Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2021/NQ-HĐND

Hậu Giang, ngày 10 tháng 3 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NGUỒN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
KHÓA IX KỲ HỌP THỨ 20

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025;

Xét Tờ trình số 22/TTr-UBND ngày 22 tháng 02 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 (không bao gồm nguồn thu vượt ngân sách hằng năm của tỉnh) là căn cứ để lập kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh. Đồng thời, là căn cứ để quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra của cấp có thẩm quyền đối với việc thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị sử dụng vốn ngân sách địa phương.

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm, nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025

Ngân sách địa phương chi đầu tư cho các đối tượng được quy định tại Điều 38 Luật Ngân sách nhà nước, Điều 5 Luật Đầu tư công và quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương

1. Nguyên tắc phân bổ vốn

a) Phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan.

b) Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật.

c) Phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác, của từng ngành, lĩnh vực và địa phương; bảo đảm các cân đối lớn, an toàn nợ công.

d) Đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh.

đ) Bố trí vốn đầu tư tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Chỉ bố trí vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan.

e) Ưu tiên bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng địa bàn còn khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm, chương trình mục tiêu, dự án có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, các khâu đột phá của tỉnh, các cấp, các ngành.

g) Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

h) Dành vốn ngân sách dự phòng theo đúng quy định trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn.

2. Tiêu chí, định mức phân bổ vốn

a) Vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương bố trí cho nhiệm vụ, chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và thuộc đối tượng đầu tư công quy định tại Điều 5 của Luật Đầu tư công.

Thứ tự ưu tiên phân bổ vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 được thực hiện như sau:

- Phân bổ đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại khoản 4 Điều 101 của Luật Đầu tư công (nếu có).

- Phân bổ đủ vốn để hoàn trả vốn ứng trước kế hoạch nhưng chưa có nguồn để hoàn trả trong kế hoạch đầu tư công trung hạn gia i đoạn trước (nếu có);

- Phân bổ vốn cho dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch;

- Phân bổ vốn để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch;

- Phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án;

- Phân bổ vốn cho dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 51 của Luật Đầu tư công.

b) Cơ cấu phân bổ vốn

- Dành tối đa không quá 30% để phân bổ cho huyện, thị xã, thành phố.

- Mức vốn còn lại chi các khoản theo quy định (Hỗ trợ khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; trả nợ vay Ngân hàng phát triển; trích đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,...), phân bổ cho các sở, ban, ngành tỉnh và hỗ trợ một số địa phương.

Điều 4. Tiêu chí, định mức phân bổ nguồn ngân sách địa phương cho huyện, thị xã, thành phố

a) Các tiêu chí phân bổ vốn

Tiêu chí phân bổ vốn gồm 5 nhóm như sau:

- Nhóm tiêu chí dân số, bao gồm: số dân số trung bình và số người dân tộc thiểu số.

- Nhóm tiêu chí về trình độ phát triển, bao gồm: tỷ lệ hộ nghèo và thu nội địa.

- Tiêu chí diện tích.

- Nhóm tiêu chí đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm: tiêu chí đơn vị hành chính cấp xã (bao gồm số xã, phường, thị trấn) và xã đặc biệt khó khăn.

- Các tiêu chí bổ sung, bao gồm: xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới hoặc địa phương hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, địa phương phát triển thành trung tâm đô thị - công nghiệp của tỉnh, địa phương thực hiện tốt việc xây dựng chính quyền điện tử và cải cách hành chính, đô thị là trung tâm tỉnh lỵ.

b) Xác định số điểm của từng tiêu chí cụ thể (chi tiết theo Phụ lục đính kèm)

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết theo quy định pháp luật.

2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang Khóa IX Kỳ họp thứ 20 thông qua ngày 10 tháng 3 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 20 tháng 3 năm 2021./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ (HN-TP. HCM);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN và các Đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- HĐND, UBND, UBMTTQVN cấp huyện;
- Cơ quan Báo, Đài tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Trần Văn Huyến