Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UBND TỈNH ĐỒNG THÁP
SỞ NÔNG NGHIỆP & PTNT
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 06/KH-SNN TP

Cao Lãnh, ngày 19 tháng 02 năm 2009

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA CHỨNG NHẬN ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT – KINH DOANH GIỐNG THỦY SẢN

I. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

Là các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn Tỉnh Đồng Tháp.

II. Cơ sở pháp lý để kiểm tra và chứng nhận:

- Căn cứ Nghị định 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh thú y;

- Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất – kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

- Căn cứ Quyết định 15/2006/QĐ-BNN ngày 08/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quy định về quy trình, thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y;

- Căn cứ Quyết định 162/QĐ-BNN-KHCN ngày 18/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quyết định phê duyệt Danh mục chuyển đổi hệ thống Tiêu chuẩn ngành Thủy sản;

- Căn cứ Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2005/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện sản xuất – kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

- Căn cứ Quyết định số 85/2008/QĐ-BNN ngày 06/8/2008 của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Quy chế Quản lý sản xuất, kinh doanh giống thủy sản;

- Căn cứ Quyết định 110/2008/QĐ-BNN ngày 12/11/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Danh mục đối tượng kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật thủy sản;

- Căn cứ Quyết định 21/2006/QĐ-BTS ngày 01/12/2006 của Bộ Thủy sản về việc ban hành danh mục giống thủy sản phải áp dụng Tiêu chuẩn ngành;

- Căn cứ Quyết định 01/QĐ.SNN ngày 05/01/2009 của Sở Nông nghiệp và PTNTĐT về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Chi cục Thủy sản Đồng Tháp;

- Thực hiện Công văn 2597/CLTY-TY ngày 26/10/2005 của Cục Quản lý chất lượng, ATVS & TYTS về việc hướng dẫn tạm thời công tác kiểm dịch thủy sản;

- Thực hiện Công văn số 1735/CLTY-TY ngày 20/7/2006 của Cục Quản lý chất lượng, ATVS & TYTS về việc kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y;

- Căn cứ Công văn số 642/NTTS-VP ngày 20/8/2008 của Cục Nuôi trồng Thủy sản về việc hướng dẫn, triển khai nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

III. Nội dung kiểm tra:

Các tổ chức, cá nhân khi sản xuất, kinh doanh giống thủy sản cần phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có giấy chứng nhận đăng ký sản xuất, kinh doanh về giống thủy sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.

2. Địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh giống phải theo quy hoạch của địa phương.

3. Quy mô và cơ sở vật chất kỹ thuật, các trang thiết bị kỹ thuật, hệ thống cấp và thoát nước, xử lý nước thải, phương tiện vận chuyển, lưu giữ của cơ sở phải đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh từng đối tượng và phẩm cấp giống thủy sản theo các Tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn ngành đã quy định; phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y thủy sản được cơ quan có thẩm quyền ở địa phương chứng nhận và phải đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường sinh thái theo quy định của pháp luật.

4. Có hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất, kinh doanh giống.

5. Cơ sở sản xuất, kinh doanh đàn giống bố mẹ, giống thương phẩm phải có nhân viên kỹ thuật có chứng chỉ đã được đào tạo về kỹ thuật sản xuất giống thủy sản hoặc nuôi trồng thủy sản.

6. Phải thực hiện quy trình kỹ thuật bắt buộc và đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường nước theo quy định của Bộ Thủy sản.

Đối với giống khai thác tự nhiên phải qua ương dưỡng, thuần hoá đạt kích cỡ thích hợp theo Tiêu chuẩn ngành mới được đưa ra thị trường.

Việc sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất trong sản xuất, kinh doanh giống thủy sản thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.

7. Cơ sở thực hiện sinh sản nhân tạo giống cá tra, sản xuất cá rô phi đơn tính phải sử dụng đàn bố mẹ đảm bảo chất lượng theo Tiêu chuẩn ngành, có chứng nhận xuất xứ dòng thuần được tiếp nhận từ các Trung tâm giống thủy sản (của Viện nghiên cứu hoặc của Tỉnh) hoặc từ cơ sở có đăng ký kinh doanh đàn giống thuần chủng, đàn giống ông bà, đàn giống bố mẹ; mỗi cá thể sử dụng cho sinh sản không quá 2 lần trong một năm đối với cá tra và không quá 5 lần đối với cá rô phi. Tuy nhiên, do lượng cá tra bố mẹ xuất xứ dòng thuần chưa đáp ứng đủ thì cơ sở sản xuất cá tra phải sử dụng đàn bố mẹ tối thiểu phải đạt Tiêu chuẩn ngành.

8. Mỗi lô giống thủy sản thương phẩm thuộc các đối tượng nuôi chủ lực (Cá tra: Pangasianodon hypophthalmus; Cá basa: Pangasius bocourti; Tôm càng xanh: Macrobrachium rosenbergii; Rô phi vằn: Oreochromis niloticus) khi đưa ra thị trường bắt buộc phải công bố chất lượng và khi lưu thông phải ghi nhãn hàng hóa theo quy định hiện hành.

9. Thực hiện kiểm dịch và xử lý khi phát hiện bệnh.

10. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống phải theo danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh tại Quyết định 57/2008/QĐ-BNN ngày 02/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh.

IV. Hình thức kiểm tra và chứng nhận:

1. Hình thức kiểm tra:

1.1 Kiểm tra lần đầu được thực hiện tại cơ sở sản xuất – kinh doanh giống về tiêu chuẩn trại giống, điều kiện sản xuất giống, tiêu chuẩn giống bố mẹ, kiểm soát bệnh giống thủy sản trước khi xuất trại,…

1.2 Kiểm tra lại được thực hiện khi cơ sở đã được kiểm tra lần đầu nhưng chưa đạt.

1.3 Kiểm tra giám sát được thực hiện nhằm xem xét việc duy trì điều kiện kinh doanh sau một thời gian nhằm làm cơ sở để gia hạn chứng nhận.

1.4 Kiểm tra đột xuất được thực hiện khi phát hiện cơ sở có các dấu hiệu vi phạm các điều kiện kinh doanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

2. Hình thức chứng nhận:

Cơ sở sản xuất, kinh doanh được đánh giá là đạt yêu cầu sau khi kiểm tra sẽ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất – kinh doanh giống thủy sản.

3. Quy trình kiểm tra và chứng nhận:

- Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ xin được kiểm tra điều kiện sản xuất – kinh doanh giống thủy sản cho Sở Nông nghiệp và PTNT ĐT.

Hồ sơ gồm:

+ 01 đơn xin được kiểm tra điều kiện sản xuất – kinh doanh giống thủy sản (theo mẫu).

+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y thủy sản do cơ quan có thẩm quyền cấp.

+ Hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng giống thủy sản (photo).

+ Biên bản kiểm tra chất lượng đàn cá, tôm bố mẹ (photo).

- Trong thời hạn 15 ngày khi nhận hồ sơ hợp lệ, Chi cục Thủy sản sẽ cử đoàn đến cơ sở để kiểm tra điều kiện.

- Nếu đoàn kiểm tra đánh giá cơ sở đủ điều kiện sản xuất – kinh doanh giống thủy sản thì sau 10 ngày Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện.

- Trường hợp kiểm tra cơ sở không đủ điều kiện thì tùy Đoàn kiểm tra sẽ nêu các yêu cầu khắc phục, bổ sung và sẽ quy định thời gian tái kiểm.

V. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Thực hiện quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên phạm vi Tỉnh và cấp chứng nhận cho các cơ sở đủ diều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản theo quy định.

2. Chi cục Thủy sản:

2.1. Tổ chức kiểm tra điều kiện sản xuất – kinh doanh giống thủy sản trong phạm vi được ủy quyền về việc thực hiện quy định quản lý đối với các cơ sở sản xuất – kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn Tỉnh.

2.2. Báo cáo hoạt động về kiểm tra thực hiện quy định quản lý đối với các cơ sở sản xuất – kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn Tỉnh về Sở Nông nhgiệp và PTNT.

2.3. Định kỳ báo cáo với Cục Nuôi trồng Thủy sản về công tác quản lý giống thủy sản trên địa bàn Tỉnh mỗi năm 2 lần vào tháng 4 và 11.

2.4. Lưu trữ có hệ thống toàn bộ hồ sơ có liên quan đến hoạt động kiểm tra điều kiện sản xuất – kinh doanh giống thủy sản; cung cấp hồ sơ, giải trình đầy đủ và chính xác về kết quả kiểm tra khi cơ quan chứng nhận có yêu cầu.

2.5. Bảo mật các thông tin có liên quan đến bí mật của cơ sở sản xuất – kinh doanh giống.

2.6. Yêu cầu cơ sở sản xuất kinh doanh giống cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra.

3. Cơ sở sản xuất – kinh doanh giống thủy sản:

3.1. Có trách nhiệm chấp hành việc kiểm tra theo kế hoạch của cơ quan kiểm tra.

3.2. Cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ có liên quan và tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan chứng nhận thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

3.3. Nghiên cứu sữa chữa các sai lỗi đã nêu trong thông báo của cơ quan chứng nhận. Thường xuyên duy trì điều kiện đảm bảo đủ điều kiện sản xuất – kinh doanh giống đã được công nhận.

3.4. Thực hiện khai báo xuất xứ nguồn giống.

3.5. Khiếu nại về kết quả kiểm tra và chứng nhận đăng ký kinh doanh về giống thủy sản và các biểu hiện tiêu cực (nếu có) của đoàn kiểm tra theo quy định của pháp luật.

VI. Lộ trình áp dụng việc cấp giấy chứng nhận điều kiện sản xuất – kinh doanh giống thủy sản:

Việc áp dụng theo kế hoạch này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 04 năm 2009.

 

 

Nơi nhận:
- UBND Tỉnh (b/c);
- UBND Huyện, Thị, Thành;
- Phòng NN-PTNT (Phòng Ktế);
- Chi cục Thủy sản (t/h);
- BGĐ Sở;
- Lưu VP.

GIÁM ĐỐC

 

ĐƠN XIN ĐƯỢC KIỂM TRA, CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT – KINH DOANH GIỐNG THỦY SẢN

Kính gửi: Chi cục Thủy sản Đồng Tháp.

Căn cứ Quyết định 85/2008/QĐ-BNN ngày 06/8/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành quy chế quản lý sản xuất, kinh doanh giống thủy sản;

Căn cứ theo Thông báo số………/TB-TS ngày…………………của Chi cục Thủy sản Đồng Tháp về việc kiểm tra điều kiện sản xuất – kinh doanh giống thủy sản năm………..

Tên cơ sở:

Tên người đại diện:

Địa chỉ:

Điện thoại:

Hoạt động sản xuất, kinh doanh:

Sản xuất giống □           Kinh doanh giống □

Đề nghị cơ quan tiến hành kiểm tra và công nhận cho cơ sở của chúng tôi đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản:

 

 

………………..,ngày…….tháng…….năm……….

Đại diện cơ sở

(Ký và ghi rõ họ tên)