Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 25 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “GIẢM THIỂU TÌNH TRẠNG TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG TRONG VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 (GIAI ĐOẠN II)”

Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025; Công văn số 1721/UBDT-DTTS ngày 09/12/2020 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 498/QĐ- TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn II); Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn II)”, với nội dung như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

a) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 và Công văn số 1721/UBDT-DTTS ngày 09/12/2020 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn II).

b) Nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.

2. Yêu cầu

a) Các hoạt động trong kế hoạch phải cụ thể, khả thi, bám sát các nội dung, nhiệm vụ của Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương.

b) Chú trọng đối với các địa bàn vùng dân tộc thiểu số có tỷ lệ hoặc nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao để xác định các hoạt động ưu tiên và tăng cường nguồn lực trong triển khai thực hiện.

c) Lồng ghép, kết hợp các hoạt động thực hiện Đề án với các chương trình, đề án, kế hoạch khác có liên quan, đã và đang triển khai thực hiện tại các địa phương bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và không chồng chéo.

d) Các Sở, Ban, ngành và các địa phương phối hợp chặt chẽ trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Đến năm năm 2025, trên 90% cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- 100% trường dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh và cộng đồng các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan về lĩnh vực hôn nhân gia đình, về tác hại, hệ lụy của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bằng nội dung, hình thức phù hợp.

b) Giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.

Giảm bình quân 2%-3%/năm số cặp tảo hôn và 3% - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với địa bàn dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

III. Phạm vi, đối tượng

1. Phạm vi thực hiện

Tại vùng dân tộc thiểu số, ưu tiên tập trung tại địa bàn các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao; các trường dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh.

2. Đối tượng

Đồng bào các dân tộc thiểu số, già làng, người có uy tín, cán bộ xã, thôn, bon, buôn, bản và các đoàn thể vùng dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao; học sinh các trường dân tộc, nội trú, bán trú; cán bộ làm công tác dân tộc các cấp và các cơ quan tổ chức, cá nhân liên quan.

IV. Các nhiệm vụ chủ yếu

1. Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số

- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi tại các thôn, bon, buôn, bản, các xã bằng các hình thức truyền thông như: Trên các phương tiện thông tin đại chúng; mở các chuyên trang, chuyên mục trên các Báo Đắk Nông, tạp chí, trang thông thông tin điện tử, đài phát thanh - tuyền hình, qua hệ thống thông tin, truyền thanh tuyến xã; lồng ghép tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức chiếu phim, video, hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nói chuyện chuyên đề, hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí tại cộng đồng và lưu động tại thôn, bon, buôn, bản…

- Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, hoạt động hòa giải tại cộng đồng, các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể, hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ, các tổ, nhóm.

- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ, bộ đội biên phòng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên, già làng, trưởng bản, trưởng thôn, chức sắc, chức việc, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số. Tham gia tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Dân số & Gia đình và các văn bản liên quan đến công tác triển khai thực hiện Đề án.

2. Tổ chức biên soạn tài liệu, liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình, phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, dân số … để tuyên truyền Đề án một cách hiệu quả

Biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, hôn nhân gia đình như:

- Tờ rơi, tờ gấp, pa nô, áp phích, tranh cổ động, khẩu hiệu,… tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình.

- Sổ tay tuyên truyền, tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình, sức khỏe bà mẹ, trẻ em …

- Tài liệu hệ thống hóa các văn bản pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình, về tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

- Tài liệu hỏi - đáp pháp luật về hôn nhân, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (song ngữ).

- Xây dựng chuyên mục, chương trình tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan trên đài, báo, tạp chí…

3. Xây dựng, triển khai nhân rộng mới Mô hình điểm và các mô hình chuyên đề “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”

- Tiếp tục duy trì thực hiện 02 mô hình gồm một mô hình ở trường PTDTNT THCS và THPT huyện Đắk Glong và một mô hình ở xã Đắk Som huyện Đắk Glong.

- Giai đoạn 2021 - 2025, tiến hành điều tra, khảo sát lựa chọn nhân rộng 05 mô hình gồm 02 mô hình ở trường dân tộc nội trú, bán trú và 03 mô hình ở xã có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, để triển khai thực hiện các hoạt động, tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật; truyền thông, vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ…nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại những xã và trường học được lựa chọn thực hiện mô hình. Thông qua việc thực hiện mô hình, xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên thực hiện công tác tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

- Tổ chức và lồng ghép sinh hoạt các Câu lạc bộ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống và tư vấn sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính cho các đối tượng vị thành niên, thanh niên người dân tộc thiểu số chưa kết hôn, đã kết hôn, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác giáo dục trong các nhà trường về hậu quả, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các trường quan tâm tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (01 cuộc thi/năm bằng hình thức sân khấu hóa) tại các trường PTCS, PTTH và các trường DTNT của tỉnh để tuyên truyền sâu rộng về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

4. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện Đề án

Tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện kế hoạch từ cấp tỉnh đến cơ sở:

- Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số.

- Hỗ trợ, cung cấp tài liệu tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật và các sản phẩm truyền thông, tài liệu pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình.

- Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu, tham quan, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình.

5. Quản lý, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết kế hoạch thực hiện Đề án

- Lồng ghép, đưa mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, Dân số - kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 và các giai đoạn tiếp theo.

- Xây dựng, lồng ghép đưa các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, các quy định pháp luật liên quan khác, xử lý vi phạm vào hương ước, quy ước, tiêu chuẩn bản làng văn hóa, gia đình văn hóa tảo hôn, hôn nhân, cận huyết thống và các quy định của pháp luật liên quan khác vào hương ước, quy ước, tiêu chuẩn bản làng văn hóa, gia đình văn hoá.

- Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để có biện pháp ngăn ngừa kịp thời.

- Thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm đến năm 2025 báo cáo sơ kết, tổng kết kế hoạch thực hiện Đề án.

V. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021-2025 từ nguồn ngân sách nhà nước được phân cấp theo quy định và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có). Đối với những nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị có liên quan sử dụng trong kinh phí thường xuyên theo định mức để thực hiện.

VI. Tổ chức thực hiện

1. Ban Dân tộc tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành và địa phương có liên quan tham mưu UBND tỉnh theo dõi việc triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn II).

- Trên cơ sở nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ và khả năng ngân sách tỉnh, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí hàng năm để triển khai thực hiện. Đồng thời, phối hợp tham mưu UBND tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện Kế hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành và địa phương liên quan kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện; hướng dẫn, tham mưu xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tham mưu thực hiện báo cáo sơ kết, tổng kết cho UBND tỉnh và Ủy ban Dân tộc theo quy định.

2. Sở Tài chính

Cân đối nguồn ngân sách được phân cấp hàng năm, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Lồng ghép tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian, truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đưa tiêu chí không có tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vào hương ước, quy ước gắn với bình xét các danh hiệu văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Trên cơ sở chương trình, kế hoạch, đề án có liên quan thực hiện lồng ghép các hoạt động nhằm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục, chuyển đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo

Tuyên truyền, giáo dục, tăng cường các nội dung về kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản vị thành niên, những hệ lụy và tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với học sinh tại các trường phổ thông dân tộc nội trú.

7. Sở Y tế

Thực hiện lồng ghép các hoạt động tư vấn, can thiệp y tế trong các chương trình, đề án được phê duyệt; lồng ghép tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

8. Báo Đắk Nông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Tăng cường thông tin tuyên truyền nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số; xây dựng kế hoạch thực hiện các chuyên trang, chuyên mục và bố trí thời lượng hợp lý, tuyên truyền những mô hình, cách làm hay, hiệu quả; phê phán những hủ tục lạc hậu, những hệ lụy và tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh

Trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp, lồng ghép, tổ chức tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các văn bản của tỉnh nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

10. Các Sở, ngành, đơn vị liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao quan tâm và lồng ghép các nội dung hoạt động của Kế hoạch với các chương trình, dự án liên quan của Sở, ngành, đơn vị.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Hàng năm UBND các huyện, thành phố bố trí kinh phí để thực hiện theo dõi, khảo sát thu thập thông tin về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn, xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương nhằm thực hiện đạt mục tiêu Kế hoạch đề ra. Chỉ đạo việc lồng ghép giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong việc tổ chức, triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tại địa phương; định kỳ hằng năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn về Ban Dân tộc tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Ủy Ban Dân tộc.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn II). Các Sở, Ban, ngành, đơn vị và các địa phương trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Tôn Thị Ngọc Hạnh