Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 445-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 1957 

 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN CÁN SỰ HÀNH CHÍNH LÀO – HÀ – YÊN

 THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Sắc lệnh số 63 ngày 20 tháng 11 năm 1945 tổ chức chính quyền dân chủ nhân dân;
Căn cứ sắc lệnh số 229-SL ngày 29 tháng 4 năm 1955 ban hành chính sách dân tộc;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ tháng 6 năm 1956 thành lập Ban Cán sự Lào – Hà – Yên;
Tiếp Thông tư số 972 ngày 19 tháng 7 năm 1956 về việc chuyển tiếp 8 tỉnh còn lại, sau khi thành lập Khu Tự trị Việt-bắc;
Căn cứ Nghị định số 077-TTg ngày 09 tháng 3 năm 1957;
Theo đề nghị của Bộ Nội vụ.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1 – Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Cán sự Hành chính Lào – Hà – Yên nay quy định như sau:

Điều 2Về tổ chức:

- Ban Cán sự hành chính Lào – Hà – Yên  gồm có từ 5 đến 7 ủy viên do nghị định của Thủ tướng phủ bổ nhiệm và gồm một Trưởng ban và một hay hai Phó trưởng ban.

- Giúp việc Ban Cán sự Hành chính có một văn phòng gồm một số cán bộ, nhân viên trong biên chế.

- Các bộ máy chuyên môn chung quanh Ban Cán sự Hành chính sẽ tùy theo nhu cầu công tác thực tế mà tổ chức, nhưng với tinh thần hết sức đơn giản.

Điều 3Về nhiệm vụ:

Ban Cán sự Hành chính có nhiệm vụ lãnh đạo chung công tác của ba tỉnh Lào cai, Hà giang và Yên bái như một cấp khu, cụ thể là:

a) Trực tiếp chỉ đạo công tác trù bị thành lập khu vực tự trị Lào – Hà – Yên, nghiên cứu tình hình về kế hoạch đào tạo cán bộ địa phương của các dân tộc để chuẩn bị cho việc thành lập khu vực tự trị.

b) Chỉ đạo mọi mặt công tác cho ba tỉnh Lào – Hà – Yên, kiểm tra đôn đốc các tỉnh thi hành các đường lối, chính sách, các chương trình, kế hoạch, các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ. Hướng dẫn các tỉnh rút kinh nghiệm công tác, uốn nắn sửa chữa khuyết điểm và phát huy ưu điểm.

c) Lãnh đạo các cơ quan chuyên môn chung quanh Ban Cán sự Hành chính.

d) Phụ trách quản lý cán bộ, quản lý bộ máy biên chế và quản lý tài chính trong khu.

Điều 4Về quyền hạn:

Quyền hạn của Ban Cán sự Hành chính Lào – Hà – Yên nói chung như quyền hạn của một cấp khu, nhưng vì đang trong thời kỳ chuẩn bị thành lập khu vực tự trị, chưa được kiện toàn như một Ủy ban Hành chính khu, Ban Cán sự Hành chính Lào – Hà – Yên có quyền hạn cụ thể như sau:

a) Giải quyết trong phạm vi địa phương mình phụ trách những việc đã có chủ trương chính sách và kế hoạch chung của Chính phủ, hoặc những việc cụ thể được Chính phủ hoặc các Bộ ủy nhiệm.

- Đòi hỏi báo cáo thường lệ và bất thường của các Ủy ban Hành chính tỉnh Lào cai, Hà giang, Yên bái, triệu tập cán bộ đến báo cáo, tổ chức, kiểm tra, đôn đốc ba tỉnh.

- Triệu tập hội nghị các cấp để phổ biến chỉ thị và nghị quyết của Chính phủ, kịp thời nắm tình hình, đả thông tư tưởng, uốn nắn sai lầm theo tinh thần chỉ thị nghị quyết của Chính phủ, hoặc để giải quyết những việc trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình.

b) Chỉ đạo công tác các ngành chuyên môn chung quanh Ban Cán sự Hành chính.

c) Quản lý cán bộ, quản lý bộ máy và biên chế và quản lý tài chính coi như Ủy ban Hành chính cấp khu.

d) Đối với những việc sau đây, Ban Cán sự Hành chính Lào – Hà – Yên, phải xin chỉ thị của Chính phủ trước khi thi hành:

- Tổ chức ra những cơ quan giúp việc mới chung quanh Ban Cán sự Hành chính, sát nhập hoặc giải thể một cơ quan đã có từ trước.

- Tăng biên chế cán bộ, nhân viên quá con số khống chế do Thủ tướng phủ ấn định.

- Thi hành kỷ luật đối với một Ủy ban hành chính huyện hoặc đối với một ủy viên Ủy ban Hành chính huyện trở lên.

Điều 5 – Các điều khoản quy định trong nghị định số 077-TTg ngày 9-3-1957 trái với nghị quyết này nay bãi bỏ.

Điều 6 – Ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ban Cán sự Hành chính Lào – Hà – Yên chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG

 
 
 


Phan Kế Toại