Hệ thống pháp luật

Đình chỉ xét xử yêu cầu của đương sự

Ngày gửi: 15/09/2018 lúc 10:33:36

Mã số: HTPL15174

Câu hỏi:

Tòa án cấp sơ thẩm chỉ đình chỉ xét xử yêu cầu của đương sự khi nào? Pháp luật quy định thế nào về vấn đề đình chỉ xét xử yêu cầu của đương sự?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 218 Bộ luật tố tụng dân sự:

“Trong trường hợp đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu của đương sự đã rút”; và tại khoản 2 Điều 256: “Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với những phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo hoặc Viện kiểm sát đã rút kháng nghị”.

Bộ luật tố tụng dân sự không quy định cụ thể về điều kiện áp dụng, hình thức của việc đình chỉ xét xử theo yêu cầu. Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP (tại mục I.10.2) cũng chỉ hướng dẫn căn cứ đình chỉ xét xử yêu cầu kháng cáo, kháng nghị của đương sự, Viện kiểm sát trong thủ tục phúc thẩm. Để hiểu rõ hơn về căn cứ áp dụng việc đình chỉ xét xử yêu cầu của đương sự chúng ta cần phải xem xét cụ thể trong từng giai đoạn tố tụng:

 Đình chỉ xét xử yêu cầu của đương sự trong thủ tục sơ thẩm:

Tòa án cấp sơ thẩm chỉ đình chỉ xét xử yêu cầu của đương sự nếu như trong vụ án có nhiều đương sự đưa ra yêu cầu và trong đó chỉ có một hoặc một số rút yêu cầu, số còn lại vẫn giữ nguyên yêu cầu của họ. Cụ thể, nếu:

– Vụ án có một nguyên đơn đưa ra nhiều yêu cầu mà sau đó họ rút một phần yêu cầu;

– Vụ án có nhiều nguyên đơn mà trong đó có nguyên đơn rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu nhưng các nguyên đơn khác vẫn giữ nguyên yêu cầu của họ;

–  Vụ án mà bị đơn cũng có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn nhưng sau đó nguyên đơn rút đơn khởi kiện mà bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố;

–  Vụ án trong đó người có quyền và nghĩa vụ liên quan đưa ra yêu cầu độc lập nhưng sau đó nguyên đơn rút toàn bộ đơn khởi kiện, bị đơn nếu có phản tố cũng rút toàn bộ yêu cầu phản tố. Trong những trường hợp đó Tòa án sẽ đình chỉ xét xử yêu cầu của những đương sự đã rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu đó nhưng không làm chấm dứt tố tụng mà vụ án vẫn tiếp tục được giải quyết.

Trong trường hợp tất cả các đương sự đều rút toàn bộ các yêu cầu của họ thì Tòa án phải đình chỉ giải quyết vụ án và chấm dứt tố tụng chứ không phải đình chỉ xét xử yêu cầu của từng đương sự. Tuy nhiên, căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án dân sự tại Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự đã không có quy định nào về trường hợp đình chỉ này.

Về mặt hình thức, Bộ luật tố tụng dân sự cũng như các Nghị quyết hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao đều chưa có quy định cụ thể nào về hình thức quyết định của loại đình chỉ xét xử yêu cầu của đương sự trong thủ tục sơ thẩm. Trong những trường hợp đình chỉ nêu trên, Tòa án phải ra quyết định đình chỉ hay chỉ cần ghi biên bản. Trong các mẫu văn bản do Tòa án nhân dân tối cao ban hành cũng không có mẫu quyết định đình chỉ xét xử yêu cầu của đương sự.

 >>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 024.6294.9155

Đình chỉ xét xử yêu cầu kháng cáo, kháng nghị trong thủ tục phúc thẩm:

Tương tự như trong thủ tục sơ thẩm, việc đình chỉ xét xử yêu cầu kháng cáo, kháng nghị của Tòa án cấp phúc thẩm chỉ được áp dụng khi người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị mà không có người khác kháng cáo về phần đó; khi người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị và phần yêu cầu rút đó độc lập với những phần kháng cáo, kháng nghị khác đồng thời không có người kháng cáo khác về phần đó (mục I.10.2 Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP). Trong trường hợp tất cả mọi người kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị đều rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm theo căn cứ đã nêu trên.

Về mặt hình thức, mục I.10.2 Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP quy định cụ thể rằng:

“Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với những phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo, Viện kiểm sát đã rút kháng nghị”.

Như vậy, đối với những căn cứ nêu trên về việc rút yêu cầu kháng cáo, kháng nghị trong thủ tục phúc thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm phải ra quyết định đình chỉ xét xử phần yêu cầu kháng cáo, kháng nghị đó. Tuy nhiên, việc ra quyết định đình chỉ xét xử phần yêu cầu kháng cáo, kháng nghị nếu do thẩm phán thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm là hợp lý thì việc ra một quyết định độc lập như vậy tại phiên tòa phúc thẩm phải chăng mang nặng tính hình thức, thủ tục và không cần thiết mà hoàn toàn có thể ghi biên bản phiên tòa và xác nhận trong bản án. Cần lưu ý là việc đình chỉ xét xử phần yêu cầu kháng cáo, kháng nghị trong thủ tục phúc thẩm cũng như đình chỉ xét xử phần yêu cầu của đương sự trong thủ tục sơ thẩm không làm chấm dứt tố tụng mà ngược lại Tòa án vẫn tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM