Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 311-VP/NgĐ năm 1958 về thể lệ và biện pháp cho vay ngắn hạn đối với vận tải quốc doanh do Tổng giám đồc Ngân Hàng Quốc Gia ban hành.

Chương 4:

CHO VAY VẬN TẢI THỦY
(đường biển và đường sông)

Điều 29.Căn cứ vào đặc điểm kinh tế của quốc doanh vận tải thủy (đường biển và đường sông), Ngân hàng quốc gia Việt Nam quy định 4 loại cho vay dưới đây:

1) Cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn:

a – Theo kế hoạch

b – Ngoài kế hoạch, theo nhu cầu tạm thời.

2) Cho vay về chi phí kinh doanh theo thời vụ, theo kế hoạch.

3) Cho vay sửa chữa lớn.

4) Cho vay thanh toán.

Mục A. – CHO VAY DỰ TRỮ VẬT TƯ TRÊN MỨC TIÊU CHUẨN, CHO VAY SỬA CHỮA LỚN VÀ CHO VAY THANH TOÁN

Điều 30.Thể lệ loại cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn, cho vay sửa chữa lớn cũng giống như đã quy định cho quốc doanh vận tải đường sắt trong mục A và mục C.

Điều 31.

a) Ngân hàng quốc gia Việt Nam cho quốc doanh vận tải thủy (biển và sông) vay thanh toán theo thể lệ chung về cho vay thanh toán trong khu vực kinh tế quốc doanh và hợp tác xã.

b) Để giúp các hải cảng có vốn hoạt động trong khi chờ các xí nghiệp và cơ quan tới nhận hàng để thanh toán tiền bốc vác và chi phí bảo quản, Ngân hàng cho vay thanh toán dựa trên cơ sở giấy báo đến nhận hàng có ghi rõ các chi phí bốc vác và bảo quản; khi các xí nghiệp và cơ quan tới nhận hàng và thanh toán tiền hàng thì Ngân hàng thu nợ.

Mục B. – CHO VAY VỀ CHI PHÍ KINH DOANH THEO THỜI VỤ, THEO KẾ HOẠCH

Điều 32.Ngân hàng quốc gia Việt Nam cho Quốc doanh vận tải thủy (biển và sông) vay các chi phí kinh doanh trực tiếp và gián tiếp theo kế hoạch, để giải quyết những nhu cầu vốn trong thời vụ hoạt động vận tải thủy gặp khó khăn, chi nhiều hơn thu.

a) Những chi phí trực tiếp được vay gồm có: chi phí về sửa chữa thường xuyên và sửa chữa trung bình các loại tàu, thuyền, các hải cảng, bến phà và các máy móc, tiền lương và các khoản phụ cấp.

b) Những chi phí gián tiếp được vay gồm có: các khoản khấu hao cơ bản phải trích theo kế hoạch, các chi phí quản lý xí nghiệp. Ngân hàng không cho vay để nộp lợi nhuận.

Điều 33.Các chi phí kinh doanh đều phải kế hoạch hóa trước trong kế hoạch thu chi tài vụ đã được cấp trên duyệt y cho niên độ kế hoạch và cụ thể hóa ra từng quý gửi tới Ngân hàng trước khi bắt đầu quý kế hoạch:

- Số dư tài khoản thanh toán đầu quý.

- Số thu trong quý về kinh doanh vận tải và lợi nhuận của xí nghiệp phụ thuộc...

- Số chi trong quý về kinh doanh vận tải.

Trong số này, phân tách các khoản chi về:

- Sửa chữa thường xuyên và xửa chữa trung bình các loại tàu, thuyền.

- Sửa chữa thường xuyên các hải cảng và bến phà...

- Sửa chữa thường xuyên các máy móc.

- Các chi phí khác.

Ngân hàng tính lại các số chi căn cứ vào mức chi đã được cấp trên duyệt cho từng loại chi phí, phù hợp với bản kế hoạch thu chi tài vụ đã được cấp trên duyệt y và đặt mức quy định cho vay đối với từng loại chi phí để cân đối thu chi.

Điều 34.Cuối mỗi tháng (chậm nhất là ngày 25) để xin vay về chi phí kinh doanh, Quốc doanh vận tải thủy (biển và sông) phải gửi tới Ngân hàng bản kế hoạch thu chi tháng sau gồm những điểm sau đây (mẫu số 6):

- Số dư tài khoản thanh toán đầu tháng.

- Số thu trong tháng, chi tiết hóa ra từng loại thu...

- Số chi trong tháng về kinh doanh vận tải...,

Trong số này phân tích riêng từng khoản:

- Sửa chữa thường xuyên và sửa chữa trung bình các loại tàu, thuyền.

- Sửa chữa thường xuyên các hải cảng và bến phà.

- Sửa chữa thường xuyên các máy móc.

- Các chi phí khác: - 15 ngày đầu tháng

- 15 ngày cuối tháng

Điều 35.Ngân hàng tính lại các số chi căn cứ vào mức chi đã được trên duyệt cho từng loại chi phí và cho vay số chênh lệch giữa thu và chi theo tài khoản đơn giản, trong phạm vi mức quy định cho vay.

Điều 36.Từ tài khoản cho vay đơn giản sẽ trả:

a) Các giấy nhận nợ đã chấp nhận của các xí nghiệp sửa chữa về sửa chữa thường xuyên và sửa chữa trung bình.

Trong trường hợp giữa quốc doanh vận tải thủy (biển và sông) và các xí nghiệp liên quan đã tiến hành thanh toán lẫn nhau, Quốc doanh vận tải thủy góp tổng số tiền các giấy đòi nợ đã trả bằng cách đó và xuất trình Ngân hàng để nhận lại số tiền đã trả cho các xí nghiệp sửa chữa. Số tiền này sẽ chuyển từ tài khoản cho vay đơn giản sang tài khoản thanh toán của Quốc doanh vận tải thủy và sử dụng trước tiên vào việc trả nợ Ngân hàng không có đảm bảo hay quá hạn, và số nợ về cho vay thanh toán đã được đối phương trả tiền.

b) Các chứng từ về chi phí sửa chữa thường xuyên và sửa chữa trung bình (tàu, thuyền, hải cảng, bến phà, máy móc) do Quốc doanh vận tải thủy (biển và sông) làm lấy. Các chi phí đó tính theo giá trị thực sự nhưng không được cao hơn giá trị đã dự trù trong kế hoạch.

c) Các đơn xin vay về các chi phí làm ngày 01 và 15 mỗi tháng, tối đa không được quá số dự trù trong kế hoạch. Nếu ngày 01 và 15 là ngày không lao động thì sẽ làm vào những ngày lao động kế tiếp.

Nếu Quốc doanh vận tải thủy (biển và sông) nợ Ngân hàng quá hạn thì Ngân hàng sẽ đình chỉ không trả các chi phí từ tài khoản cho vay đơn giản.

Điều 37.Trong thời gian cho vay, Ngân hàng quốc gia kiểm tra qua báo cáo quyết toán hàng tháng của Quốc doanh vận tải thủy (biển và sông). Nếu số tiền đã cho vay trong tháng vượt quá số bội chi thực tế trong tháng của Quốc doanh vận tải thủy thì Ngân hàng sẽ trừ số chênh lệch đó vào số tiền cho vay kỳ tiếp hoặc sẽ thu hồi ngay số chênh lệch đó (cả vốn lẫn lãi) nếu là kỳ cuối cùng vay về chi phí kinh doanh.

Điều 38.Khi đã hết thời vụ vận tải thủy khó khăn, hết thời gian chi nhiều hơn thu thì Ngân hàng đình chỉ việc cho vay chi phí kinh doanh, cho Quốc doanh vận tải thủy (biển và sông) làm một giấy nhận nợ về toàn bộ số tiền đã vay về chi phí kinh doanh có ghi chi tiết số tiền nhận từng ngày.

Thời hạn trả nợ sẽ tính toán về kế hoạch hóa trên cơ sở số thu vượt quá số chi của những tháng sắp tới và nguyên tắc là phải thanh toán hết nợ trước khi trở lại mùa vận tải khó khăn (mẫu cách tính trả nợ số 7).

Phải có kế hoạch trả nợ từng tháng ghi cụ thể vào giấy nhận nợ.

Nghị định 311-VP/NgĐ năm 1958 về thể lệ và biện pháp cho vay ngắn hạn đối với vận tải quốc doanh do Tổng giám đồc Ngân Hàng Quốc Gia ban hành.

  • Số hiệu: 311-VP/NgĐ
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 22/11/1958
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Viết Lượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 42
  • Ngày hiệu lực: 22/11/1958
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH