Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------

Số: 5763 /SXD-CCQNĐ
V/v hướng dẫn và giải đáp một số vướng mắc trong nghiệp vụ cấp GCN QSHNỞ-QSDĐỞ, GCN.QSHNỞ tại  cuộc họp giao ban ngày 19/7/2007

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 08 năm 2007

 

Kính gởi:

- Ủy ban nhân dân 24 quận-huyện;
- Hội đồng bán nhà ở thành phố;
- Hội đồng bán nhà ở 24 quận-huyện;
- Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố.

 

Ngày 19/7/2007, Sở Xây dựng đã chủ trì, tổ chức cuộc họp giao ban với 24 quận-huyện về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo Quyết định số 54/2007/QĐ-UBND ngày 30/3/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố trong quý II năm 2007.

Sở Xây dựng tập hợp và giải đáp một số vướng mắc của các quận-huyện về công tác cấp Giấy chứng nhận thông qua báo cáo của các quận-huyện, ý kiến trong cuộc họp giao ban và qua các văn bản của một số quận-huyện hỏi Sở Xây dựng về nghiệp vụ cấp Giấy chứng nhận và cấp số nhà, ý kiến giải đáp được nêu tại Bảng tổng hợp kèm theo văn bản này.

Ngoài ra, còn một số vướng mắc pháp lý khác trong công tác cấp Giấy chứng nhận, Sở Xây dựng ghi nhận và sẽ phối hợp Sở Tài nguyên - Môi trường kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉnh sửa, bổ sung Quyết định số 54/2007/QĐ-UBND có kết hợp các quy định tại Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ trong thời gian sắp tới.

Về mức thu lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2007 của Chính phủ, Hội đồng nhân dân thành phố đã có Nghị quyết số 12/2007/NQ-HĐND ngày 05/7/2007, Ủy ban nhân dân 24 quận-huyện tổ chức thực hiện theo Kế hoạch chung của Ủy ban nhân dân thành phố kể từ ngày 01/8/2007.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- UBND/TP (thay báo cáo);
- Sở Tài nguyên và Môi trường;
- GĐ/Sở Nguyễn Minh Dũng (để b/c);
- Lưu: VP-CCQNĐ. (Đã ký)
DT+VT: Đ.D (nd90-hdgiaoban-0707/mine)

KT.GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Đỗ Phi Hùng

 

BẢNG TỔNG HỢP GIẢI ĐÁP CÁC VƯỚNG MẮC CỦA QUẬN-HUYỆN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN, CẤP SỐ NHÀ TRÊN ĐỊA BÀN TP.HỒ CHÍ MINH

(Ban hành kèm theo Công văn số 5763/SXD-CCQNĐ ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Sở Xây dựng)

STT

CÂU HỎI

TRẢ LỜI

A. CÔNG TÁC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN

I. CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN PHÁP LÝ

1

Theo Quyết định số 54/2007/QĐ-UBND ngày 30/3/2007 của UBND/TP (QĐ 54) không yêu cầu người dân nộp bản sao hộ khẩu, CMND. Tuy nhiên, trong quá trình thụ lý hồ sơ, người dân kê khai sai số CMND tại Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận (GCN), UBND/quận kiến nghị nộp bản sao CMND vào thành phần hồ sơ cấp GCN?

Không cần, vì thuộc trách nhiệm kiểm tra đối chiếu khi nhận hồ sơ của Bộ phận tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ tại cấp phường và quận.

2

Trường hợp nhà ở-đất ở đã có giấy tờ hợp lệ đề nghị không kiểm tra các thông tin trong Bản kê khai nhà-đất năm 1999 (chỉ tham khảo thông tin khi cần thiết)?

Thống nhất với ý kiến đề nghị, xem tài liệu kê khai đăng ký chỉ để tham khảo đối với trường hợp này.

3

Việc GCN có sai sót các thông tin về chủ sở hữu (như: họ tên; năm sinh; số, ngày CMND được cấp) thì được cấp đổi hay xác nhận thay đổi tại trang 4 GCN đối với các thông tin này?

Chỉnh sửa và xác nhận tại Trang 4 GCN.

4

Hướng dẫn xác định thời điểm nhà ở được xây dựng, thời điểm tạo lập nhà đối với các trường hợp nhà-đất chưa có giấy tờ hợp lệ, mua bán giấy tay qua nhiều lần, vị trí nhà thuộc khu quy hoạch, khi xác định thời điểm tạo lập nhà thì căn cứ thời điểm mua bán giấy tay ban đầu hoặc Đơn tường trình hay giấy mua bán tay sau cùng của cá nhân để cấp GCN? Ví dụ nhà đất nằm hoàn toàn trong lộ giới Quốc lộ 1A là 120m được duyệt quy hoạch năm 1995; nhà được xây dựng từ năm 1982, năm 1998 bán giấy tay, chủ mới có sửa chữa nhưng không thay đổi kết cấu, tầng cao, nay chủ mới xin cấp GCN theo QĐ 54 thì thời điểm xây dựng nhà và thời điểm tạo lập nhà-đất được tính như thế nào?

- Về nguyên tắc chung: thời điểm nhà ở được xây dựng là thời điểm bắt đầu khởi công xây dựng; thời điểm tạo lập nhà-đất là thời điểm các bên tham gia thực tế đã ký kết các văn bản giao dịch (như: mua bán, tặng cho, thừa kế, . . .). Thời điểm chủ sở hữu tự xây dựng nhà ở cùng với thời điểm tạo lập quyền sử dụng đất và chưa thay đổi chủ, đến nay lập hồ sơ cấp GCN, thì trường hợp này thời điểm xây dựng nhà ở cũng là thời điểm tạo lập nhà-đất. Trường hợp thời điểm được ghi trên các loại giấy tờ chứng minh tạo lập nhà-đất của người đề nghị cấp GCN có sự không thống nhất, thì thời điểm tạo lập được xác định theo giấy tờ có ghi thời điểm sớm nhất.

- Trường hợp nêu trong ví dụ bên, thời điểm nhà ở được xây dựng là năm 1982, thời điểm tạo lập nhà-đất của người đề nghị cấp GCN là năm 1998.

5

Hướng xử lý như thế nào khi xem xét cấp GCN cho người nhận chuyển nhượng đối với các trường hợp nhà ở-đất ở có tình trạng pháp lý chung như sau:

- Được xây dựng sai Giấy phép hoặc không phép;

- Thông qua Hợp đồng công chứng hoặc giấy tay (nhưng diện tích ghi trong Hợp đồng là diện tích hiện trạng nhà cũ khác với diện tích đã xây dựng lại và sử dụng thực tế).

 

Các trường hợp này, được chia 03 giai đoạn để xử lý theo nguyên tắc sau:

a) Trước ngày 01/7/2004: được xét cấp GCN theo hiện trạng nhà ở-đất ở sử dụng thực tế; nếu có đầy đủ giấy tờ chứng minh phần diện tích nhà ở-đất ở theo hiện trạng thực tế đã được chuyển nhượng, không có tranh chấp, phù hợp quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng đô thị hoặc khu dân cư nông thôn.

b) Từ 01/7/2004 đến 01/7/2006 (áp dụng Luật Đất đai năm 2003 và Luật Xây dựng năm 2003 để giải quyết):

- Đối với đất ở: việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản (Hợp đồng) có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, kèm theo các giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất ở theo quy định pháp luật về Đất đai. Do đó, đối với diện tích đất ở ngoài Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng được xử lý như sau:

+ Trường hợp đã có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất ở, nhưng chuyển nhượng bằng giấy tay, thì 02 bên phải lập lại thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo đúng quy định;

+ Trường hợp chưa có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất ở, thì bên chuyển nhượng phải hợp thức hóa quyền sử dụng đất (lập thủ tục cấp GCN.QSDĐ), sau đó lập thủ tục chuyển nhượng cho bên nhận chuyển nhượng theo đúng quy định.

- Đối với nhà ở: việc tạo lập nhà ở phải hợp pháp, cụ thể là:

+ Trường hợp xây dựng mới hoặc sửa chữa cải tạo, phải có Giấy phép xây dựng hoặc sửa chữa;

+ Trường hợp xây dựng không phép, chưa xem xét cấp GCN, sẽ được xử lý theo một quy định khác của UBND/TP (khoản 4 - Điều 15 của Quy định ban hành kèm theo QĐ54);

+ Trường hợp xây dựng sai Giấy phép, được xem xét cấp GCN nếu phần diện tích xây dựng sai giấy phép đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành Quyết định xử lý vi phạm xây dựng và chủ nhà đã thực hiện xong Quyết định xử lý vi phạm xây dựng này (không chờ UBND/TP ban hành văn bản xử lý theo khoản 4 - Điều 15 của Quy định ban hành kèm theo QĐ54);

+ Thông qua các giao dịch hợp pháp (mua bán, tặng cho, thừa kế, . . .) được cơ quan Công chứng Nhà nước chứng nhận. Trường hợp diện tích nhà ở ghi trong văn bản giao dịch này khác với diện tích sử dụng thực tế:

* Nếu diện tích nhà ở được thể hiện trong văn bản giao dịch, hiện trạng không còn tồn tại (do bị phá dỡ để xây dựng lại), thì việc cấp GCN sẽ được xem xét như trường hợp xây dựng sai Giấy phép hoặc không phép của điểm b này;

* Nếu diện tích nhà ở thể hiện trong văn bản giao dịch, hiện trạng vẫn còn tồn tại, thì được xét cấp GCN đối với phần diện tích này, phần diện tích phát sinh tăng thêm được xử lý theo điểm a và b nêu trên.

c) Từ ngày 01/7/2006 đến nay (áp dụng Luật Đất đai năm 2003, Luật Xây dựng năm 2003 và Luật Nhà ở năm 2005 để giải quyết): tất cả các trường hợp chuyển nhượng nhà ở-đất ở đều phải có giấy tờ hợp lệ về chủ quyền nhà-đất, phải lập thủ tục chuyển nhượng theo đúng quy định của pháp luật, hiện trạng nhà ở-đất ở thực tế phải đúng với hiện trạng được ghi trong Hợp đồng chuyển nhượng.

6

Nhà-đất có nguồn gốc mua hóa giá trước đây, mua theo Nghị định số 61/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ, nhưng có diện tích sử dụng thực tế nhiều hơn diện tích được ghi trong giấy chủ quyền nhà-đất.

Nếu phần diện tích nhà-đất tăng thêm không do lấn, chiếm, không tranh chấp, thì vẫn được xét cấp GCN; người được cấp GCN phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định đối với phần diện tích nhà-đất chênh lệch này.

7

Nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà mơ ước có được cấp GCN?

Được xét cấp GCN theo yêu cầu của người được cấp hoặc người thừa kế theo quy định pháp luật.

8

Nhà-đất thuộc diện xử lý 2/IV có được xét cấp GCN không?

Theo Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội và Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu thực tế Nhà nước không quản lý hoặc không bố trí sử dụng, thì UBND/quận-huyện không xem xét lại việc xử lý trước đây nữa khi xét cấp GCN theo yêu cầu của chủ sở hữu hoặc người được thừa kế.

9

Việc cấp GCN đối với các trường hợp nhà-đất đã có chủ quyền hợp lệ là giấy trắng sau ngày 01/01/2008 được thực hiện như thế nào?

Theo quy định tại Điều 66 - Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ, kể từ ngày 01/01/2008 các loại nhà-đất có giấy tờ chủ quyền hợp lệ là giấy trắng không được giao dịch, nhưng vẫn còn giá trị pháp lý để làm cơ sở cấp GCN.

10

Nhà-đất đã có giấy tờ hợp lệ nhưng hiện nay một trong các đồng sở hữu hoặc tất cả các đồng sở hữu định cư ở nước ngoài, thì có được cấp GCN không và cách ghi tên chủ sở hữu trên GCN như thế nào?

- Trường hợp nhà ở-đất ở còn ít nhất 01 đồng sở hữu ở trong nước, thì vẫn được cấp GCN và cách ghi tên các đồng sở trên GCN được thực hiện theo hướng dẫn tại Cẩm nang nghiệp vụ cấp GCN kèm theo Công văn số 2719/SXD-CCQNĐ ngày 19/4/2007 của Sở Xây dựng.

- Trường hợp nhà ở-đất ở mà tất cả đồng sở hữu là người VN định cư ở nước ngoài nhưng không thuộc đối tượng được phép sở hữu nhà ở tại VN theo quy định tại Điều 126 Luật Nhà ở năm 2005, thì không được cấp GCN, các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị nhà ở-đất ở.

II. CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN KỸ THUẬT

11

Cách ghi nhận về diện tích đất, diện tích xây dựng, diện tích sử dụng khi mô tả có khác biệt so với thực tế trên Bản vẽ theo quy định qua từng thời kỳ, có trường hợp không trùng khớp làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ vì phải chờ bổ sung, xác minh?

- Đối với Bản vẽ sơ đồ nhà ở-đất ở để xem xét cấp Giấy hồng mới theo QĐ 54 thì phải vẽ theo thực tế hiện trạng nhà ở và đất ở tại thời điểm đề nghị cấp Giấy (trừ những trường hợp đã có Bản vẽ trong hồ sơ xin tồn tại công trình theo Quyết định số 207/2005/QĐ-UBND ngày 01/12/2005 của UBND/TP).

- Trường hợp Bản vẽ qua các thời kỳ có sai biệt thông tin về nhà đất theo quy định tại QĐ 54 thì phải thực hiện việc bổ sung, xác minh hồ sơ đúng quy định.

12

Thời gian xác nhận Bản vẽ (theo điểm 1.2 - Phần 1 của Cẩm nang) và thời gian lập thủ tục cấp GCN chưa đồng bộ?

Thời gian xác nhận Bản vẽ (theo điểm 1.2 - Phần 1 của Cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ ban hành kèm theo Công văn số 2719/SXD-CCQNĐ ngày 19/4/2007 của Sở Xây dựng) là không tính vào thời gian trong quy trình giải quyết hồ sơ cấp GCN. Thời gian trong quy trình giải quyết cấp GCN được tính sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ (đã có Bản vẽ sơ đồ hiện trạng có kiểm tra xác nhận nội nghiệp hoặc ngoại nghiệp của Bộ phận nghiệp vụ của UBND/quận-huyện).

13

Về nội dung Bản vẽ và mẫu Bản vẽ sơ đồ nhà ở-đất ở được hướng dẫn thay đổi nhiều lần, có một số vấn đề chưa rõ ràng, đơn vị thụ lý phải tổ chức chỉnh sửa nhiều lần theo đúng mẫu Bản vẽ quy định tại QĐ 54 trong khi không có file Bản vẽ gốc?

- Về nội dung Bản vẽ và mẫu bản vẽ sơ đồ nhà ở-đất ở đã được Sở Xây dựng hướng dẫn tại Công văn số 2664/SXD-CCQNĐ ngày 18/4/2007 về việc hướng dẫn lập Bản vẽ sơ đồ nhà ở-đất ở phục vụ cấp GCN.

- Trường hợp người dân nộp Bản vẽ không giống mẫu Bản vẽ quy định tại QĐ 54 nhưng phù hợp hiện trạng và đủ các thông tin về nhà ở-đất ở theo quy định tại khoản 2 - Điều 8 của Quy định ban hành kèm theo QĐ 54, thì cơ quan cấp Giấy thực hiện việc thể hiện lại sơ đồ trên GCN cho người đề nghị cấp GCN theo quy định (không yêu cầu người dân vẽ lại).

14

Việc xác định sàn nhà phụ, gác gỗ trong nhà chính có được xem là sàn nhà phụ không và trong diện tích sàn xây dựng có bao gồm diện tích sàn nhà phụ?

Diện tích sàn nhà chính không bao gồm diện tích sàn nhà phụ; diện tích sàn nhà phụ là tổng diện tích sàn gác gỗ (khác kết cấu của nhà chính); diện tích sàn xây dựng nhà phụ bên ngoài nhà chính (tách rời nhà chính) như: gara ôtô, nhà bếp, nhà vệ sinh (nếu có); Cách ghi diện tích sàn nhà phụ được thể hiện như cách ghi diện tích sàn nhà chính.

15

Nội dung liên quan đến quy hoạch tại các dự án nhà ở:

Một số dự án quy hoạch khu dân cư trên địa bàn quận-huyện, các chủ đầu tư chưa bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho UBND/quận-huyện hay Sở Giao thông công chính để quản lý, vì vậy UBND/quận-huyện chưa xem xét cấp GCN cho người dân theo quy định?

- Căn cứ quy định tại điểm c - khoản 2 - Điều 10 của Quy định ban hành kèm theo của QĐ 54, nếu nhà đất nằm trong dự án quy hoạch khu dân cư thì phải có Biên bản nghiệm thu hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bàn giao cho UBND/quận-huyện hoặc Sở Giao thông công chính theo phân cấp quản lý đưa vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về Xây dựng.

- Lưu ý: các Dự án có các lô chung cư hoặc nhà ở riêng lẻ phục vụ tái định cư nếu chủ đầu tư chưa hoàn thành toàn bộ dự án để nghiệm thu và bàn giao hạ tầng thì UBND/quận-huyện tổ chức kiểm tra tại thời điểm người dân có yêu cầu cấp GCN, xác định tỷ lệ hoàn thành phần hạ tầng kỹ thuật tại khu vực đã giao nhà ở hoặc lô chung cư tái định cư trước, để cơ quan cấp GCN có cơ sở cấp GCN cho các hộ tái định cư sớm.

16

Nội dung liên quan đến quy hoạch khi cấp GCN:

Việc áp dụng quy hoạch chung hay quy hoạch chi tiết trong cấp Giấy hồng mới chưa được Sở Xây dựng hướng dẫn. Đề nghị Sở có văn bản hướng dẫn việc áp dụng quy hoạch 1/5.000 hay 1/2.000?

Việc xác định quy hoạch trong công tác cấp GCN là áp dụng quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và công bố quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ từ 1/2.000 trở lên đối với địa bàn quận và các khu thị trấn, thị tứ của huyện; các khu dân cư nông thôn trên địa bàn các huyện có thể sử dụng Bản đồ quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000.

17

Nội dung liên quan đến xây dựng nhà ở sai phép sau ngày 01/7/2004:

a) Trường hợp nhà đã được xây dựng trước ngày 01/7/2004 nhưng có sửa chữa, xây dựng thêm (không phép, sai phép) sau ngày 01/7/2004 có được giải quyết như như trường hợp xây dựng trước ngày 01/7/2004 không hay phải chờ như quy định tại khoản 4 - Điều 15 của Quy định ban hành kèm theo QĐ 54? Trường hợp nếu chủ sở hữu thực hiện xong Quyết định xử phạt của UBND/quận-huyện thì có được xem xét cấp GCN không?

b) Đối với nhà có vi phạm xây dựng thì Bộ phận nghiệp vụ phải thực hiện kiểm tra ngoại nghiệp và nội nghiệp Bản vẽ, đối với các trường hợp xin phép tồn tại công trình theo QĐ 207, hoặc Bản vẽ hiện trạng cũ mà nhà đất không thay đổi hiện trạng, khi xử lý hồ sơ Bộ phận nghiệp vụ phải vẽ lại Bản vẽ theo đúng mẫu kèm theo hướng dẫn của Sở Xây dựng để thể hiện trên GCN mất rất nhiều thời gian?

a) Trường hợp nhà đã được xây dựng trước ngày 01/7/2004 nhưng có sửa chữa, xây dựng thêm (không phép) sau ngày 01/7/2004 mà làm thay đổi hiện trạng, thì phải chờ quy định mới của UBND/TP theo khoản 4 - Điều 15 của Quy định ban hành kèm theo QĐ 54. Nếu phần diện tích xây dựng trên đã được xử lý vi phạm xây dựng, chủ nhà đã chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm xây dựng thì được xem xét cấp GCN (không chờ).

b)- Việc chuyển đổi Bản vẽ hiện trạng đối với nhà ở đã và đang làm thủ tục xin phép tồn tại theo QĐ 207 sang Bản vẽ sơ đồ hiện trạng nhà ở-đất ở để cấp GCN cho người dân, thực hiện theo Công văn hướng dẫn số 3633/SXD-CCQNĐ ngày 22/5/2007 của Sở Xây dựng.

- Trường hợp sau khi kiểm tra nội, ngoại nghiệp mà phải điều chỉnh lại Bản vẽ hoặc chuyển đổi từ Bản vẽ theo QĐ 207 sang Sơ đồ hiện trạng để cấp GCN, nếu cơ quan cấp GCN liên hệ được Công ty đo vẽ đã thực hiện Bản vẽ, thì có thể thông báo và yêu cầu Công ty này điều chỉnh lại và chuyển đổi Bản vẽ luôn (nhằm rút ngắn thời gian xử lý Bản vẽ).

18

Trường hợp đất trong dự án phân lô, chủ nhà nhận chuyển nhượng 02 lô nhưng khi xây dựng nhà thì chỉ xây dựng 01 căn nhà trên hết 02 lô đất, như vậy có xem trường hợp này là không phù hợp kiến trúc, và không công nhận quyền sở hữu nhà ở mà chỉ giải quyết cấp GCN.QSDĐ (gạch bỏ toàn bộ phần diện tích xây dựng trên Trang 3 GCN), đề nghị hướng dẫn cách xử lý.

Trường hợp này được xác định là xây dựng sai phép (sai mẫu nhà được duyệt):

- Để xác định phần diện tích hiện trạng phù hợp với mẫu nhà được duyệt trong dự án cần đối chiếu với các nội dung về quy hoạch, kiến trúc thông qua các chỉ tiêu: tầng cao, khoảng lùi, mật độ xây dựng.

- Nếu xây dựng trước ngày 01/7/2004, giải quyết theo khoản 1, 2 và 3 Điều 15 của Quy định ban hành kèm theo QĐ 54.

- Nếu xây dựng sau ngày 01/7/2004, giải quyết theo quy định tại khoản 4 Điều của 15 Quy định ban hành kèm theo QĐ 54.

19

Trường hợp nhà đất nằm trong khu vực chưa xác định chính xác ranh quy hoạch thì áp dụng theo mẫu Bản vẽ số 03 hoặc chưa có quy hoạch chi tiết thì áp dụng mẫu Bản vẽ số 04 (theo Cẩm nang). Nhưng việc xử lý (công nhận hay không công nhận) đối với phần diện tích nhà đất vi phạm ranh quy hoạch dự kiến thực hiện như thế nào?

Quy hoạch dự kiến mà chưa có Quyết định (văn bản) phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thì xem xét cấp GCN tương tự trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết.

III. LƯU TRỮ HỒ SƠ

20

Việc xử lý các loại GCN đã được cấp theo Nghị định số 60/CP, 61/CP, 181/2004/NĐ-CP, 95/2005/NĐ-CP và 90/2006/NĐ-CP của Chính phủ như thế nào khi cấp GCN theo QĐ 54?

Khi thực hiện cấp GCN mới theo QĐ 54, mà trong thành phần hồ sơ có một trong các loại GCN đã được cấp theo Nghị định số 60/CP, 61/CP, 181/2004/NĐ-CP, 95/2005/NĐ-CP, 90/2006/NĐ-CP của Chính phủ và bản chính GCN này phải được lưu lại trong hồ sơ; thì GCN cũ được cắt vạt góc bên phải phía trên cùng theo khổ giấy A4, mỗi cạnh từ 04-05cm.

B. CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC SỐ NHÀ

21

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi và có cơ sở pháp lý về quy định trong giải quyết cấp số nhà cho nhân dân, đề nghị Sở Xây dựng hướng dẫn cụ thể đối với một số đối tượng sau:

- Nhà xây dựng không phép sau ngày Luật Xây dựng có hiệu lực ngày 01/7/2004.

- Nhà đất chuyển nhượng trái phép sau ngày 01/7/2004 (nhà có nguồn gốc xây dựng không phép trước ngày 01/7/2004).

- Nhà xây dựng vi phạm hàng lang an toàn kỹ thuật (hành lang bảo vệ sông rạch, cầu, đường sắt, đường bộ, đường dây dẫn điện, . . .).

- Nhà đất có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước do các tổ chức tự quản lập thủ tục chuyển giao và không chuyển giao ngành nhà đất quản lý.

- Nhà xây dựng trong khu vực cấm xây dựng theo quy định.

Các đối tượng nêu trên có được xem xét cấp số nhà theo Hướng dẫn số 3242/SXD-CCQNĐ ngày 10/5/2007 của Sở Xây dựng hay không ?

- Việc hướng dẫn thực hiện công tác cấp số nhà trên địa bàn thành phố trong khi chờ Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định về đánh số và gắn biển số nhà (triển khai thực hiện Quyết định số 05/2006/QĐ-BXD ngày 08 tháng 3 năm 2006 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chế đánh số và gắn biển số nhà), Sở Xây dựng đã có Công văn số 3242/SXD-CCQNĐ ngày 10/5/2007 gởi 24 quận, huyện.

- Tại hướng dẫn này, Sở Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân các quận-huyện lưu ý chỉ không xem xét cấp số nhà đối với nhà-đất đã có Quyết định, Thông báo giải tỏa, phá dỡ để thực hiện dự án, các trường hợp còn lại vẫn thực hiện cấp số nhà theo Quyết định số 1958/1998/QĐ-UB-QLĐT ngày 13/4/1998 của UBND/TP.

a) Đối với nhà xây dựng không phép, sai phép trước ngày 01/7/2004; nhà đất có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước do các tổ chức tự quản lập thủ tục chuyển giao và không chuyển giao ngành nhà đất quản lý mà không thuộc một trong các đối tượng không cấp số nhà đã nêu tại công văn số 3242/SXD-CCQNĐ thì vẫn được xem xét cấp số nhà (hoặc số nhà tạm). Việc xử lý vi phạm xây dựng và cho tồn tại công trình (theo Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg ngày 28/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ) sẽ thực hiện kết hợp với giải quyết hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, hoặc theo Kế hoạch chung của từng quận-huyện;

b) Đối với các trường hợp xây dựng không phép sau ngày 01/7/2004 nhưng phù hợp quy hoạch thì giải quyết cấp số nhà tạm để quản lý trong thời gian chờ xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành;

c) Đối với trường hợp nhà xây dựng không phép trong khu vực cấm xây dựng, nhà nằm hoàn toàn trong phạm vi hành lang an toàn kỹ thuật thì chưa giải quyết cấp số nhà./.

SỞ XÂY DỰNG TP.HỒ CHÍ MINH