây là yếu tố hết sức quan trọng cho sự phát triển của Thể thao thành tích cao. Cơ sở vật chất của ngành được cải thiện và nâng cấp, nhất là nhiều công trình Thể thao đã được các tổ chức, ban ngành, Đoàn thể, cá nhân đầu tư xây dựng trong đó, một số công trình đảm bảo tiêu chuẩn thi đấu quốc gia và quốc tế.

- Tập thể cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên có tinh thần yêu ngành, yêu nghề và có ý thức trách nhiệm cao trong công tác, đã nỗ lực phấn đấu góp phần phát triển TDTT TP.HCM.

* Những hạn chế:

- Dù bước đầu xây dựng được quy trình đào tạo và quản lý đào tạo nhưng còn chưa đồng bộ, thiếu ổn định, thiếu các yếu tố bền vững của hệ thống, thiếu sự đầu tư cá biệt hóa đối với các VĐV đẳng cấp cao; cái gì cũng có nhưng chỉ nữa vời, lưng chừng, lúc có, lúc không, lúc đậm, lúc nhạt. Đầu tư cho các môn Thể thao còn dàn trãi, đầu tư ngắt quãng, đầu tư nửa chừng hoặc đầu tư quá muộn (khi VĐV tài năng đã được phát hiện từ sớm). Công tác đào tạo chưa đặt trên nền tảng chuyên môn hóa cao và còn thiếu nhiều điều kiện đảm bảo (kinh phí, sân bãi đúng tiêu chuẩn, chế độ chính sách..., và đặc biệt chưa có chiến lược xuyên suốt để đẩy mạnh sự phát triển Thể thao thành tích cao của TP).

- Công tác quy hoạch lực lượng (cả đội ngũ cán bộ quản lý lẫn lực lượng HLV, VĐV) chưa được thực hiện một cách bài bản, xuyên suốt, dẫn đến việc thiếu lực lượng kế thừa ở nhiều vị trí then chốt; nhiều cán bộ quản lý chưa thích ứng kịp những yêu cầu mới nảy sinh khi Thể thao chuyển dần theo hướng chuyên nghiệp hóa.

- Đội ngũ HLV về cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa được đào tạo một cách bài bản, chuyên sâu trong công tác huấn luyện ở giai đoạn nâng cao thành tích thể thao (huấn luyện VĐV cấp cao), điều này dẫn đến chất lượng huấn luyện còn thấp, về trình độ, thâm niên huấn luyện... của HLV phần lớn chỉ đảm bảo được công tác huấn luyện ban đầu, huấn luyện lực lượng trẻ.

- Hệ thống quản lý đào tạo, giám định VĐV năng khiếu chưa đáp ứng với tình hình phát triển mới: Rất thiếu các tiêu chuẩn định tính, định lượng, kiểm tra, đánh giá; các biện pháp nâng cao hiệu quả của hệ thống thông qua việc tái cấu trúc, xác định rõ chức năng, xác định các mối quan hệ, phân công, phân nhiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, ... chưa được thực hiện thường xuyên.

- Về cơ sở vật chất, trang thiết bị: Còn rất thiếu và không đồng bộ. Các thiết bị chỉ kiểm tra được một số test sư phạm cơ bản nhất về thể lực chung, chưa đáp ứng được nhiệm vụ kiểm tra tuyển chọn và giám định. Phần lớn trang thiết bị phải phải mượn các đơn vị khác, khó khăn trong việc chủ động kiểm tra theo kế hoạch, về cơ sở vật chất hiện đang nằm trong quy hoạch nên không thể xây mới, chỉ được sửa và cải tạo nên khó khăn trong diện tích công năng sử dụng.

- Các khó khăn về thiết bị, cơ sở vật chất, nhân sự, phần mềm quản lý dữ liệu dẫn đến hệ quả chưa xây dựng được hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra/giám định VĐV.

- Cơ sở vật chất - kỹ thuật được cải thiện đáng kể sau SEA Games 29, Asian Indoor Games tổ chức tại Việt Nam (nhiều quận, huyện trong TP đã có nhà thi đấu đa môn, mỗi Quận có 1 trung tâm TDTT, một số quận có hồ bơi). Tuy nhiên, TP lại chưa có Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao đúng nghĩa được quản lý theo quy trình, tiêu chuẩn quốc tế. Về trang thiết bị dụng cụ chuyên ngành phục vụ cho công tác đào tạo và huấn luyện nâng cao chưa đảm bảo...

- Mặc dù bước đầu công tác xã hội hóa phát triển mạnh, nhưng chủ yếu chỉ mới huy động được nguồn lực về vật chất (vật lực, tài lực) góp phần vào việc phát triển Thể thao thành tích cao của TP, còn công tác huy động những nguồn lực khác (nhân lực, thông tin lực) vẫn còn nhiều hạn chế.

* Nguyên nhân:

- Quá trình xây dựng, hoàn thiện các quy chế, tổ chức đào tạo và quản lý đào tạo đã tạo sự chuyển biến về mặt số lượng và chất lượng đào tạo VĐV. Song chỉ tập trung về phát triển số lượng VĐV, số lượng các môn Thể thao, chưa chú ý đến những nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý đào tạo như đội ngũ cán bộ, HLV; các điều kiện đảm bảo cần thiết để phục vụ quá trình đào tạo (chính sách trong công tác đào tạo VĐV, ứng dụng khoa học công nghệ trong tuyển chọn, đào tạo, cập nhật thông tin chưa sâu).

- Nguồn tuyển chọn đầu vào hạn hẹp cộng thêm việc một số VĐV được phát hiện tình cờ từ phong trào... làm ảnh hưởng lớn đến phát triển tiềm năng và thời gian đào tạo của VĐV.

- Công tác quản lý đào tạo VĐV đã có những kết quả và đem lại hiệu quả trong chất lượng đào tạo, tuy nhiên còn nhiều vấn đề chưa được tập trung nghiên cứu: Nội dung, phương thức quản lý, biện pháp quản lý; cần khai thác tiềm năng và thế mạnh, nâng cao trình độ và khả năng quản lý của các tổ chức xã hội; những vấn đề về phối hợp thực hiện kế hoạch đào tạo; vấn đề quản lý và điều tiết các mối quan hệ giữa các tổ chức đào tạo...

- Đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn không đủ để đáp ứng với sự thay đổi và phát triển của các tổ chức đào tạo VĐV. Hơn nữa, đội ngũ này đã dần dần bão hòa về tri thức, lề lối và phong cách làm việc chưa chính quy, hiện đại.

- Các quy chế, quy định trong quản lý đào tạo được xây dựng và ban hành ở các thời điểm khác nhau, không đồng bộ và được áp dụng trong thời gian tương đối dài mà chưa được sửa đổi, hoàn thiện cho phù hợp với đặc điểm phát triển ở từng giai đoạn đào tạo cụ thể. Những mặt hạn chế như trên do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan như sau:

Công tác đầu tư còn dàn trải chưa tập trung vào các môn thế mạnh, truyền thống, mũi nhọn.

Công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV tuy có được quan tâm đầu tư song vẫn chưa đi vào hệ thống và khoa học.

Một số HLV còn chủ quan, thỏa mãn với thành tích hiện và chủ yếu huấn luyện theo kinh nghiệm, chưa tập trung nghiên cứu, học tập, cập nhật các quy trình tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện hiện đại để nâng cao Thành tích thể thao, cần tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đối tượng HLV về xây dựng kế hoạch huấn luyện, chu kỳ huấn luyện, phương pháp huấn luyện..., để nâng cao chất lượng đào tạo VĐV đỉnh cao.

Mục tiêu kế hoạch từng môn từng thời kỳ chưa được xác định rõ, còn xem nhẹ tính hệ thống, tính khoa học, nặng tư tưởng nôn nóng thành tích.

* Bài học kinh nghiệm:

- Đào tạo VĐV phải được xác định là một bộ phận quan trọng của chính sách và kế hoạch phát triển TDTT, nhằm bồi dưỡng và phát huy tài năng cho đất nước, góp phần nâng cao trình độ Thể thao, năng lực VĐV, phục vụ cho mục tiêu hòa nhập với nền thể thao tiên tiến của thế giới.

- Đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác đào tạo VĐV theo hướng đa dạng hóa, chuyên nghiệp hóa nhằm tăng cường hiệu quả huấn luyện, chuyển dần và từ từ xóa bỏ cách quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp trong đào tạo VĐV Thể thao.

- Sở Văn hóa và Thể thao với trách nhiệm người quản lý và điều hành vĩ mô, sẽ ban hành các quy chế, quy định đối với công tác đào tạo VĐV, có chính sách đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất TDTT, về đội ngũ cán bộ, HLV Thể thao, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ đào tạo của các tổ chức đào tạo; thực hiện thường xuyên việc tổng kết, rút kinh nghiệm và đề ra những biện pháp, kế hoạch phối hợp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo.

- Các tổ chức đào tạo VĐV, các nhà quản lý phải nắm bắt kịp thời những thay đổi, chuyển biến của lực lượng VĐV để đề xuất các biện pháp giải quyết theo đúng quy trình, đúng thao tác chuyên môn và đúng quy chế quản lý đào tạo VĐV được Nhà nước ban hành.

III. CÁC CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ NHÂN SỰ TDTT:

1. Công tác phối hợp:

Sở, ngành thường xuyên phối hợp thực hiện rà soát chức năng, nhiệm vụ các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức xã hội về TDTT hoạt động trên địa bàn TP; bổ sung và điều chỉnh theo hướng đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả nhằm khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.

Trong năm 2017, Sở Nội vụ thực hiện thẩm định và tham mưu Ủy ban nhân dân TP.HCM ban hành Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2017 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM.

2. Công tác rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy:

Triển khai Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP của Chính phủ, đã tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị liên quan về TDTT để thực hiện đảm bảo theo đúng quy định pháp luật và phù hợp với đặc thù của TP.

Thực hiện tổ chức sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP trong đó có lĩnh vực văn hoá, thể dục, thể thao, du lịch theo hướng tinh gọn bộ máy và hiệu quả trong hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập với quyết tâm cao, đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ và toàn diện hơn, góp phần thực hiện được mục tiêu đến năm 2021 bộ máy theo hướng tinh gọn, thực hiện hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; giảm bớt khâu trung gian, tăng dần tự chủ kinh phí, giảm chi ngân sách.

3. Công tác quản lý biên chế và đề án vị trí việc làm:

Phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch phối hợp với các sở ngành, quận; huyện về kiểm tra công tác quản lý tổ chức bộ máy, sử dụng biên chế hành chính và số người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có lĩnh vực văn hoá, thể dục, thể thao thực hiện hằng năm đúng theo quy định.

Phê duyệt Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của Sở Văn hóa và Thể thao. Hướng dẫn xây dựng danh mục vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao.

4. Thực trạng hệ thống tổ chức quản lý và đội ngũ cán bộ ngành TDTT.

4.1. Thực trạng tổ chức cán bộ, hệ thống tổ chức quản lý TDTT.

Thực trạng bộ máy tổ chức ngành Văn hóa - Thể thao TP.HCM hiện nay có các đặc điểm sau:

- Bộ máy tổ chức hoạt động đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn 2015-2019. Trong những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao tiến hành rà soát lại chức năng nhiệm vụ và kiện toàn bộ máy tổ chức biên chế, phân cấp quản lý và xây dựng các phương án giải pháp phù hợp cho giai đoạn phát triển mới (về cơ sở vật chất, chế độ chính sách, tài chính được thể hiện ở các mục trong bản quy hoạch...).

- Quản lý nhà nước về công tác TDTT của TP hiện nay là Sở Văn hóa và Thể thao. Ban Giám đốc gồm 01 giám đốc, 03 Phó Giám đốc phụ trách các mảng Văn hóa - Nghệ thuật - TDTT. Đơn vị giúp việc trong lĩnh vực TDTT cho Giám đốc Sở là Phòng Quản lý TDTT và 11 đơn vị sự nghiệp (trong đó có 9 đơn vị sự nghiệp được giao quản lý đào tạo vận động viên các môn Thể thao).

- Quản lý TDTT ở cấp quận, huyện nay là Phòng Văn hóa - Thông tin (quản lý Nhà nước), Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc Trung tâm TDTT chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động nghiệp vụ, chuyên môn dưới sự quản lý của Ủy ban nhân dân quận, huyện, Sở Văn hóa và Thể thao.

4.2. Thực trạng đội ngũ cán bộ TDTT.

Bảng 21. Hiện trạng đội ngũ cán bộ TDTT năm 2019

- Về đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong ngành TDTT TP.HCM. Tổng số có 4.126 cán bộ, HLV, GV và HDV trong đó có 2.799 là nam chiếm tỷ lệ 67,8% và 1.327 nữ chiếm tỷ lệ 32,2%. cấp quản lý lãnh đạo Sở có 5 cán bộ lãnh đạo các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến TDTT (1 tiến sĩ, 2 thạc sĩ và 2 đại học), chiếm 0,12%% trên tổng số cán bộ CCVC của toàn đơn vị (kể cả HLV, GV và HDV).

- Số lượng cán bộ phòng ban của Sở Văn hóa và Thể thao: Tổng số 160 chiếm tỷ lệ 7,6%, trong đó có 2 tiến sĩ, 29 thạc sĩ, 108 đại học.

- Về cán bộ quản lý đơn vị ngành TDTT tổng số 36 cán bộ chiếm tỷ lệ 11,5% trong đó có 3 tiến sĩ, 5 thạc sĩ, 30 đại học.

- Về Huấn luyện viên có tổng số 746 HLV, nam là 610, nữ 136 trong đó có 13 thạc sĩ, 318 đại học, 147 cao đẳng, 149 trung cấp, 18 chuyên môn khác.

- Giáo viên TDTT có tổng số 2.581 GV trong đó, nam 1.549 giáo viên, chiếm tỷ lệ 60%, nữ 1.032 GV, chiếm tỷ lệ 40 %.

- Hướng dẫn viên có tổng số 668 HDV, trong đó, nam 527 HDV, nữ 141 HDV.

Thực trạng đội ngũ cán bộ hoạt động thuộc lĩnh vực TDTT 2019:

Bảng 22. Tổng hợp cán bộ TDTT TP.HCM năm 2019 (đính kèm Phụ lục).

Cơ chế quản lý và nội dung quản lý: Quản lý Nhà nước về VHTT: Thực hiện theo Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 14/2/2008 của Chính phủ, quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân TP trực thuộc Trung ương, Ban Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo và điều hành các hoạt động theo chức năng và nhiệm vụ trong quy chế tổ chức của ngành phù hợp với đặc điểm tình hình và nguồn nhân lực của TP. Thành phố quản lý các đơn vị TDTT theo 3 cấp: TP; quận, huyện; xã, phường, thị trấn: Cơ chế quản lý: Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TDTT - quản lý các đơn vị sự nghiệp TDTT - quản lý các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia các hoạt động TDTT.

- Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao chịu trách nhiệm toàn bộ các lĩnh vực hoạt động. Trong đó Giám đốc phân công cho các Phó Giám đốc phụ trách các lĩnh vực theo từng chức năng nhiệm vụ được quy định về tổ chức bộ máy Sở, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, TP và chịu trách nhiệm trước giám đốc theo từng lĩnh vực công việc được phân công. Hằng năm Ban Giám đốc xét duyệt và thông qua kế hoạch phát triển ngành TDTT bao gồm các phương án, chỉ tiêu, kế hoạch tổ chức hoạt động, kế hoạch phối hợp với các đơn vị để phát triển phong trào TDTT trên địa bàn TP, chỉ đạo Phòng Quản lý TDTT xây dựng kế hoạch phát triển ngành TDTT, kế hoạch phối hợp liên tịch, kế hoạch tổ chức các hoạt động TDTT, quản lý nhà nước về TDTT thông qua chỉ tiêu, kế hoạch phát triển trên địa bàn TP; chỉ đạo các đơn vị ngành TDTT xây dựng kế hoạch tuyển chọn đào tạo VĐV Thể thao thành tích cao, kế hoạch thi đấu và chỉ tiêu thành tích, xây dựng phương án chỉ tiêu tuyển chọn đào tạo phát triển các môn thể thao mới; chỉ đạo đơn vị theo chức năng nhiệm vụ trong quy chế tổ chức hoạt động, thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực TDTT thực hiện theo Luật TDTT. Xét phân bổ nguồn kinh phí cho hoạt động quản lý nhà nước và quản lý ngành TDTT; đề bạt và điều động, tổ chức và phân công cán bộ thuộc cấp, có tổng hợp, đánh giá, thông qua thành tích đạt được để khen thưởng trong các lĩnh vực Thể thao...

Hình thức và phương pháp quản lý: Quản lý thông qua các chỉ tiêu kế hoạch và phương án phát triển, quản lý về nguồn nhân lực, phù hợp với quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế văn hóa xã hội của TP.HCM.

- Quản lý nhà nước trong lĩnh vực TDTT.

- Quản lý giáo dục chính trị tư tưởng đạo đức thông qua các tổ chức Đảng, Đoàn thể, thường xuyên thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức, góp phần để mọi người hiểu biết ý nghĩa, giá trị của việc tập luyện TDTT, nâng cao thành tích Thể thao.

- Định kỳ họp giao ban với các đơn vị trực thuộc để sơ kết, tổng kết, đánh giá những thuận lợi khó khăn, những việc đã, đang làm được và chưa làm được..., qua đó sẽ giúp cho lãnh đạo ngành chỉ đạo điều chỉnh kịp thời các chỉ tiêu kế hoạch cần thiết cho phù hợp với điều kiện thực tế, phát huy khen thưởng đối với các tổ chức cá nhân đạt thành tích xuất sắc...

- Quản lý các đơn vị sự nghiệp về TDTT, tập trung chỉ đạo công tác tuyển chọn đào tạo VĐV, tạo nguồn ngân sách tài chính, định hướng cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia, giúp cho các tổ chức này hoạt động có hiệu quả.

Quận - huyện - xã, phường, thị trấn.

- Tổ chức bộ máy quản lý: Các Phòng Văn hóa - Thông tin của quận, huyện quản lý nhà nước về các lĩnh vực có liên quan đến Văn hóa thông tin, TDTT, du lịch và quản lý đơn vị sự nghiệp; Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc Trung tâm TDTT của quận, huyện là đơn vị sự nghiệp thuộc ngành TDTT, có chức năng tổ chức hoạt động nghiệp vụ và phát triển phong trào TDTT, phát hiện những cá nhân có tố chất và nhân tố trội để đào tạo thành nhân tài thể thao.

Hiện trạng phân bố cán bộ TDTT trong các Trung tâm quận, huyện.

Bảng 23. Phân bố cán bộ TDTT trong các Trung tâm quận, huyện, xã, phường, thị trấn năm 2020 (đính kèm Phụ lục).

Số lượng và chất lượng nhân sự quản lý, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT trường học và cơ sở được thể hiện như sau: Tổng số nhân sự của quận, huyện là 826 người, trong đó nữ là 242 người; số lượng cán bộ quản lý quận, huyện là 169 người; số lượng cán bộ quản lý xã, phường là 294 người, số lượng HDV, Cộng tác viên là 1.283 người. Trong đó số cán bộ hướng dẫn viên, cộng tác viên nữ là 274 người. Sự phân bổ tỷ lệ cán bộ quản lý TDTT từ quận, huyện cho đến cơ sở là phù hợp.

4.3. Thực trạng trình độ chuyên môn, nguồn nhân lực Thể thao thành tích cao.

Xu hướng đào tạo huấn luyện viên Thể thao theo chuyên ngành khoa học thể thao sâu. Ban huấn luyện đội/VĐV Thể thao thành tích cao bao gồm nhiều HLV và chuyên gia của nhiều lĩnh vực khoa học huấn luyện Thể thao (HLV trưởng, HLV kỹ chiến thuật, HLV thể lực, chuyên gia tâm lý, chuyên gia y học Thể thao, chuyên gia phân tích...) với mục đích phối hợp, vận dụng tinh hoa khoa học thể thao nhằm huấn luyện và nâng cao thành tích thể thao một cách hiệu quả nhất.

- Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực Thể thao thành tích cao không chỉ ở số lượng mà yếu tố quan trọng hơn là trình độ chuyên môn, chuyên ngành đào tạo của lực lượng này. Qua đó đề xuất định hướng và các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng, từ đó nâng cao hiệu quả làm việc.

- Trên cơ sở khảo sát được tiến hành trên 3 nhóm chức danh nghề nghiệp: Huấn luyện viên, quản lý và nghiên cứu viên/kỹ thuật viên. Khách thể là người đang trực tiếp tham gia vào công tác huấn luyện, quản lý và kiểm tra đánh giá quá trình huấn luyện 4 tuyến đào tạo VĐV tại TP.HCM. Có thể thấy thực trạng như sau:

Bảng 24. Đào tạo dài hạn (n=381), (đính kèm Phụ lục).

Nhận định trình độ - chuyên ngành đào tạo HLV đang trực tiếp huấn luyện 4 tuyến (n=381): có 96.85% có trình độ cử nhân trở lên. Trong đó có 77.43% cử nhân; 19.41% có trình độ SĐH, trong đó có 07 TS (1.83%). Về chuyên ngành đào tạo: Chỉ có 23.35% (89 HLV) chuyên ngành huấn luyện Thể thao được đào tạo đúng vị trí công việc.

Bảng 25. Đào tạo ngắn hạn (đính kèm Phụ lục).

Nhận định. Trong tổng số 799 chứng chỉ của các HLV, có 30.41% chứng chỉ quốc tế; 36.42% chứng chỉ cấp quốc gia. Trong đó 50.44% chứng chỉ chuyên ngành HLV.

Trình độ chuyên môn, chuyên ngành của cán bộ quản lý.

Bảng 26. Đào tạo dài hạn (n=55) (đính kèm Phụ lục).

Nhận định trình độ - chuyên ngành đào tạo CB quản lý: 100% trình độ cử nhân trở lên; 45% trình độ SĐH, 8 tiến sĩ (14.5%). Đa số được đào tạo theo chuyên ngành GDTC (65.45%). Chỉ có 5 cán bộ (9.09%) được đào tạo chuyên ngành QLTT.

Bảng 27. Đào tạo ngắn hạn (đính kèm Phụ lục).

Trong 105 chứng chỉ, có 44.76% có chứng chỉ quốc tế; 36.19% có chứng chỉ quốc gia. Chỉ có 2.83% chứng chỉ QLTT. Cần có chiến lược đào tạo theo xu hướng chuyên môn hóa sâu và phù hợp với vị trí công việc.

Trình độ chuyên môn, chuyên ngành của nghiên cứu viên, kỹ thuật viên.

Bảng 28. Đào tạo dài hạn (n=10), (đính kèm Phụ lục).

Nhận định 70% trình độ ThS. GDTC; 30% cử nhân Y sinh học TDTT. Cần có chiến lược đào tạo bộ phận nghiên cứu viên theo xu hướng toàn diện, chú trọng các ngành liên quan như: Y sinh học TDTT, Tâm lý TTDTT, sinh cơ học TDTT. Đồng thời nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu và giám định VĐV.

Bảng 29. Đào tạo ngắn hạn (đính kèm Phụ lục).

Nhận định 14.3% có chứng chỉ quốc tế; 33.3% có chứng chỉ cấp quốc gia. Trong đó 14.29% có chứng chỉ về Y sinh học TDTT.

Nhận định:

- Về đào tạo dài hạn: 96.85% HLV, 100% cán bộ quản lý, nghiên cứu viên và kỹ thuật viên đều tốt nghiệp từ cử nhân trở lên. Nguồn nhân lực trình độ cao (trình độ tiến sĩ) còn thấp: HLV: 1.83% và cán bộ quản lý là 14.5%. Nghiên cứu viên: 0%. Cần tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực trình độ cao.

- Tỷ lệ chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc là thấp: Đối với HLV: 23.1% và 50.44% (bằng cấp và chứng chỉ); đối với cán bộ quản lý: 9.09% và 2.83%; đối với nghiên cứu viên, kỹ thuật viên: 30% và 14.29%. cần có định hướng đào tạo theo xu hướng chuyên hóa sâu, phù hợp với vị trí công việc.

- Đào tạo nước ngoài (bằng cấp và chứng chỉ): Đối với HLV: 3.93% và 30.41%; đối với cán bộ quản lý: 9.01% và 44.76% %; đối với nghiên cứu viên, kỹ thuật viên: 0% và 14.29%. Cần có định hướng đào tạo theo xu hướng hội nhập quốc tế, kịp thời cập nhật các kiến thức mới, đặc biệt gửi nhân lực đi đào tạo tại các cường quốc Thể thao thế giới.

- Các chuyên ngành rất cần thiết cho công tác đào tạo tài năng Thể thao như: Tâm lý Thể thao, sinh cơ học Thể thao, huấn luyện thể lực... chưa được chú trọng đào tạo do các cơ sở đào tạo trong nước chưa phát triển các chuyên ngành này.

4.4. Thực trạng cơ chế chính sách về Thể thao thành tích cao.

- Quyết định số 2777/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân TP về phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thể dục, thể thao TP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

- Quyết định số 4162/QĐ-UBND ngày 04 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân TP ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật - TDTT của TP giai đoạn 2016-2020.

- Thông tư số 61/2018/TT-BTC ngày 26 tháng 7 năm 2018 của Bộ Tài chính về Quy định nội dung và mức chi để thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên Thể thao thành tích cao; có hiệu lực thi hành ngày 15 tháng 9 năm 2018.

- Nghị định 152/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu; có hiệu lực thi hành ngày 24 tháng 12 năm 2018.

Nguyên nhân những nghị quyết, chính sách liên quan đến Thể thao thành tích cao chưa được thực hiện.

Quyết định số 4162/QĐ-UBND ngày 04 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân TP ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật - TDTT của TP giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, đến tháng 7 năm 2018 do quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó đội ngũ HLV, VĐV, các nhà khoa học (không là CB, CC, VC) không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này, do đó không được cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng. Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo dài hạn, chu kỳ huấn luyện Thể thao và một số điều kiện đảm bảo khác cho công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Theo Quyết định số 2777/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2015 về phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thể dục, thể thao TP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, “Nghị quyết Đảng bộ TP lần thứ IX xác định: Tập trung đầu tư các công trình TDTT trọng điểm và sớm đưa vào sử dụng, gồm Trung tâm Huấn luyện và Thi đu TDTT Thành phố), Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng và Khu Liên hợp TDTT Rạch Chiếc”. Đây là các dự án lớn, thủ tục pháp lý phức tạp, cần các ngành liên quan cùng chung tay với ngành TDTT tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP chỉ đạo, đôn đốc thực hiện để ngành TDTT thực hiện tốt sứ mệnh của mình, góp phần hoàn thành mục tiêu chung của TP. Tuy nhiên cho đến nay, tất cả các công trình, dự án nên trên đều chưa được phát triển khai thực hiện; mặt khác, các sở, ban, ngành liên quan chưa tích cực để đẩy nhanh tiến độ các dự án, rất cần sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Ủy ban nhân dân TP để tập trung thực hiện các dự án đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ.

Về mua sắm, định mức trang thiết bị chuyên dùng của ngành Văn hóa và Thể thao tại Công văn 2763/SVHTT-KHTC ngày 24 tháng 7 năm 2020, số 164/SVHTT-KHTC ngày 09 tháng 01 năm 2020 về đề nghị Sở Tài chính tổng hợp trình Ủy ban nhân dân TP, Hội đồng nhân dân TP theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Nguyễn Thành Phong tại Thông báo số 824/TB-TP ngày 15 tháng 11 năm 2019 về danh mục định mức sử dụng trang thiết bị chuyên dùng của Ngành Văn hóa và Thể thao trên địa bàn TP (theo dự toán được Ủy ban nhân dân TP phê duyệt năm 2018, 2019) chưa được thực hiện. Theo đề nghị của Sở Tài chính (số 827/STC-CS ngày 20 tháng 02 năm 2020) và Chỉ đạo của Ủy ban nhân dân TP thống nhất với ý kiến Sở Tài chính về việc xin ý kiến về định mức, danh mục trang thiết bị chuyên dùng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hoạt động Ngành Văn hóa và Thể thao TP. Đến ngày 24 tháng 02 năm 2020 mới có Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quyết định số 511/QĐ-BVHTTDL về Ban hành quy định tiêu chỉ, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ, định mức kinh tế - kỹ thuật trong đào tạo, huấn luyện vận động viên Thể thao thành tích cao. Tuy nhiên đến nay việc mua sắm trang thiết bị chuyên dùng vẫn chưa thực hiện được. Điều này đã ảnh hưởng thực sự nghiêm trọng đến kế hoạch ngân sách, kết quả công tác, thành tích của Ngành Văn hóa và Thể thao TP và sự an toàn trong hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, tập luyện và thi đấu TDTT. Tạo sự ức chế, khó khăn, nguy hiểm trong tập luyện và hạn chế thành tích thi đấu đối với lực lượng vận động viên TP. Mặc khác, không đáp ứng điều kiện về các mặt công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học huấn luyện thể thao, giám định khoa học thể thao, tuyển chọn, hồi phục và phòng tránh chấn thương cho vận động viên.

Về thực hiện Nghị định 152/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu; có hiệu lực thi hành ngày 24 tháng 12 năm 2018 và Thông tư số 61/2018/TT-BTC ngày 26 tháng 7 năm 2018 của Bộ Tài chính về Quy định nội dung và mức chi để thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao; có hiệu lực thi hành ngày 15 tháng 9 năm 2018. Hiện đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý trình Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân TP phê duyệt. Nguyên nhân đặc thù phát triển thể thao TP từ sau giải phóng, hình thành 4 tuyến đào tạo vận động viên thể thao. Tuy nhiên đến nay, các tuyến đào tạo đặc thù của TP không còn phù hợp với các quy định pháp luật phổ biến hiện nay (Luật, Nghị định, Thông tư).

4.5. Đánh giá chung về thống tổ chức quản lý và đội ngũ cán bộ TDTT.

* Ưu điểm:

- Trong những năm qua, số cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) ngành TDTT TP.HCM có sự phát triển về số lượng và chất lượng. Tổng số cán bộ CCVC toàn ngành, kể cả GV TDTT là 4.126 người. Trong đó nam là 2.799 người chiếm tỷ lệ 67,8% , nữ 1.327 người chiếm tỷ lệ 32,2%. Về trình độ đội ngũ cán bộ: Sau đại học 59 người, chiếm tỷ lệ 1,4%, đại học là 2.169 người, chiếm tỷ 52,56%, cao đẳng là 910 chiếm tỷ lệ 22%, trung cấp 221 người, chiếm tỷ lệ 5,35% và các lĩnh vực chuyên môn khác là 18 người, chiếm tỷ lệ 0,44%. Nếu tính số lượng cán bộ quản lý/HLV, HDV của ngành TDTT (không tính GV TDTT) chiếm tỷ lệ 7,83%. Nếu tính cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý thuộc ngành TDTT/tổng số cán bộ, HLV, GV, HDV của toàn TP chỉ đạt 3,17%. Tổng số HLV/tổng số cán bộ TDTT TP.HCM là 746/4.126 chiếm tỷ lệ 18%. Sự phân bổ giữa cán bộ quản lý, HLV, GV, HDV là không đồng đều. Đặc biệt đối với tổng số lượng NTL TDTTTX so với số HLV và trình độ đào tạo của HLV ở bậc sau đại học là chưa tương xứng với tiềm năng của TP trung tâm cả nước. Riêng về số lượng GV TDTT đáp ứng được yêu cầu cơ bản quy chuẩn tỷ lệ GV/HS đối với cấp THCS và THPT; đối với cấp Tiểu học cần phải đào tạo bổ sung để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng GDTC.

- Về huấn luyện viên có tổng số 746 HLV, số lượng HLV trên tổng số cán bộ CCVC đạt 18%, nam là 610 người, chiếm tỷ lệ 79,8%, so với nữ là 136 chiếm tỷ lệ 20,2%. Về trình độ HLV: Có 13 người đạt trình độ thạc sĩ và 318 người có trình độ đại học. Qua kết quả thu thập số liệu trên cho thấy số HLV có trình độ ĐH và sau đại học cao hơn ở các bậc học khác. Đó là cơ sở thuận lợi để nâng cao chất lượng huấn luyện các môn thể thao trọng điểm của TP.HCM.

* Tồn tại và hạn chế:

- Tính đến nay, toàn ngành TDTT TP có số cán bộ tốt nghiệp đại học và sau đại học là 462/4.126 chiếm tỷ lệ 11,2%. Số cán bộ TDTT trên số người tập luyện thường xuyên của TP chỉ chiếm 0,037%. Đây là tỷ lệ rất thấp so với một số tỉnh, thành, ngành trong khu vực, nhưng kết quả trên cho thấy tính đặc thù về nhu cầu nguồn cán bộ của TP.HCM.

- Tỷ lệ HLV trên số lượng VĐV thành tích cao của TP còn thấp, nhất là ở các môn Thể thao trọng điểm, tính đến 2013, số HLV cấp cao đạt tỷ lệ rất thấp.

- Tỷ lệ giáo viên TDTT trong các trường theo cấp bậc: Bậc tiểu học 1/700; bậc THCS 1/347; bậc THPT 1/214; Đặc biệt ở cấp Tiểu học có những trường chưa có giáo viên cơ hữu giáo dục thể chất.

* Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm:

- Tính đến nay, lực lượng cán bộ công chức viên chức trong ngành TDTT có phát triển nhưng chưa đáp ứng so với nhu cầu, lực lượng cán bộ và HLV trình độ cao chưa được quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ cho từng lĩnh vực trong từng giai đoạn cụ thể từ nay đến năm 2020 và 2035 một cách khoa học. Việc chuẩn hóa cán bộ chưa được quan tâm, chưa có chương trình cụ thể về việc đào tạo lại cán bộ TDTT để nâng cao trình độ TDTT, kể cả trình độ chuyên môn hóa sâu ở các lĩnh vực khác như tin học hóa TDTT, ngoại ngữ TDTT, tâm sinh lý TDTT... Cần có định hướng cụ thể về quy hoạch đội ngũ cán bộ sẽ góp phần nâng cao trình độ cán bộ và giúp cán bộ an tâm, phục vụ lâu dài cho ngành. Điều đó hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển TDTT TP hiện nay và trong tương lai.

- Chưa có cơ chế chính sách đặc thù để thu hút nhân tài về TDTT (VĐV, HLV), TP còn thiếu rất nhiều HLV cao cấp ở các môn trọng điểm, chưa có chế độ đãi ngộ tương xứng để thu hút các VĐV đẳng cấp cao đăng ký tham gia thi đấu cho TP.HCM.

- TP cần phối hợp với các trường Đại học TDTT mở các lớp học bồi dưỡng chuyên ngành Giáo dục thể chất và Huấn luyện Thể thao để đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho số cán bộ, giáo viên tốt nghiệp hệ cao đẳng - trung cấp và giáo viên kiêm nhiệm, cần đào tạo nguồn cán bộ từ lực lượng VĐV đã có thành tích cao. Điều này cũng chính là sự quan tâm, chế độ ưu đãi cho các VĐV đã cống hiến nhiều thành tích cho TP trong những năm qua, đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu phục vụ lâu dài cho ngành TDTT TP.

- Trong những năm gần đây, việc thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành TDTT chưa được đẩy mạnh so với sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của TP. Vì vậy, cần phải quan tâm và đầu tư nhiều hơn.

IV. THỰC TRẠNG CƠ SỞ VẬT CHẤT CHO NGÀNH TDTT TP. HỒ CHÍ MINH.

1. Tình hình sử dụng quỹ đất dành cho TDTT.

Theo số liệu thống kê cơ sở vật chất hiện có phục vụ cho các hoạt động TDTT toàn TP, tổng diện tích đất dành cho hoạt động TDTT là 6.940.291m2; cấp TP do Sở VHTT quản lý 12 cơ sở với diện tích là: 2.250.084m2 (trong đó có Trung tâm TDTT Rạch Chiếc hiện vẫn còn là dự án trên khu vực đất quy hoạch 1.800.000m2 chưa triển khai thực hiện), diện tích cơ sở đang hoạt động là 450.084m2. Quận, huyện quản lý 326 cơ sở diện tích 215.231m2 39.650m2 = 254.881m2; Phường, xã quản lý 103 cơ sở diện tích 363.675m2. Các tổ chức khác quản lý 7.908 cơ sở với diện tích 4.052.951m2 18.700m2=4.071.651m2. Chỉ tiêu đất đạt 0,95m2/người so với chỉ tiêu đề ra của Quyết định 01/2003/QĐ-UB ngày 03/01/2003 đến năm 2020 phải đạt bình quân 2m2/người.

Bảng. Các công trình TDTT hiện do TP và quận, huyện quản lý.

a) Cấp TP (Bảng 30, đính kèm Phụ lục).

b) Cấp quận, huyện (Bảng 31, đính kèm Phụ lục).

Căn cứ vào kết quả thu thập số liệu về cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động TDTT toàn TP cho thấy: Tổng diện tích đất hiện đang tổ chức hoạt động TDTT là 5.121.375m2, với 11 cơ sở do Sở Văn hóa và Thể thao quản lý (Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu, Trung tâm TDTT Hoa Lư, Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng, Trung tâm TDTT Thống Nhất, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TP.HCM, Nhà Thi đấu TDTT Phú Thọ, Nhà tập luyện Thể thao Phú Thọ, CLB bơi lặn Phú Thọ, CLB TDTT Thanh Đa) với 450.084 m2 và 8.685 sân, hồ, nhà (cái) do các cấp khác quản lý, gồm đơn vị quận huyện quản lý 321 với 215.231 m2, đơn vị phường xã quản lý là 103 với diện tích 363.675 m2, ngoài ra các tổ chức khác quản lý với số lượng 8.522 với 4.092.385 m2, các cơ sở đảm bảo hiện trạng sử dụng trên dưới 50%, cơ sở vật chất được phân bổ không đồng đều giữa các đơn vị quận huyện, trong TP. Nếu tính số dân của TP so với tổng diện tích đất hiện đang tổ chức hoạt động TDTT là 0,64 m2/người dân.

Bảng 32. Thực trạng sử dụng đất TDTT (tính đến cuối năm 2019) (đính kèm Phụ lục).

2. Các công trình TDTT trọng điểm hiện nay.

2.1. Khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc

Rạch Chiếc là Khu liên hợp TDTT quy mô lớn, tập trung các công trình TDTT hiện đại và đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu tổ chức các giải quốc gia, quốc tế do TP đăng cai.

Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao đang phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị liên quan tập trung hoàn tất các thủ tục để sớm trình Ủy ban nhân dân TP xin ý kiến Hội đồng nhân dân TP thông qua nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu liên hợp TDTT Rạch Chiếc làm cơ sở để làm cơ sở kêu gọi đầu tư các công trình TDTT phục vụ sự nghiệp phát triển ngành.

2.2. Nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Dự án xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng là công trình cấp I, được Ủy ban nhân dân TP phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi theo hình thức đối tác công tư và đã hoàn tất việc đàm phán Hợp đồng BT với nhà đầu tư trúng thầu là Liên doanh Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa - Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt. Hiện nay, Ủy ban nhân dân TP đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về đề xuất quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

2.3. Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TP

Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TP được phê duyệt quy hoạch theo Quyết định số 2625/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân TP về duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu trường đua Phú Thọ, Phường 15, Quận 11. Sở Văn hóa và Thể thao đang triển khai các bước tiếp theo để xây dựng hoàn chỉnh Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TP.HCM nhằm củng cố lại hệ thống đào tạo vận động viên cấp cao TP theo hướng 3 tập trung: Tập trung tập luyện, tập trung ăn ở, sinh hoạt, tập trung học tập, từ đó góp phần hoàn thiện quy trình quản lý đào tạo và tổ chức huấn luyện, thi đấu cho vận động viên thể thao của TP, kết hợp tổ chức dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục toàn diện cho vận động viên. Đồng thời tổ chức phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức, huấn luyện viên, trọng tài và những người làm công tác TDTT nhằm nâng cao trình độ tổ chức, quản lý của lực lượng cán bộ ngành TDTT.

2.4. Trung tâm Đào tạo vận động viên năng khiếu Thể thao TP (trên cơ sở bổ sung chức năng Trung tâm TDTT Hoa Lư).

Căn cứ Thông báo số 225/TB-VP của Ủy ban nhân dân TP ngày 01 tháng 4 năm 2020 về nội dung kết luận chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp nghe báo cáo khó khăn, vướng mắc của Sở Văn hóa và Thể thao. Chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh tăng quy mô đầu tư và đều chnh tên gọi dự án “Xây dựng Trường Trung học phổ thông Năng khiếu TDTT“ thành “Trung tâm Đào tạo vận động viên năng khiếu Thể thao TP“, nhằm tăng cường thực hiện chức năng quản lý, huấn luyện và đào tạo vận động viên năng khiếu; huấn luyện nâng cao thành tích cho các bộ môn Thể thao, đáp ứng lực lượng bổ sung cho đội tuyển TP và đội tuyển quốc gia... Hiện đang trong quá trình lập dự án đề xuất đầu tư, quy mô diện tích sử dụng đất: 2,957 m2.

2.5. Trung tâm Văn hóa và Thể thao đa năng TP tại xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần X nhiệm kỳ 2015 - 2020: “Đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa tiêu biểu; phát triển thiết chế văn hóa cơ sở; khuyến khích sáng tạo sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao”, “đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động Thể thao; phát triển Thể thao thành tích cao”. Nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật và rèn luyện sức khỏe của nhân dân TP, cũng như góp phần giữ vững vị thế của lĩnh vực TDTT... phục vụ cho sự phát triển phong trào và Thể thao thành tích cao, rút ngắn khoảng cách hưởng thụ văn hóa, thể thao giữa nội thành và ngoại thành... tăng cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ tốt hoạt động ngành Văn hóa và Thể thao TP, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Quy mô Khu đất xây dựng công trình thuộc quy hoạch phân khu 1/2000 Khu trung tâm và dân cư huyện cần Giờ, tổng diện tích 150.000 m2.

Trong Quyết định số 2777/QĐ-UBND, ngày 10 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân TP có đoạn: “Nghị quyết Đảng bộ TP lần thứ IX xác định: Tập trung đầu tư các công trình TDTT trọng điểm và sớm đưa vào sử dụng, gồm Trung tâm Huấn luyện và Thi đu TDTT TP, Khu Liên hợp TDTT Rạch Chiếc và Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng”. Đây là các dự án lớn, thủ tục pháp lý phức tạp, cần các ngành liên quan cùng chung tay với ngành TDTT tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP chỉ đạo, đôn đốc thực hiện để ngành TDTT thực hiện tốt sứ mệnh của mình, góp phần hoàn thành mục tiêu chung của TP.

Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả các công trình, dự án nêu trên đều chưa được triển khai thực hiện; mặt khác, các sở, ban, ngành liên quan chưa tích cực để đẩy nhanh tiến độ các dự án, rất cần sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Ủy ban nhân dân TP để tập trung thực hiện các dự án đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ. (Báo cáo. Giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình Hành động 33-CTrHĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020).

3. Thực trạng cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu.

Cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TDTT chủ yếu là các môn truyền thống như: Sân bóng đá (75 sân), có những nhà tập, nhà thi đấu như: Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ, Phan Đình Phùng, Lãnh Binh Thăng, Rạch Miễu..., mỗi nhà tập có diện tích từ 10.000 m2 đến 50.000 m2. Ngoài ra, còn có một số sân bãi thể thao khác như sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, sân bóng chuyền và một số bãi tập khác...

Cơ sở vật chất TDTT của TP so với các TP lớn trực thuộc Trung ương, nhất là Hà Nội, là rất thấp. Trong Quyết định số 1752/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật thể thao quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 cũng có nêu Trong các TP lớn trực thuộc Trung ương, các công trình TDTT tỉnh trên đầu người dân cao nhất ở Hà Nội và thấp nhất ở TP.HCM” (Hà Nội có 64 công trình thi đấu đạt chuẩn và tổng số 1.568 công trình TDTT, số người sử dụng là 2,39 công trình/vạn dân. Các con số tương ứng của TP.HCM là 11,893 và 1,18). Nghĩa là số công trình thi đấu TDTT đạt chuẩn của TP.HCM chỉ bằng 1/6 của Hà Nội.

4. Thực trạng cơ sở vật chất TDTT của quận - huyện.

Sân bóng đá 11 người, số lượng: 36 sân; diện tích: 256.255m2; hiện trạng sử dụng trên dưới 50%.

Sân bóng đá mini số lượng: 594 sân; diện tích 482.708 m2; hiện trạng sử dụng: trên dưới 50 %, nhà nước và các tổ chức cá nhân quản lý.

Sân bóng chuyền (sân trong nhà): số lượng 25 sân; diện tích: 20.000 m2; hiện trạng sử dụng: < 50%, nhà nước và các tổ chức cá nhân quản lý.

Bàn Billiards: 6.541 bàn; hiện trạng sử dụng: 50-70%, phần lớn do các cá nhân, tổ chức ngoài công lập quản lý.

Cầu lông: 170 sân; diện tích 31.394 m2, hiện trạng sử dụng: 50 - 80%, nhà nước quản lý và người dân quản lý.

Quần vợt: 289 sân; diện tích 122.565 m2 , hiện trạng sử dụng: 50 - 80%, nhà nước quản lý và người dân quản lý.

Bể bơi: 158 hồ; hiện trạng sử dụng: 50-80%, dân quản lý và nhà nước quản lý.

Bóng rổ: 24 sân; hiện trạng sử dụng: < 50%, nhà nước quản lý.

Bóng bàn: 140 bàn; hiện trạng sử dụng: 50 - 80%, phần lớn do nhà nước và các cá nhân, tổ chức ngoài công lập quản lý.

Các loại khác: 574 cái; diện tích 3.128.551 m2, hiện trạng sử dụng: 50%, nhà nước và các tổ chức cá nhân quản lý.

5. Thực trạng cơ sở vật chất phường - xã, thị trấn.

Về đơn vị hành chính cấp xã, phường thị trấn có 322 xã, phường, thị trấn; sự phân bổ các sân bãi phục vụ cho hoạt động TDTT quần chúng không đồng đều chủ yếu đối với các xã, phường có điều kiện, gần các khu vực trung tâm đô thị, khu công nghiệp có cơ sở vật chất tốt hơn. Ngoài ra, còn có một số bãi tập phục vụ cho các môn Thể thao khác như các môn võ, cầu lông, Điền kinh, Quần vợt, Bóng chuyền.... Các cơ sở vật chất kỹ thuật hoạt động TDTT còn nhiều hạn chế, nhưng nhu cầu tập luyện của người dân rất cao do vậy các đơn vị quận, huyện xây dựng một số cơ sở phục vụ cho việc tập luyện của người dân ở các khu công viên cây xanh do xã phường quản lý. Mô hình này đang rất có hiệu quả và được nhân rộng toàn TP.

Sân Bóng đá 11 người: Số lượng: 34 sân; diện tích: 348.025 m2; hiện trạng sử dụng trên dưới 50%.

Sân Bóng đá mini: Số lượng: 06 sân; diện tích 5.000 m2; hiện trạng sử dụng: trên dưới 50 %, phường, xã quản lý.

Sân Bóng chuyền (sân trong nhà): Số lượng 07 sân ; diện tích: 4.000 m2; hiện trạng sử dụng: < 50%. Phường, xã quản lý.

Cầu lông: 06 sân; diện tích 3.350 m2 hiện trạng sử dụng: 50 - 80%. Phường, xã quản lý.

Các loại khác: 44 cái; diện tích 3.300 m2, hiện trạng sử dụng: 50%. Phường, xã quản lý.

6. Thực trạng cơ sở vật chất trong trường học.

Qua xem xét về cơ sở vật chất dành cho công tác GDTC và Thể thao trong trường học hiện nay đạt ở mức thấp. Đặc biệt là diện tích đất bình quân trên mỗi sinh viên, học sinh ở bậc TH (0,96m2), THCS (1,73m2), THPT (1,96m2) đạt tỉ lệ thấp. Hiện trạng cơ sở vật chất sử dụng cần phải nâng cao chất lượng các công trình TDTT lên trên 50%.

(Đã phân tích ở phần cơ sở vật chất TDTT trường học).